PMI tháng 10 của Việt Nam giảm nhẹ, lĩnh vực sản xuất ở Việt Nam tiếp tục phục hồi đầu quý IV/2020

14:01 | 02/11/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 10 đạt 51,8 điểm, giảm nhẹ so với mức 52,2 điểm trong tháng 9.
Ngày 2/11, IHS Markit công bố thông tin về chỉ số PMI của Việt Nam. Theo báo cáo, lĩnh vực sản xuất ở Việt Nam tiếp tục phục hồi trong tháng đầu của quí 4. Khi dịch bệnh COVID-19 vẫn nằm trong tầm kiểm soát ở trong nước, các công ty ghi nhận mức tăng mạnh của số lượng đơn đặt hàng mới và sản lượng.
 
Cụ thể, chỉ số PMI của Việt Nam đạt 51,8 trong tháng 10, giảm nhẹ từ mức 52,2 của tháng 9 nhưng vẫn cho thấy sự cải thiện của sức khỏe lĩnh vực sản xuất. Các điều kiện kinh doanh đến nay đã cải thiện trong hai tháng liên tiếp.
 

Đơn đặt hàng tăng mạnh tháng thứ hai liên tiếp

 

Nhìn chung, các điều kiện kinh doanh đã cải thiện mạnh mẽ trong hai tháng vừa qua. Đầu quý 4, lĩnh vực sản xuất Việt Nam tiếp tục ghi nhận những phục hồi đáng kể. Số lượng đơn đặt hàng tại các doanh nghiệp tăng mạnh, đồng thời số lượng việc làm cũng tăng trở lại sau 8 tháng giảm liên tiếp.
 
Cải thiện điều kiện hoạt động được ghi nhận trong lĩnh vực hàng hóa tiêu dùng và hàng hóa trung gian. Trong khi đó, các công ty hàng hóa đầu tư cơ bản ghi nhận suy giảm khi cả sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới đều tiếp tục giảm.
 
PMI tháng 10 của Việt Nam giảm nhẹ, lĩnh vực sản xuất ở Việt Nam tiếp tục phục hồi đầu quý IV/2020 - ảnh 1
 
 
Các số liệu thống kê chưa đầy đủ cho thấy thành công trong việc kiểm soát sự bùng nổ của COVID-19 ở Việt Nam đã giúp nhu cầu khách hàng phục hồi. Kết quả là, số lượng đơn đặt hàng mới tăng mạnh tháng thứ hai liên tiếp, từ đó sản lượng tăng theo ở mức độ tương ứng.
 
Song, số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới không thay đổi do nhu cầu ở các thị trường vẫn đang phải đổi mặt với diễn biến phức tạp của dịch bệnh, điển hình là châu Âu, còn yếu kém. Trong tháng 10, yêu cầu sản xuất cao hơn đã khuyến khích các nhà sản xuất tuyển thêm nhân viên. Kể từ tháng 1, đây là lần đầu tiên số lượng việc làm tăng, mặc dù tốc độ tăng chưa đáng kể do công suất vẫn có dấu hiệu dư thừa.
 
Bên cạnh đó, chuỗi cung ứng trong tháng 10 vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Thời gian giao hàng của nhà cung cấp bị kéo dài ở mức cao hơn so với tháng 9. Các yếu tố như nguyên vật liệu khan hiếm, điều kiện thời tiết bất lợi cũng làm chậm quá trình giao hàng.
 
Các công ty nói chung tự tin rằng sản lượng sẽ tăng trong năm tới với tâm lý lạc quan là virus sẽ vẫn được kiểm soát. Một số người trả lời khảo sát dự đoán số lượng đơn đặt hàng mới tăng sẽ hỗ trợ tăng sản lượng. Tuy nhiên, tâm lý kinh doanh đã giảm một chút so với tháng trước và nằm ở mức thấp hơn trung bình của lịch sử chỉ số.
 
Cuối cùng, Giám đốc Kinh tế tại IHS Markit nhận định: "Lĩnh vực sản xuất bắt đầu quý cuối cùng của năm với một nền tảng vững chắc. Điều này sẽ tiếp tục nếu đại dịch Covid-19 vẫn được kiểm soát trong nước. Khía cạnh tích cực nhất của lần khảo sát này đó là lần đầu tiên sau đại dịch, số lượng việc làm đã tăng trở lại. Kết thúc tích cực của năm sẽ tạo tiền đề cho nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ vào đầu năm 2021".
 

Tín hiệu vui từ việc làm

 

Báo cáo chỉ ra rằng, yêu cầu sản xuất cao hơn đã khuyến khích các nhà sản xuất tuyển thêm nhân viên trong tháng 10. Việc làm tăng lần đầu tiên kể từ tháng 1, mặc dù tốc độ tăng chỉ là nhẹ khi công suất vẫn có dấu hiệu dư thừa. Lượng công việc tồn đọng tiếp tục giảm.
 
PMI tháng 10 của Việt Nam giảm nhẹ, lĩnh vực sản xuất ở Việt Nam tiếp tục phục hồi đầu quý IV/2020 - ảnh 2
 
Yêu cầu về sản lượng cao hơn cũng làm cho hoạt động mua hàng tăng tháng thứ hai liên tiếp, mặc dù tồn kho hàng mua đã giảm khi hàng hóa đầu vào được sử dụng để phục vụ tăng sản lượng. Tồn kho thành phẩm cũng giảm vào đầu tháng 10.
 
PMI ngành sản xuất Việt Nam của IHS Markit được IHS Markit thu thập từ phần trả lời cho các câu hỏi hàng tháng gửi cho các nhà quản trị mua hàng trong một nhóm gồm khoảng 400 nhà sản xuất. Nhóm khảo sát được phân chia theo lĩnh vực và quy mô lao động của công ty, dựa trên đóng góp vào GDP. Những câu trả lời khảo sát được thu thập ở nửa cuối của mỗi tháng và cho biết chiều hướng thay đổi so với tháng trước. Một chỉ số khuếch tán được tính toán cho mỗi tham số khảo sát. Chỉ số là tổng cộng phần trăm số câu trả lời ‘cao hơn’ và một nửa tỷ lệ phần trăm các câu trả lời ‘không thay đổi’. Các chỉ số có giá trị từ 0 đến 100, với một kết quả trên 50 thể hiện một mức tăng tổng thể so với tháng trước, và dưới 50 thể hiện một mức giảm tổng thể. Các chỉ số sau đó được điều chỉnh theo mùa.
 
 
Nguyễn Dung(t/h)