World Bank hạ dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam xuống 5,3%, kịch bản xấu nhất là 4,4%
Nhiều thách thức khiến World Bank hạ dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam
Sáng 5/4, Ngân hàng Thế giới (World Bank) tổ chức họp báo trực tuyến ra mắt Báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Đông Á - Thái Bình Dương tháng 4/2022 với chủ đề "Đương đầu bão tố".
Trong báo cáo, World Bank nhận định Việt Nam là mô hình quốc gia rất thành công trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng như cải thiện vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu những năm gần đây. Nhờ tận dụng những lợi thế thu hút FDI và thúc đẩy hội nhập, Việt Nam đang ngày càng hướng tới các chỉ tiêu tăng trưởng tốt hơn, tỷ lệ nghèo đói cũng giảm xuống mức thấp đáng kể.
Dù vậy, nền kinh tế Việt Nam hiện đối diện những thách thức lớn như sự bùng phát làn sóng dịch COVID-19 do biến chủng Omicron dẫn đến số ca nhiễm mới tăng vọt trong quý I hay tình hình giá năng lượng tăng vọt trên toàn cầu.
Theo đó, World Bank hạ dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2022 xuống 5,3% ở kịch bản cơ bản. Trong kịch bản xấu hơn, tăng trưởng GDP thậm chí có nguy cơ tụt xuống 4,4%. Trước đó, trong báo cáo hồi tháng 10/2021, World Bank kỳ vọng Việt Nam đạt tăng trưởng GDP 6,5% trong năm 2022.
Cũng theo phân tích của tổ chức này, với trị giá nhập khẩu dầu lên tới 3% GDP, Việt Nam chịu tác động đáng kể khi giá dầu thô thế giới tăng nhanh. Đồng thời, giá nguyên vật liệu thế giới bao gồm sắt, thép.. cũng tăng mạnh gây tác động đến nhập khẩu lạm phát, làm gia tăng chi phí sản xuất của doanh nghiệp do đặc thù của một nền kinh tế có độ mở cao.
Chuyên gia kinh tế trưởng Aaditya Mattoo nhận định: “Mặc dù Việt Nam được ghi nhận là một trong những quốc gia có nhiều lợi thế, tận dụng được nhiều nhất cơ hội mở rộng thương mại toàn cầu, chính điều đó lại khiến nền kinh tế Việt Nam trở nên dễ bị tổn thương hơn trước các cú sốc từ bên ngoài. Điều này đồng nghĩa Việt Nam phải hoàn thiện hơn nữa hệ thống an sinh xã hội trong nước cũng như thận trọng hơn trong điều tiết hệ thống tài chính”.
Cho đến nay, World Bank là một trong những tổ chức kinh tế quốc tế đã điều chỉnh hạ dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2022.
Trước đó, vào cuối tháng 3, HSBC cũng hạ nhẹ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm nay từ mức 6,5% xuống 6,2%, nhận định Việt Nam nhiều khả năng vẫn là một trong những quốc gia tăng trưởng vượt bậc trong khu vực ASEAN.
Tuy nhiên, một số chuyên gia trong nước vẫn lạc quan rằng triển vọng tăng trưởng GDP 6-6,5% trong năm nay như mục tiêu Quốc hội đưa ra là hoàn toàn khả quan. Chẳng hạn, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhận định 80-90% khả năng Việt Nam đạt mục tiêu tăng trưởng trong năm nay do đại dịch trong nước về cơ bản đã được kiểm soát tình hình chiến sự ở Ukraine đang cho thấy nhiều tín hiệu lạc quan hơn.
Hay chuyên gia kinh tế - TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng nếu Chính phủ điều hành tốt, truyền thông làm tốt công tác tâm lý thì hoàn toàn có thể kiểm soát lạm phát năm nay dưới 4% và tăng trưởng kinh tế có thể đạt mục tiêu 6-6,5%.
Dự báo khu vực Đông Á - Thái Bình Dương tăng trưởng 5%
Về tăng trưởng kinh tế chung của khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, World Bank nhận định xung đột Nga - Ukraine đang đe dọa tiến trình phục hồi vốn dĩ đã không đồng đều của các quốc gia trong khu vực sau cuộc khủng hoảng đại dịch COVID-19.
Các chuyên gia từ World Bank đưa ra con số dự báo 5% cho tăng trưởng kinh tế khu vực Đông Á - Thái Bình Dương trong năm 2022, tức giảm 0,4% so với dự báo hồi tháng 10/2021. Ở kịch bản xấu hơn, trong giả định tình hình thế giới xấu đi, tăng trưởng kinh tế khu vực có thể giảm xuống chỉ còn 4%.
Trong đó, Trung Quốc được dự báo đạt mức tăng trưởng GDP 5% theo kịch bản cơ sở và 4% theo kịch bản xấu. Với các quốc gia còn lại trong khu vực, World Bank dự báo mức tăng trưởng 4,8% theo kịch bản cơ sở và 4,2% theo kịch bản xấu.
Đáng chú ý, theo kịch bản xấu của tổ chức này, khu vực Đông Á - Thái Bình Dương có thể ghi nhận thêm 6 triệu người bị kẹt dưới ngưỡng nghèo khổ (mức thu nhập từ 5,5 USD/ ngày trở xuống) trong năm nay.
Bà Manuela V. Ferro, Phó Chủ tịch World Bank phụ trách khu vực Đông Á - Thái Bình Dương khuyến cáo rằng nền tảng vĩ mô vững chắc và chính sách lành mạnh có thể giúp các quốc gia trong khu vực chống chọi với những thách thức kinh tế - địa chính trị toàn cầu.