Phục hồi kinh tế sau COVID-19: Cân nhắc cải cách chính sách thuế, sửa đổi NĐ 20

15:57 | 10/04/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Đây là khuyến nghị của PGS.TS Tô Trung Thành - Đại học Kinh tế Quốc dân khi bàn về giải pháp giúp nền kinh tế phục hồi, tiếp đà phát triển sau dịch bệnh COVID-19.

Phục hồi kinh tế sau COVID-19: Cân nhắc cải cách chính sách thuế, sửa đổi NĐ 20 - ảnh 1
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet. 
Theo PGS.TS Tô Trung Thành: Dịch COVID-9 có thể sẽ còn kéo dài thêm 6-7 tháng nữa hoặc hơn. Thời gian dịch bệnh càng kéo dài thì mức độ ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế càng lớn. Nhưng cũng như mọi đợt dịch, dù dài hay ngắn, dịch COVID-19 rồi cũng sẽ qua đi.

Bởi vậy, Chính phủ cần có những giải pháp để giúp nền kinh tế phục hồi, tiếp đà phát triển như trong những năm vừa qua.

Đó là, với nguồn lực ngân sách hạn hẹp, để đối phó với dịch bệnh COVID-19, Chính phủ cần dựa vào sự tham gia của toàn dân chứ không thể chỉ dựa vào nguồn lực của Chính phủ. Khi dịch bệnh diễn ra, sẽ có rất nhiều doanh nghiệp bị thiệt hại. Nhưng cần phải coi đó như là một loại rủi ro mà bất cứ doanh nghiệp nào khi kinh doanh cũng đều cần phải sẵn sàng gánh chịu. Vì thế, Chính phủ trước hết cần truyền tải thông điệp cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam phải có các giải pháp để tự cứu mình và cứu lẫn nhau là chính.

Chẳng hạn, các doanh nghiệp cho thuê mặt bằng bất động sản cần giảm hoặc giãn tiền thuê cho các doanh nghiệp đi thuê.

Các tổ chức tài chính-ngân hàng chủ động làm việc với các doanh nghiệp bị thiệt hại do dịch bệnh để khoanh nợ, giãn nợ, hoặc đàm phán lại các điều khoản vay nợ sao cho phù hợp với tình hình mới.

Tiếp đến, Chính phủ cần tập trung các giải pháp để hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước tìm kiếm các nguồn cung ứng mới và thị trường mới để thay thế và hồi phục sản xuất. Trách nhiệm chính vẫn thuộc về doanh nghiệp, nhưng Chính phủ có thể hỗ trợ các doanh nghiệp về mặt thông tin lẫn khía cạnh pháp lý để gỡ các vướng mắc liên quan đến xuất, nhập khẩu trong thời kỳ các quốc gia đều xây dựng các hàng rào liên quan đến lưu thông hàng hóa và con người trong giai đoạn dịch bệnh.

Cùng với đó, Chính phủ có thể áp dụng một số chính sách miễn giảm thuế, giãn thuế VAT, thuế TNDN và BHXH cho các doanh nghiệp phải ngưng sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng do dịch cúm hoặc cho phép các tỉnh, thành sử dụng Quĩ dự trữ tài chính địa phương để hỗ trợ các tổ chức tín dụng trên địa bàn giãn nợ cho những doanh nghiệp thuộc những ngành nghề bị ảnh hưởng. Đây là chính sách Chính phủ có thể cân nhắc để bảo tồn được năng lực sản xuất tại những ngành nghề chịu ảnh hưởng tiêu cực.

Trong trường hợp nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng có thể dẫn đến nguy cơ suy thoái, Chính phủ có thể cân nhắc cải cách toàn diện chính sách thuế theo hướng giảm mạnh suất thuế TNDN (như giảm về mức 15%), nâng mức khởi điểm chịu thuế TNCN và bù đắp hụt thu từ các sắc thuế trên bằng việc tăng VAT.

“Giải pháp này không những vẫn đảm bảo cân bằng ngân sách mà còn khuyến khích người dân tăng tiết kiệm, bỏ tiền đầu tư mở rộng sản xuất cũng như thu hút đầu tư nước ngoài tốt hơn, qua đó nhanh chóng giúp nền kinh tế hồi phục trở lại. Một cải cách toàn diện như vậy có thể sẽ gặp nhiều phản ứng trong giai đoạn bình thường nhưng có thể sẽ dễ dàng được thông qua trong giai đoạn khi dịch bệnh vừa kết thúc”, PGS.TS Tô Trung Thành nói.

Một trong những giải pháp quan trọng khác là có thể nhanh chóng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp là sửa đổi Nghị định 20/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết.

Khoản 3 Điều 8 của Nghị định này quy định “Tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 20% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ của người nộp thuế”.

Một điểm bất hợp lý của Nghị định 20 là đưa thêm những quy định mới không có trong Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, mà cụ thể là việc áp dụng tỉ lệ khống chế chi phí lãi vay cố định như quy định tại Khoản 3 Điều 8. Nghị định trên dường như chưa nghiên cứu tổng thể điều kiện thực tiễn của Việt Nam và cũng chưa có đánh giá toàn diện tác động của quy định này đến môi trường đầu tư và tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Kết quả điều tra của TCTK cho thấy, đối với doanh nghiệp tư nhân trong nước, bình quân tỉ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu vào khoảng 3/1, tức là cứ có 4 đồng vốn thì khu vực này chỉ có 1 đồng vốn chủ sở hữu, còn 3 đồng phải đi vay. Tính toán dựa trên số liệu này cũng cho thấy tỷ suất lợi nhuận trên vốn của khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước chỉ khoảng 1,12%.

Phục hồi kinh tế sau COVID-19: Cân nhắc cải cách chính sách thuế, sửa đổi NĐ 20 - ảnh 2
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.  
Như vậy có thể thấy Nghị định 20 khiến khối doanh nghiệp tư nhân trong nước bị tăng lợi nhuận ảo, dẫn đến phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp cao hơn và lợi nhuận thật của doanh nghiệp bị giảm đáng kể, không ít doanh nghiệp bị lỗ nặng. Nhưng nghị định này lại dường như không ảnh hưởng nhiều đến doanh nghiệp FDI do họ ít phải vay, tỉ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu của loại hình doanh nghiệp này chỉ là 1,8/1, thấp hơn khu vực trong nước rất nhiều, trong khi đó tỷ suất lợi nhuận trên vốn của khu vực FDI lại rất cao, gấp 5,4 lần khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước (6,5 so với 1,12).

Như vậy, Nghị định 20 có thể gây ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt những doanh nghiệp đang đầu tư vào những ngành trọng điểm cần số vốn rất lớn như nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, dệt may, da giày, chế biến thủy hải sản, kinh doanh bất động sản. Nghị định cũng có thể cản trở việc các hộ kinh doanh cá thể phát triển thành doanh nghiệp, vì họ có khả năng chuyển từ trạng thái đang làm ăn có lãi thành thua lỗ do bị khống chế về chi phí lãi vay khi trở thành doanh nghiệp, nên sẽ không muốn chuyển đổi.

“Việc sửa đổi Nghị định 20 sẽ làm lợi nhuận của các doanh nghiệp tăng lên qua đó làm giá trị gia tăng và GDP tăng lên và Nhà nước có thể thu được nhiều thuế hơn ở những chu kỳ sản xuất kinh doanh sau. Đây cũng là giải pháp để hỗ trợ các doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn do dịch cúm COVID-19”, PGS.TS Tô Trung Thành chia sẻ.

Ngoài ra, theo PGS.TS Tô Trung Thành, Chính phủ cần kiên định không lạm dụng chính sách tiền tệ để kích thích nền kinh tế. Trong những năm vừa qua, nền kinh tế của Việt Nam hồi phục và duy trì mức tăng trưởng vững chắc được một phần là nhờ Chính phủ kiên định chính sách ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì mức lạm phát dưới 4%. Sự phục hồi kinh tế sau dịch bệnh cần nhất là mang lại niềm tin cho người dân và cộng đồng doanh nghiệp. Bất cứ sự biến động mạnh nào về giá cả đều khiến cho người dân giảm chi tiêu và đầu tư, từ đó ảnh hưởng đến sự hồi phục của nền kinh tế. Vì thế chính sách tiền tệ chỉ nên dừng ở mức độ đảm bảo thanh khoản cho hệ thống tài chính-ngân hàng.

Cuối cùng, Chính phủ khuyến khích các TCTD nên chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp và người dân, giãn hoặc khoanh nợ, giảm lãi suất cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Nhưng đây phải được xem như là các chính sách của từng tổ chức tài chính-ngân hàng chứ không phải là chính sách hỗ trợ lãi suất rộng khắp như năm 2009.