Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Sẵn sàng vaccine, thuốc điều trị để trở lại "bình thường mới"
Chiều 13/10, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đã làm việc với lãnh đạo Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ nhằm rà soát toàn bộ các sản phẩm vaccine, thuốc điều trị, các loại sinh phẩm xét nghiệm.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 về "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch Covid-19", trong đó xác định phải thực hiện đồng bộ các giải pháp y tế, hành chính, kinh tế - xã hội. Trong các giải pháp về y tế phải thực hiện đồng bộ cách ly, xét nghiệm, điều trị, vaccine phòng Covid-19.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch bệnh Covid-19 đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo việc thúc đẩy nghiên cứu, sản xuất, nhập khẩu vaccine, sinh phẩm, thuốc, vật tư thiết bị phòng chống dịch bệnh chủ động, hiệu quả, tiết kiệm, đồng thời tăng cường năng lực công nghiệp dược, trang thiết bị y tế.
Ngay từ đầu năm 2020, nhiều nhiệm vụ, đề tài nghiên cứu đã được Bộ KH&CN, các cơ quan nghiên cứu, các doanh nghiệp xác định, tham gia, thực hiện. Tới nay, Việt Nam đã làm chủ công nghệ, sản xuất được nhiều loại sinh phẩm xét nghiệm, trang thiết bị phục vụ công tác chống dịch. Nghiên cứu sản xuất vaccine đã có những bước đi ban đầu rất nhanh, đạt kết quả tốt. Từ giữa năm 2021 chủ yếu tập trung các khâu thử nghiệm lâm sàng, xem xét cấp phép thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế.
Từ giữa năm 2021, các doanh nghiệp tham gia tích cực vào nhận chuyển giao sản xuất sinh phẩm, vaccine, thuốc điều trị Covid-19 và Bộ Y tế đã cấp phép được sử dụng nhiều loại sinh phẩm xét nghiệm, thuốc. Tới nay, theo báo cáo của Bộ Y tế Việt Nam hoàn toàn chủ động được đối với sinh phẩm xét nghiệm theo công nghệ RT-PCR và xét nghiệm nhanh kháng nguyên và dự kiến đầu năm 2022 sẽ chủ động được đối với vaccine.
Qua rà soát, các ý kiến tại cuộc làm việc thống nhất cho rằng đến cuối năm 2021 Việt Nam sẽ chủ động được cơ bản nguồn vaccine, thuốc điều trị, sinh phẩm để đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới.
Bộ Y tế lên kế hoạch tiêm vaccine cho trẻ em dưới 18 tuổi
Báo cáo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, đến nay, Việt Nam đã cấp phép khẩn cấp cho 8 loại vaccine phòng Covid-19. Bộ Y tế đang dự kiến kế hoạch tiêm vaccine cho người dưới 18 tuổi; khi triển khai, có thể tiêm cho lứa tuổi 16-17, sau đó đến lứa tuổi nhỏ hơn.
Trong quá trình triển khai, các chuyên gia và Bộ Y tế sẽ tiếp tục xem xét, đánh giá về an toàn của vaccine khi tiêm cho trẻ. Việc tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ sẽ được hiện từng bước, thận trọng
Đối với tình hình nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho biết, Bộ Y tế đã tích cực họp với Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học, Bộ Y tế, Hội đồng Tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc và các doanh nghiệp, đơn vị tham gia nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước.
Bộ Y tế sẽ xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể để xem xét cấp phép cho vaccine sản xuất trong nước cùng với việc tham khảo chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới, dự kiến ban hành trước ngày 20/10.
Về thuốc điều trị, cùng với quá trình thử nghiệm lâm sàng, đánh giá hiệu quả, Bộ Y tế tạo điều kiện cho doanh nghiệp được nhập khẩu nguyên liệu, chuẩn bị sản xuất sau khi loại thuốc này được cấp phép chính thức.
Bộ Y tế tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu để giảm giá thành sản xuất một số loại thuốc, được chuyển giao công nghệ để phục vụ điều trị bệnh nhân Covid-19.
Một số doanh nghiệp đã tiếp nhận, chuyển giao công nghệ sản xuất kit xét nghiệm nhanh kháng nguyên, sẽ đi vào hoạt động sau 1 tháng nữa với giá thành hợp lý.
Cần sớm triển khai tiêm vaccine cho trẻ em
PGS.TS Trần Đắc Phu- Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng - cho rằng, Việt Nam cần phải tiếp tục triển khai tiêm chủng mạnh mẽ, để sớm đạt được 70% dân số tiêm vaccine. Đặc biệt, phải triển khai tiêm chủng cho cả trẻ em. Chỉ khi đó, chúng ta sẽ tiến tới đạt miễn dịch cộng đồng.
"Thủ tướng cũng đã có chỉ đạo khẩn trương tiêm cho trẻ em, vì vậy tôi cho rằng việc này sẽ sớm được triển khai. Hoặc chúng ta tiêm bao phủ vaccine cho người lớn và trẻ em trước mắt cần được bảo vệ bằng nhiều biện pháp dự phòng như 5K, thì có thể nới lỏng được các hoạt động xã hội, phát triển kinh tế", PGS.TS Trần Đắc Phu nói.
Đẩy nhanh chương trình nghiên cứu vaccine
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu, thời gian tới, Bộ Khoa học và Công nghệ khẩn trương triển khai chương trình nghiên cứu vaccine đến năm 2030 và các chương trình, nhiệm vụ khoa học phục vụ phòng, chống dịch Covid-19; cập nhật các công nghệ, tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong phòng, chống dịch; chủ động triển khai các nhiệm vụ khoa học-công nghệ, báo cáo Thủ tướng những vấn đề vượt thẩm quyền.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ thuộc phạm vi trách nhiệm, quản lý để thúc đẩy hiệu quả, thiết thực các chương trình, đề tài, dự án nghiên cứu, nhận chuyển giao công nghệ, thử nghiệm, cấp phép…, đặc biệt trong khâu thử nghiệm lâm sàng, cấp phép nhằm sớm chủ động được vaccine, thuốc, sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị phòng, chống dịch.
Phó Thủ tướng giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan có dự báo diễn biến dịch; nhu cầu các loại vaccine, thuốc, sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị phòng, chống dịch; căn cứ tình hình sản xuất trong nước để có phương án nhập khẩu, mua trong nước cụ thể (trên quy mô cả nước) đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả; đồng thời khuyến khích phát triển công nghiệp y dược trong nước.
Đối với vaccine, Bộ Y tế khẩn trương nghiên cứu, ban hành, cập nhật hướng dẫn về tiêm vaccine đủ liều cho các lứa tuổi; tiêm tăng cường; tiêm kết hợp các loại vaccine… đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch, bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Để tăng độ bao phủ vaccine sớm đưa cuộc sống của nhân dân trở lại trạng thái "bình thường mới", Bộ Y tế cần tăng cường chỉ đạo công tác tiêm vaccine phòng Covid-19 (bao gồm kiểm định, phân bổ, tổ chức tiêm…) đảm bảo an toàn, khoa học, hiệu quả, công khai minh bạch.
Đồng thời, Bộ Y tế khẩn trương hướng dẫn tiêm vaccine cho người dưới 18 tuổi và tiêm tăng cường; đánh giá tổng thể nhu cầu vaccine (kể cả cho trẻ em); số lượng, tiến độ giao hàng vaccine đã ký kết nhập khẩu hoặc tiếp nhận viện trợ; tiến độ và công suất sản xuất vaccine trong nước… trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch nhập khẩu, tiếp nhận viện trợ, mua trong nước bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm.
Đối với thuốc điều trị, Bộ Y tế khẩn trương cập nhật các phác đồ điều trị từ sớm, điều trị tại nhà, trong đó lưu ý kết hợp y học hiện đại và y học cổ truyền, thúc đẩy thử nghiệm, cấp phép các loại thuốc điều trị, thuốc bổ trợ, đặc biệt thuốc điều trị từ sớm, điều trị tại nhà; xây dựng phương án cụ thể nhập khẩu, mua trong nước đối với từng loại thuốc.
Về sinh phẩm, thiết bị xét nghiệm, Bộ Y tế khẩn trương cập nhật, hướng dẫn, cấp phép sử dụng các công nghệ xét nghiệm mới, tiện dụng, hiệu quả trên thế giới; xây dựng phương án cụ thể nhập khẩu, mua đối với từng loại sinh phẩm, thiết bị.
Đồng thời, Bộ xây dựng phương án người dân tự xét nghiệm, từ đó cập nhật hướng dẫn người dân tự xét nghiệm mẫu đơn, mẫu gộp để định hướng các doanh nghiệp sản xuất các bộ kit xét nghiệm thuận tiện, tiết kiệm.
Bộ Y tế bổ sung, cập nhật các hướng dẫn sử dụng các loại vật tư, trang thiết bị phù hợp với điều kiện của hệ thống y tế các cấp; xây dựng phương án cụ thể nhập khẩu, mua trong nước, mua dự phòng các loại vật tư, trang thiết bị cùng với phương án phân bổ trang thiết bị sau dịch đảm bảo chủ động, tiết kiệm nguồn lực; khẩn trương cập nhật, hướng dẫn sử dụng các công nghệ, sinh phẩm khử khuẩn hiệu quả, ít gây ô nhiễm môi trường.
Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ chủ động giải quyết các đề xuất kiến nghị của các địa phương, cơ sở y tế, doanh nghiệp về cơ chế mua sắm, ưu đãi, thanh toán…; trường hợp vượt thẩm quyền báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 từ 17h ngày 12/10 đến 17h ngày 13/10 có thêm 3.461 trường hợp tại 47 tỉnh, thành phố, gồm 3 ca nhập cảnh và 3.458 bệnh nhân lây nhiễm trong nước (1.432 ca trong cộng đồng). So với hôm qua, tổng số mắc tăng 519 ca.
TP.HCM là địa phương ghi nhận số bệnh nhân nhiều nhất cả nước ngày 13/10 với 1.162 trường hợp, tăng 144 ca so với ngày 12/10.
Bình Dương đứng thứ hai với 501 bệnh nhân, tăng 54 ca. Đồng Nai đứng thứ ba với 486 trường hợp, giảm 15 ca. Xếp thứ tư là Hà Giang với 152 bệnh nhân. Tỉnh An Giang ghi nhận 121 ca bệnh, xếp thứ 5 toàn quốc.
Một số tỉnh thành khác có số ca dương tính cao trong ngày 13/10 (theo thống kê trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19) gồm: Đắk Lắk (113), Đồng Tháp (87), Kiên Giang (76), Tiền Giang (74), Gia Lai (60), Long An (59), Bình Thuận (55), Tây Ninh (51), Trà Vinh (46), Bạc Liêu (45), Cà Mau (41), Khánh Hòa (39), Hậu Giang (31), Hà Nội (29), Quảng Nam (29), Quảng Ngãi (19), Hà Nam (18),…