Quảng Bình: Người dân tập trung phản đối nhà máy xi măng Sông Gianh vì gây ô nhiễm
Vào tối ngày 26/5, nhà máy xi măng sông Gianh đã xảy ra sự cố, khiến một lượng lớn chất thải bụi đã xả thẳng ra ngoài môi trường bao trùm một vùng lớn xung quanh, đặc biệt ảnh hưởng rất lớn tới những hộ dân ở thôn Cương Trung ngay bên cạnh nhà máy.
Ngay trong đêm, nhiều người dân thôn Cương Trung đã tụ tập phản đối việc nhà máy xi măng Sông Gianh đóng trên địa bàn gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và cuộc sống của người dân.
Một lớp bụi dày phủ lên các chậu hoa, cây cảnh
Có mặt tại nhà anh Nguyễn Văn Phương, chị Nguyễn Thị Hiệp chứng kiến cảnh bụi mù bao phủ. Theo chị Hiệp, ngôi nhà của anh chị hứng chịu nhiều khói bụi nhất khi nhà máy xi măng Sông Gianh xảy ra sự cố. Chị Hiệp kể: "Khoảng 8h30ph tối 26/5, tôi đang làm việc trong nhà thì con gái tôi ở ngoài sân kêu, mẹ ơi đóng cửa mau, tôi chạy ra thì thấy bụi bao trùm đen khịt cả một vùng rộng lớn, bụi tràn vào nhà đóng cửa không kịp. Khoảng 1 tiếng sau bụi mới bắt đầu thưa dần thì tôi mới gọi chính quyền đến để chứng kiến sự việc. Lúc này, mọi thứ trong nhà tôi đều bị một lớp bụi dày phủ trắng, lấy tay lùa lại thì cả nắm".
"Đó là sự cố xảy ra sớm nên người dân phát hiện kịp chứ bình thường thì cứ nửa đêm với trời mưa họ xả trộm bụi suốt. Nhà tôi cách nhà máy chừng hơn 200m nên hứng chịu hậu quả nặng nề nhất". Anh Phương chồng chị Hiệp cho biết thêm.
Hoa màu của người dân cũng bị phủ dày một lớp bụi
Liền kề nhà chị Hiệp có nhà chị Lương Thị Hoa cũng chịu chung số phận. Chị Hoa vừa chìa một túi tro bụi quét được tại sân nhà vừa cho biết: "Lúc đó khoảng hơn 8h30ph, tôi đi ra sân lấy đồ thì bất ngờ thấy bụi bao trùm hết cả nhà mình. Nhìn sang phía nhà máy cách nhà tôi chừng hơn 200m thì thấy bụi đen sì bao trùm lên một vùng rộng lớn. Hàng trăm hộ dân ở thôn Cương Trung chúng tôi bị bụi bao trùm bởi bụi. Đồ đạc trong nhà như bát đũa, quần áo, xe máy đều phủ một lớp bụi dày đặc".
Bụi phủ kín trên chiếc xe máy, bát đũa của người dân
Chứng kiến hiện tượng này, nhiều người dân trong thôn đã bức xúc đến nhà máy yêu cầu ngừng hoạt động để khắc phục sự cố, đảm bảo an toàn môi trường và sức khỏe cho người dân. Mặc dù nhà máy xi măng đang tìm cách thống nhất hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng, khắc phục ô nhiễm, song người dân vẫn cảm thấy bất an.
Được biết, sau sự cố xảy ra, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tuyên Hóa, Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Bình đã tiến hành làm việc với nhà máy xi măng Sông Gianh về vấn đề này.
Trao đổi với phóng viên Doanh nhân Việt Nam, ông Hoàng Trọng Tài – Chủ tịch UBND xã Tiến Hóa cho biết: “Sau khi sự cố xảy ra, nhà máy đã phối hợp với chính quyền địa phương xuống từng hộ dân, thống kê thiệt hại, lên phương án hỗ trợ cho người dân chịu ảnh hưởng của sự cố vừa qua”.
Đến thời điểm này, mặc dù sự cố đã xảy ra gần một tuần nhưng người dân vẫn bất an. Chính quyền địa phương đánh giá như thế nào và có giải pháp gì để ngăn chặn những sự cố tương tự tại Nhà máy xi măng Sông Gianh. Có lo ngại việc đánh đổi chất lượng môi trường lấy chỉ tiêu tăng trưởng?
Doanh nhân Việt Nam sẽ tiếp tục cập nhật thông tin.
Vũ Hoàng - Cẩm Kỳ
Xem thêm: Quảng Bình: Ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại mỏ đá Lèn Bảng