Nga chưa dừng vận chuyển khí đốt sang châu Âu

Đông Bắc 11:58 | 05/04/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Nga đang bị áp đặt nhiều lệnh trừng phạt sau cuộc xung đột với Ukraine. Tuy nhiên, nước này vẫn tiếp tục vận chuyển khí đốt sang châu Âu thông qua Ukraine theo yêu cầu của các khách hàng.

Ngày 4/4, Nga tiếp tục vận chuyển khí đốt sang châu Âu thông qua các tuyến đường ống chủ chốt, mặc dù các điều khoản về thanh toán vẫn chưa rõ ràng, trong bối cảnh các nhà lãnh đạo châu Âu kêu gọi gia tăng các biện pháp trừng phạt Nga.

Cụ thể, trong ngày hôm qua, lượng khí đốt qua tuyến đường ống dẫn khí đốt của Ukraine mà điểm đến là Slovakia là gần 968.000 MWh, trong khi lượng khí đốt vận chuyển qua đường ống dẫn khí Phương Bắc 1 tới Đức đạt 70 triệu kWh. Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga cho biết vẫn tiếp tục cung cấp khí đốt cho châu Âu thông qua Ukraine theo yêu cầu của các khách hàng.

Tuy nhiên, việc Nga yêu cầu các nước nhập khẩu dầu và khí đốt của nước này thanh toán bằng đồng ruble đã làm dấy lên những nghi ngại về hoạt động vận chuyển năng lượng trong tương lai.

Đức bất ngờ tuyên bố 'chưa thể' cắt khí đốt từ Nga

Cũng trong ngày 4/4, Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner lên tiếng cảnh báo Liên minh châu Âu (EU) chưa thể cắt giảm việc nhập khẩu khí đốt từ Nga.

Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner. Ảnh: Reuters.

Ông Christian Lindner cho hay động thái cắt giảm khí đốt nhập khẩu từ Nga như một biện pháp để trừng phạt Moscow có thể sẽ gây nhiều thiệt hại, AFP đưa tin. "Chúng tôi phải cắt mọi mối quan hệ kinh tế với Nga, nhưng hiện tại, không thể cắt nguồn cung cấp khí đốt. Chúng tôi cần một thời gian", ông Lindner nói tại buổi hội đàm với các nước trong khu vực đồng euro ở Luxembourg.

Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck ngày 2/4 cũng cho biết nước này vẫn tiếp tục nhập khẩu khí đốt của Nga trong thời gian nhất định, song cũng sẵn sàng cho mọi kịch bản.

Theo ông Robert Habeck, các biện pháp trừng phạt chống lại Nga đang khiến Đức phải trả giá bằng sự thịnh vượng. Dù vậy, trong mọi trường hợp, vào mùa thu hoặc mùa đông tới, Đức sẽ sẵn sàng độc lập với nguồn cung cấp nguyên liệu thô của Nga.

Ngày 3/4, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht cũng cho rằng EU nên thảo luận vấn đề ngừng nhập khẩu khí đốt của Nga, làm dấy lên hy vọng về việc Đức đang suy nghĩ lại việc phản đối lệnh cấm nhập khẩu năng lượng.