QH thảo luận Dự thảo Nghị quyết miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp
Theo Dự thảo Nghị quyết về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, Chính phủ trình Quốc hội đề xuất, miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp trong vòng 5 năm từ năm 2021 – 2025 đối với toàn bộ diện tích đất nông nghiệp cho các đối tượng như: Hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao đất để sản xuất nông nghiệp, bao gồm cả đất được thừa kế, tặng cho, nhận chuyển quyền sử dụng đất; hộ gia đình, cá nhân là thành viên hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, nông trường viên, lâm trường viên đã nhận đất giao khoán ổn định của hợp tác xã, nông trường quốc doanh, lâm trường quốc doanh để sản xuất nông nghiệp theo quy định của pháp luật...
Với đề xuất này thì số thuế sử dụng đất nông nghiệp được miễn khoảng 7.500 tỷ đồng/năm.
Trước đó, tại Chương trình làm việc Phiên họp thứ 44 UBTVQH sáng ngày 28/4, trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh ý nghĩa của Nghị quyết là thực hiện chủ trương xóa đói, giảm nghèo của Đảng và Nhà nước, đồng thời hỗ trợ nông dân, khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp.
Đây là giải pháp có tác động lớn, quan trọng góp phần thực hiện chủ trương, quan điểm của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong từng thời kỳ; góp phần hỗ trợ trực tiếp người nông dân, khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Chính sách này cũng khuyến khích tập trung đất đai để sản xuất nông nghiệp với quy mô lớn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiện đại hóa, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống nông dân, tạo việc làm cho khu vực nông thôn, khuyến khích người nông dân gắn bó hơn với đất, yên tâm đầu tư sản xuất nông nghiệp; Góp phần nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.
Nhiều ĐBQH đồng tình, đánh giá cao tính nhân văn
Chia sẻ bên hành lang Quốc hội, nhiều đại biểu đồng tình và đánh giá cao tính nhân văn của chính sách này.
Đại biểu Đỗ Văn Sinh, đoàn Quảng Trị đồng tình với đề xuất này bởi đây là hình thức hỗ trợ trực tiếp tới người nông dân, là nguồn đầu tư tài chính quan trọng trực tiếp cho khu vực nông nghiệp, nông thôn, giúp người nông dân đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, qua đó cải thiện cuộc sống, giảm bớt khó khăn.
“Đối tượng được thụ hưởng chính sách này rất lớn, đặc biệt là đối với nông dân và nông thôn, 1 đồng miễn thuế cũng rất quý để người ta mở rộng sản xuất, tích tụ được nguồn vốn để phát triển. Tuy nhiên, cũng phải có đối tượng điều chỉnh, chúng ta chỉ miễn giảm cho đối tượng chịu tác động, thực sự đưa vào sản xuất kinh doanh thì miễn giảm. Như vậy vừa đúng đối tượng mà cũng vừa đúng được các mục tiêu sử dụng nguồn lực đất đai của quốc gia”, đại biểu Đỗ Văn Sinh nêu ý kiến.
Về tình trạng bỏ hoang hoá đất, sử dụng không hiệu quả, theo đại biểu Nghiêm Vũ Khải, đoàn Hải Phòng là do nhiều nguyên nhân như: Khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm…. Đại biểu đề nghị, Chính phủ cần có đánh giá kỹ hơn về phạm vi, đối tượng được tiếp tục miễn thuế, để chính sách này tác động tích cực hơn nữa trong việc khuyến khích sử dụng đất nông nghiệp hiệu quả, không dẫn đến lãng phí đất đai.
“Công tác quản lý đất đai, nhất là đất nông nghiệp phải là chính quy và mạch lạc đó là nền tảng việc giảm thuế nông nghiệp. Tôi nghĩ cũng phải có biện pháp xác định được quyền của người sử dụng đất, đối tượng được miễn thuế là đúng pháp luật, đúng chính sách của Đảng, Nhà nước”, đại biểu Khải nêu quan điểm.