Phố Wall đỏ lửa: Không chỉ là nỗi sợ thuế quan, thương chiến…

15:38 | 09/04/2025 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Chuyên gia tài chính, nhà quản lý quỹ Jim Cramer, người cầm trịch chương trình truyền hình Mad Money nổi tiếng của CNBC mới đây nhận định: “Thị trường không còn khả năng phản ứng kịp trước những phát ngôn và chính sách thay đổi liên tục từ chính quyền Tổng thống Donald Trump”.

 

Trong hai phiên giao dịch cuối tuần trước, chỉ số S&P 500 mất gần 11%, đợt sụt giảm tồi tệ nhất trong hai ngày liên tiếp kể từ 12/3/2020 (thời điểm đại dịch COVID-19 bùng phát) và là đợt giảm sâu thứ tư kể từ năm 1950, theo thống kê của Callie Cox, chiến lược gia trưởng tại Ritholtz Wealth Management. Trong phiên giao dịch 7/4, thị trường thậm chí đã rơi vào vùng “thị trường giá xuống” (bear market) – tức giảm hơn 20% so với đỉnh gần nhất – trước khi hồi phục nhẹ về cuối phiên.

Sau những nhịp giảm sâu, chứng khoán Mỹ có thời điểm tăng sốc trong phiên giao dịch sáng 8/4, khi chỉ số Dow Jones tăng gần 4% vào đầu phiên bởi kỳ vọng vào khả năng đàm phán của Nhà Trắng với các đối tác thương mại rồi lại quay đầu giảm vào cuối phiên sau khi chính quyền Trump xác nhận sẽ áp mức thuế 104% lên hàng hóa Trung Quốc bắt đầu từ 9/4. Chỉ số Nasdaq cũng có cú quay đầu giảm 2% sau khi vọt tăng 4,5% trong phiên sáng 8/4. Tương tự, S&P 500 kết phiên gần vùng giá xuống (bear market) sau màn tăng điểm vào đầu phiên, giảm 19% so với đỉnh thiết lập hồi tháng 2.

Diễn biến như ‘tàu lượn siêu tốc’ của một số mã cổ phiếu bị tác động lớn bởi chính sách thuế quan của ông Trump (chẳng hạn Apple) trong những phiên gần đây cũng phần nào phản ánh trạng thái “vô cùng rối loạn” của thị trường, theo ông Cramer. “Thị trường liên tục bị tác động bởi các sự kiện bất ngờ – những quyết sách chóng vánh của Nhà Trắng. Nhà đầu tư sẽ không thể lấy lại niềm tin cho đến khi tốc độ công bố các chính sách chậm lại và mỗi chính sách được suy xét kỹ lưỡng hơn”, vị chuyên gia kết luận.

Chỉ số Dow Jones đã mất 10,85% kể từ ngày 2/4/2025 đến nay, với cú lao dốc thẳng đứng sau khi chính quyền Tổng thống Donald Trump công bố mức thuế quan đối ứng với 180 quốc gia. S&P 500 mất 12,14% còn Nasdaq Composite bốc hơi 13,26%.

  “Thị trường liên tục bị tác động bởi các sự kiện bất ngờ – những quyết sách chóng vánh của Nhà Trắng". Ảnh: Reuters

Không chỉ là nỗi sợ thuế quan, thương chiến…

Đã có nhiều dự báo về nguy cơ chiến tranh thuế quan và chiến tranh thương mại kéo dài ở Trump 2.0 sẽ mang đến nhiều tổn thất nghiêm trọng cho lợi nhuận doanh nghiệp cũng như toàn nền kinh tế Mỹ. Nhưng lần này, quy mô và phạm vi áp thuế vượt xa kỳ vọng của nhiều nhà đầu tư: mức thuế tối thiểu 10% được áp dụng với hầu như tất cả các đối tác thương mại của Mỹ. Một số quốc gia bị áp thuế cao hơn, trong đó bao gồm Trung Quốc và cả những đồng minh truyền thống như các nước thành viên EU.

Theo dữ liệu từ Tax Foundation, trong giai đoạn 2018–2019, chính quyền Trump đã áp thuế lên khoảng 380 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu. Nhưng ở nhiệm kỳ hiện tại, con số này đã vượt 2.500 tỷ USD – tức gấp gần 7 lần nhiệm kỳ Trump 1.0.

“Các thông báo lần này có mức độ nghiêm trọng vượt xa những gì thị trường từng dự đoán, và đó là lý do thị trường hoảng loạn bán tháo”, Chris Harvey, Giám đốc chiến lược cổ phiếu tại Wells Fargo Securities viết. 

Theo các chuyên gia, cách mà thị trường chứng khoán Mỹ phản ứng trong những ngày qua giống như một cơn hoảng loạn bộc phát. Thị trường chứng khoán được xem như thước đo kỳ vọng của nhà đầu tư với tương lai. Và ngay lúc này trên phố Wall, nỗi sợ lớn nhất là các mức thuế sẽ làm chậm lại đà tăng trưởng của các doanh nghiệp niêm yết, sức mua của người tiêu dùng cũng như toàn bộ nền kinh tế Mỹ. 

Mức thuế dự kiến được áp dụng chắc chắn sẽ làm gia tăng chi phí vận hành cho các doanh nghiệp Mỹ khi nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài. Để duy trì lợi thế cạnh tranh, nhiều doanh nghiệp có thể sẽ chấp nhận “gánh” một phần chi phí để tránh việc giá bán tăng cao đột ngột, tức là chấp nhận lợi nhuận suy giảm. Cùng đó, theo các nhà kinh tế, doanh nghiệp cũng sẽ phải chuyển ít nhất một phần chi phí gia tăng đó sang người tiêu dùng. 

Theo ước tính của Yale Budget Lab, các chính sách thuế quan hiện nay khiến mỗi hộ gia đình Mỹ mất khoảng 3.800 USD sức mua mỗi năm. Sức ép lên túi tiền người tiêu dùng có thể khiến hộ gia đình cắt giảm chi tiêu, kéo theo doanh thu của doanh nghiệp đi xuống. Trong tình huống đó, doanh nghiệp có thể buộc phải cắt giảm nhân sự, khiến cho sức mua tiếp tục chịu sức ép. Trong khi đó, tiêu dùng hiện chiếm tới 70% GDP của Mỹ.

Chưa dừng lại ở đó, các biện pháp đáp trả thương mại từ nhiều quốc gia càng khiến tình hình thêm phức tạp. Ngay sau khi ông Trump công bố mức thuế đối ứng với 180 quốc gia, Trung Quốc cũng tuyên bố áp thuế 34% với hàng hóa Mỹ bắt đầu từ 10/4. Canada áp mức thuế 25% lên nhiều mặt hàng xuất khẩu từ Mỹ, trong khi EU cũng đang chuẩn bị các biện pháp thuế quan trả đũa.

Việc các nước đáp trả thuế quan về cơ bản sẽ khiến hàng hóa Mỹ trở nên đắt đỏ hơn tại thị trường nước ngoài, gây thiệt hại cho các doanh nghiệp Mỹ phụ thuộc vào xuất khẩu, điều có thể dẫn đến cắt giảm lao động và siết chặt chi tiêu tiêu dùng.

Trong một dự báo mới đây, Wells Fargo kỳ vọng tăng trưởng kinh tế Mỹ năm 2025 sẽ “suy yếu đáng kể” do các đợt tăng thuế “bất ngờ mạnh tay”; từ mức 2,5% trong dự phóng trước đó xuống chỉ còn 1%.

Còn theo ông Joe Seydl, chuyên gia kinh tế cao cấp tại J.P. Morgan, trong trường hợp các chính sách thuế quan hiện tại không mang tính tạm thời mà kéo dài, cú sốc kinh tế có thể khiến Mỹ rơi vào một đợt suy thoái nhẹ.

Xa hơn là lạm phát, lãi suất…và bất định

Không chỉ là kịch bản tăng trưởng giảm tốc, phố Wall còn đang lo ngại nguy cơ các chính sách thuế quan của ông Trump khiến cho lạm phát tại Mỹ gia tăng trong năm nay, nhất là trong bối cảnh chỉ số này vẫn chưa được hạ nhiệt hoàn toàn sau cú sốc đại dịch.

“Thuế quan gần như chắc chắn sẽ làm gia tăng lạm phát, ít nhất là trong ngắn hạn. Tuy nhiên, cũng có khả năng tác động này kéo dài hơn dự kiến”, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (FED) Jerome Powell phát biểu cuối tuần trước. Hệ quả là FED có thể sẽ không cắt giảm lãi suất nhanh như kỳ vọng ban đầu. Diễn biến như vậy của lãi suất có khả năng khiến chi phí vay vốn tiếp tục duy trì ở mức cao, ảnh hưởng tới khả năng đầu tư và mở rộng sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, từ đó quay trở lại cản trở sức mạnh nền kinh tế Mỹ.

Sự bất định là một yếu tố khác tác động đến tâm lý thị trường. Theo ông Seydl, “cuộc chiến thuế quan” hiện tại rất khác so với giai đoạn đầu nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump. Không chỉ vấn đề quy mô đánh thuế, cách thức Nhà Trắng công bố chính sách và truyền thông về các đợt áp thuế chính là yếu tố đang tạo ra cảm giác thiếu định hướng rõ ràng cho thị trường, theo đánh giá của giới phân tích.

Thêm vào đó, nếu như trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, mức độ biến động của thị trường chứng khoán từng khiến chính quyền phải lưu tâm; thì hiện tại, có vẻ như Nhà Trắng không còn quá quan tâm đến diễn biến trên phố Wall. Theo ông Seydl, đó có thể chính là yếu tố quan trọng nhất dẫn đến làn sóng bán tháo hiện nay.

Tương tự quan điểm này, chuyên gia Chris Harvey từ Wells Fargo nhận xét: “Thị trường vốn – đặc biệt là thị trường cổ phiếu – đang phát tín hiệu rất rõ ràng tới chính quyền rằng tình hình hiện tại không ổn: xác suất xảy ra suy thoái, mất việc làm và hiệu ứng giảm tài sản đều đang gia tăng… Tuy nhiên, chính quyền lại có xu hướng phớt lờ những tín hiệu như vậy. Điều đó tạo ra một vòng lặp phản hồi tiêu cực”.

Theo ông Chris Harvey, sự bất định xung quanh các yếu tố như mục tiêu, thời hạn áp thuế cũng như ngưỡng chịu đựng của nền kinh tế đang khiến nhà đầu tư gần như không có khả năng đánh giá mức độ rủi ro trên thị trường.

Trong khi thuế quan là chất xúc tác chính dẫn đến đợt bán tháo hiện nay trên thị trường chứng khoán Mỹ, các chuyên gia cho rằng đó không phải là nguyên nhân duy nhất khiến thị trường lao dốc. Một yếu tố quan trọng khác là định giá cổ phiếu vốn đã ở mức rất cao trước khi bước sang năm 2025, theo ông Seydl. Thị trường khi đó đang giao dịch ở mức P/E dự phóng khoảng 22x – cao hơn hẳn mức trung bình 16,5x của giai đoạn 1990–2024 và mức trung bình dài hạn 12,8x từ năm 1950 đến 2024.

“Với định giá cao như vậy, thị trường sẽ trở nên cực kỳ nhạy cảm với bất kỳ tin xấu nào,” chuyên gia Seydl phân tích.