Quản lý lấn biển: Quy định nào cũng phải cân bằng được phát triển kinh tế với sinh kế của người dân
Lời tòa soạn
Thực hiện nhiệm vụ tại Nghị quyết số 134/2020/QH14 ngày 17/11/2020 của Quốc hội khóa XIV, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường tập trung xây dựng dự thảo Nghị định về lấn biển, hoàn chỉnh theo quy định, đảm bảo chất lượng, sớm trình Chính phủ vào quý 2/2021.
Chỉ đạo có phần gấp rút này xuất phát từ thực tế các dự án lấn biển của Việt Nam gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Liên quan đến vấn đề này, PV Doanh nhân Việt Nam đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú.
PV: Thưa chuyên gia Vũ Vinh Phú, ông có cho rằng cần thiết phải xây dựng một nghị định quy định các vấn đề liên quan hoạt động lấn biển?
Ông Vũ Vinh Phú: Ở đây chúng ta phải xác định rõ mục tiêu lấn biển, nghị định này được xây dựng để quy định chi tiết các vấn đề liên quan hoạt động lấn biển phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Điều này có nghĩa việc lấn biển chỉ được thực hiện với các dự án nhằm phát triển kinh tế xã hội.
Như chúng ta đã biết, Việt Nam đất chật người đông, lấn biển sẽ là xu hướng tất yếu để phát triển kinh tế - xã hội. Nhìn lại lịch sử, ông cha ta từ bao đời cũng đã coi việc trị thủy, lấp biển để mở mang bờ cõi và phát triển kinh tế. Chúng ta có trên 3.260km đường bờ biển, đây là lợi thế lớn để mở rộng không gian phát triển ra biển và đại dương.
Khu đô thị Rạch Giá, dự án lấn biển đầu tiên của Việt Nam.
Việc xây dựng một nghị định để quy định chi tiết các vấn đề liên quan tới hoạt động lấn biển là cần thiết và phải thực hiện ngay.
Việc này càng chậm trễ bao nhiêu thì càng gây khó khăn cho doanh nghiệp cũng như cơ quan quản lý bấy nhiêu. Bởi nghị định này không những góp phần tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp mà tạo ra hành lang pháp lý vững chắc.
PV: Vậy theo chuyên gia, trong nghị định này Bộ Tài nguyên Môi trường sẽ phải quan tâm đặc biệt tới những yếu tố nào?
Ông Vũ Vinh Phú: Lấn biển là xu hướng tất yếu, nhưng lấn thế nào là việc phải được quản lý thật tốt. Theo tôi chúng ta cần quan tâm tới những điều sau: Thứ nhất là sinh kế của người dân, cái này phải được chú ý hàng đầu. Với những cảng cá, thuyền neo đậu là nơi ra biển của bà con nhân dân từ bao đời lại bị bịt bởi các dự án thì không được. Cần có một phương án để hài hòa giữa dự án lấn biển với sinh kế của bà con nhân dân.
Thứ hai, giữa lợi nhuận của doanh nghiệp và ngân sách nhà nước thì chúng ta phải giải bài toán như thế nào? Lấn biển rõ ràng sẽ đem lại cho doanh nghiệp cơ hội phát triển dự án và lợi nhuận đến từ đó, vậy tiền thuế trả về nhà nước như nào? Cái này phải được xem xét kỹ lưỡng.
Thứ ba là hất đổ xuống biển, chúng ta lo lắng tới chất độc hại sẽ được đổ xuống biển trong quá trình thực hiện dự án. QUy định này cũng phải liệt kê chi tiết những chất gì được dùng để lấp biển, chất gì không?
Điều thứ tư là yếu tố kiến trúc, dự án của của khu vực lấn biển có phù hợp với cảnh quan chung không? có gây ra ảnh hưởng tới khí hậu hay không? Khi thực hiện xong dự án doanh nghiệp phải khôi phục lại một phần cảnh quan ban đầu của biển…
Ngoài ra, dự án lấn biển cũng phải tránh các khu vực ảnh hưởng đến di tích văn hóa, lịch sử, truyền thống, danh lam thắng cảnh và những nơi thuộc khu vực bảo vệ, bảo tồn cũng như tránh xói mòn, bồi tụ và các hiểm họa tự nhiên khác.
Cuối cùng là việc đánh giá tác động môi trường của dự án. Bài học Formosa Hà Tĩnh vẫn còn đó, chúng ta phát triển kinh tế nhưng không có nghĩa là hủy hoại thiên nhiên. Cần có quy định hướng dẫn đánh giá những tác động thực tế và tiềm năng mà việc lấn biển có thể gây ra đối với môi trường ven biển như tác động bất lợi thay đổi hình dạng đường bờ, ảnh hưởng đến thủy động học, chuyển động của nước, quá trình vận chuyển bùn cát, dòng chảy thủy triều và năng lượng sóng, làm mất môi trường sống và năng suất sinh học, ảnh hưởng đến sinh thái bản địa và hệ sinh thái…
PV: Có nhiều ý kiến phản đối việc lấn biển vì họ cho rằng các dự án sẽ phá hỏng cảnh quan, cũng như không bảo đảm vấn đề môi trường. Ông đánh giá như nào về ý kiến này?
Ông Vũ Vinh Phú: Như tôi đã phân tích, Việt Nam có lợi thế lớn để mở rộng không gian phát triển ra biển và đại dương. Lấn biển là xu hướng tất yếu ở một đất nước chuẩn bị cán mốc 100 triệu dân. Nhiều người phản đối và đưa ra lập luận lấn biển sẽ sẽ phá hỏng cảnh quan, cũng như không bảo đảm vấn đề môi trường, tôi tôn trọng ý kiến này, nhưng không tán thành!
Việc xây dựng chi tiết nghị định quy định các vấn đề liên quan hoạt động lấn biển là rất quan trọng, vì chỉ một thiếu sót có thể sẽ để lại hậu quả khôn lường và hậu thế sẽ trách móc chúng ta. Cái chúng ta cần ở đây là quản lý dự án sao cho tốt.
Nếu nghị định được xây dựng phù hợp thì chắc chắn việc phá hỏng cảnh quan, cũng như không bảo đảm vấn đề môi trường sẽ không thể xảy ra. Bài học từ thế giới cho thấy nhiều quốc gia đã thành công khi lấn biển để phát triển kinh tế - xã hội.
PV: Như ông đã đề cập, trên thế giới đã có nhiều quốc gia thực hiện chiến lược lấn biển để phát triển kinh tế. Ông có thể cho một vài ví dụ về các mô hình lấn biển thành côngtrên thế giới, xứng đáng để Việt Nam học tập?
Ông Vũ Vinh Phú: Tại châu Âu, Hà Lan đã xây dựng tuyến đê biển khổng lồ Afsluitdijk với quy mô rất lớn, tổng chiều dài hơn 32km, rộng 90m. Tuyến đê biển khổng lồ này đã cô lập vịnh ngập triều nước mặn Zuiderzee; cải tạo chất lượng nước và hệ sinh thái cửa sông thành “biển hồ” nước ngọt với tổng diện tích 110.000ha, mở rộng thêm diện tích đất thổ cư và canh tác nông nghiệp.
Một công trình đê biển khác của Hà Lan chính là tuyến Deltawerken. Công trình khổng lồ này được xây trên tam giác châu thổ thuộc phụ lưu sông Rhine - Meuse ở Tây Nam Hà Lan. Với hệ thống đê biển và vượt biển, cống điều tiết và âu thuyền cho giao thông thủy trị giá 6,81 tỷ euro, dự án đã tạo được nhiều hồ chứa nước ngọt, rút ngắn đường giao thông và đê sông nội địa.
Ở châu Á, Hàn Quốc cũng được biết tới với dự án đê biển Saemangeum bao quanh một vùng biển có diện tích 40.100 ha nằm giữa biển Hoàng Hải và cửa sông Saemangeum. Công trình này đã giúp Hàn Quốc có thêm 401 km vuông, tương đương với 2/3 diện tích thủ đô Seoul.
Ban đầu chính phủ Hàn Quốc định dành 70% diện tích đất cải tạo cho sản xuất nông nghiệp, nhưng hiện nay sản lượng lương thực của Hàn Quốc đang vượt xa nhu cầu trong nước. Chính vì thế, Seoul dự kiến xây dựng khu vực này thành một thành phố mới nhằm phát triển các ngành công nghiệp, vận tải biển, du lịch, giải trí và trồng hoa. Saemangeum sẽ đóng vai trò quan trọng trong kế hoạch của Hàn Quốc nhằm phát triển khu vực bờ biển phía Nam thành một trung tâm vận tải, du lịch và công nghiệp xanh của khu vực Đông Bắc Á.
Hai ví dụ kể trên mặc dù được thực hiện với quy mô lớn, nhưng rõ ràng là bài học để Việt Nam xây dựng dự án lấn biển nhưng vẫn đảm bảo yếu tố bảo vệ môi trường và sinh thái.
PV: Xin cảm ơn và chúc sức khỏe ông!
Xuân Tùng