Phương hướng phát triển kinh tế số tại Việt Nam trong dự thảo trình Đại hội Đảng lần thứ XIII

15:28 | 21/10/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Đại hội Đảng XIII dự kiến sẽ diễn ra và đầu tháng 1/2021 tới đây tại Hà Nội, dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng để lấy ý kiến đã được Chính Phủ công bố, trong đó nổi bật vấn đề phát triển kinh tế số.
Kinh tế số được nhấn mạnh trong Đại hội Đảng lần thứ XIII

Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XIII, còn được gọi chính thức là Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, là đại hội lần thứ 13 của Đảng Cộng sản Việt Nam, dự kiến diễn ra trong tháng 1 năm 2021 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội).
 
Đại hội Đảng lần thứ XIII là sự kiện chính trị quan trọng nhằm đánh giá kết quả lãnh đạo và phát triển đất nước, đánh giá tổng quan quá trình thực hiện các nghị quyết được đưa ra tại Đại hội Đảng lần thứ XII, đồng thời đề ra những mục tiêu và nhiệm vụ tổng quát để phát triển đất nước trong giai đoạn 5 năm tới (2021-2025).
 
Phương hướng phát triển Kinh tế số tại Việt Nam 2021-2025
Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XIII sẽ có phàn đánh giá lại kết quả thực hiện của nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XII. 
 
Mới đây, cổng Thông tin điện tử của Chính phủ đã giới thiệu đến đông đảo người dân toàn văn dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII để lấy ý kiến trong Nhân dân. Các dự thảo này bao gồm:

(1) Dự thảo báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
(2) Dự thảo báo cáo tổng kết thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020, xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030.
(3) Dự thảo báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.
(4) Dự thảo báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng nhiệm kỳ Đại hội XII.
 
Trong số các văn kiện trên, "Dự thảo báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025" có đề cập cụ thể tới vấn đề kinh tế số.
 
Phương hướng phát triển Kinh tế số tại Việt Nam 2021-2025
 
Kinh tế số, kinh tế tuần hoàn và tăng trưởng xanh đang là mô hình được nhiều quốc gia ưu tiên lựa chọn ở thời điểm hiện tại. Đặc biệt trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới xuất hiện xu hướng đa cực, nhiều trung tâm kinh tế của thế giới đang trỗi dậy mạnh mẽ, đặc biệt ở các nền kinh tế mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển.
 
Tuy nhiên, với bối cảnh tại Việt Nam, năng lực tiếp cận nền kinh tế số còn tồn tại nhiều hạn chế. Các yếu tố nền tảng như thể chế, hạ tầng, nguồn nhân lực là một vài trong số những khó khăn khiến việc phát triển kinh tế số chưa đạt được hiệu quả mong muốn. Từ đó, khả năng đưa Việt Nam sớm trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại còn thấp hơn so với nhu cầu. Mức độ tham gia của Việt Nam vào các chuỗi cung ứng toàn cầu và khu vực vẫn còn hạn chế và vẫn tham gia ở các công đoạn giản đơn.
 
Trong giai đoạn 5 năm tới (2021-2025), dự thảo phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 -2025 đề ra mục tiêu tổng quát bao gồm:
(1) Bảo đảm tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
(2) Phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn mức bình quân của 5 năm 2016 - 2020, đến năm 2025 là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp.
(3) Nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, thực hiện các giải pháp khắc phục tác động của đại dịch Covid-19, nhanh chóng phục hồi kinh tế.
(...)
 
Phương hướng phát triển Kinh tế số tại Việt Nam 2021-2025
 
Dự thảo đưa ra các chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế như:
(1) Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân 5 năm khoảng 6,5 - 7%.
(2) GDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt 4.700 - 5.000 USD 58.
(3) Tỉ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt trên 25%; kinh tế số đạt khoảng 20% GDP.
(4) Đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng đến năm 2025 đạt khoảng 45%.
(5) Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân trên 6,5%/năm.
(6) Tỉ lệ đô thị hoá đến năm 2025 khoảng 45%.
 
Có thể thấy, trong văn kiện này, vấn đề về kinh tế số được kỳ vọng sẽ đạt được nhiều thành tựu trong giai đoạn tới, đóng góp vào khoảng 20% GDP toàn quốc. Để có thể đạt được những kỳ vọng này, trong Dự thảo cũng đề xuất những giải pháp để phát triển Kinh tế số tại Việt Nam. Cụ thể, tại mục 2. đã đặc biệt nhấn mạnh nhiệm vụ "Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; phát triển nền kinh tế số".
 
Trong công tác tái cơ cấu lại nền kinh tế, cụ thể ở ngành công nghiệp, văn kiện nêu rõ cần phát triển một số doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin chủ lực thực hiện tốt vai trò dẫn dắt về hạ tầng công nghệ, tạo nền tảng cho nền kinh tế số, xã hội số.
 
Phương hướng phát triển Kinh tế số tại Việt Nam 2021-2025
 
Ngoài ra, việc phát triển khoa học, công nghệ và hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, đi đầu trong xây dựng kinh tế số, xã hội số và các ngành sản xuất và dịch vụ tiên tiến được nêu rõ là vấn đề cần tập trung phát triển ở vùng Đông Nam Bộ - vốn là một trong những vùng kinh tế trọng điểm của cả nước với các đô thị lớn, nhằm mục tiêu đưa Thành phố Hồ Chí Minh trở thành trung tâm tài chính quốc tế.
 
Để có thể hoàn thành những mục tiêu trên, văn kiện đề xuất cần "Tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật phù hợp với cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế để phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số, trong đó chú trọng tháo gỡ các rào cản về hệ thống luật pháp và chính sách kinh tế, tài chính đối với hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo".
 
Hiện trang kinh tế số ở Việt Nam 
 
Trang thông tin điện tử của Hội đồng Lý luận Trung Ương đã nhận định Kinh tế số chính là cơ hội giúp Việt Nam 'bứt phá'. Sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế số được thể hiện rõ ràng nhất ở sự thay đổi vị thế thống trị của các công ty trên toàn cầu. Cụ thể, theo số liệu của Thời báo Kinh tế Việt Nam (số 100+101, phát hành ngày 26/4/2019), có tới 7/10 công ty lớn nhất thế giới là các công ty công nghệ số với các mô hình kinh doanh dự trên nền tảng công nghệ số như Apple, Google, Microsoft, Amazon, Facebook, Tencent hay Alibaba. Thực tế, trên thế giới, những ngành có số lượng tỷ phú mới xuất hiện đều gắn với các ngành công nghệ cao.
 
Phương hướng phát triển Kinh tế số tại Việt Nam 2021-2025
10 công ty lớn nhất thế giới năm 2018 và 2008
 
Nhận định trong báo cáo của Hội đồng Lý luận Trung ương cho thấy, Kinh tế số không chỉ tạo ra quy mô và tốc độ tăng trưởng cho các nền kinh tế, mà còn giúp tăng trưởng bền vững hơn. Lý giải cho việc này, là do công nghệ sẽ đưa ra những giải pháp tốt, hiệu quả trong việc sử dụng tài nguyên, xử lý vấn đề liên quan tới môi trường.
 
Theo một nghiên cứu được đăng tải trên Tạp chí Tài chính, cơ quan thông tin của Bộ Tài Chính, nền kinh tế số của Việt Nam được định giá khoảng 3 tỷ USD vào năm 2015. Con số này đã tăng trưởng gấp 3 lần, đạt 9 tỷ USD chỉ sau 3 năm (số liệu năm 2018). Theo dự kiến, giá trị nền kinh tế số Việt Nam sẽ đạt khoảng 30 tỷ USD vào năm 2025 nhờ có sự phát triển bùng nổ trong lĩnh vực thương mại điện tử.
 
phuong-huong-phat-trien-kinh-te-so-tai-viet-nam-2021-2025
Thương mại điện tử là lĩnh vực phát triển nhanh chóng trong thời gian gần đây
 
Lĩnh vực thương mại điện tử là lĩnh vực phát triển nhanh nhất, tăng trưởng khoảng 30% mỗi năm, với doanh thu năm 2018 đạt khoảng 8 tỷ USD và ước tính đạt ít nhất 10 tỷ USD vào năm 2020. Ngoài ra, các doanh nghiệp viễn thông, quảng cáo trực tuyến cũng đạt được doanh thu lớn, phát triển nhanh chóng trong những năm gần đây.
 
Tuy nền kinh tế số đang đạt được những bước phát triển khả quan, Việt Nam cũng đang đứng trước nhiều thách thức trogn thời buổi bùng nổ nền kinh tế số như vấn đề về an ninh mạng, áp lực cạnh tranh với các nền kinh tế khác trong quá trình hội nhập. Chính vì vậy, để đạt được tăng trưởng kinh tế bền vững, cần có những giải pháp phát triển đồng bộ từ cả các doanh nghiệp tư nhân và nhà nước, tạo hành lang pháp lý thuận lợi kèm theo các tài liệu quy phạm phù hợp với nền kinh tế số, nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, trang bị các giải pháp công nghệ kỹ thuật số hiện đại, đưa ra chính sách ưu đãi thuế đối với hoạt động đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và bảo mật thông tin.
 
 
Thùy Dương (t/h)