Quốc hội bắt đầu thảo luận về kinh tế-xã hội
Trong Báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội tại phiên khai mạc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết: Với sự vào cuộc quyết liệt của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, dự kiến sẽ hoàn thành toàn diện các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội năm 2019, là năm thứ hai liên tiếp đạt và vượt toàn bộ 12 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch.
Tốc độ tăng GDP cả năm 2019 ước đạt trên 6,8%, thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao hàng đầu khu vực, thế giới.
Mục tiêu tổng quát cho năm 2020 gồm: Tập trung ổn định kinh tế vĩ mô; kiểm soát lạm phát; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đẩy mạnh đổi mới, hoàn thiện thể chế, khơi thông nguồn lực; tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi.
Thúc đẩy mạnh mẽ cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án quan trọng quốc gia, công trình trọng điểm; phát huy vai trò của các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững.
Phát biểu tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá từ đầu năm đến nay, tình hình quốc tế diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không thuận tới nền kinh tế, nhưng Việt Nam vẫn có một năm thành công. Bức tranh kinh tế-xã hội tổng quan năm 2019 đã được các đại biểu phân tích khá thấu đáo.
Động lực chính cho tăng trưởng là nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp
Theo đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình), năm 2019 là năm đầu tiên động lực tăng trưởng chính đã đến từ khu vực chế biến, chế tạo. Tỷ trọng xuất khẩu và đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân trong nước cũng tăng lên… Việt Nam duy trì được tốc độ tăng trưởng cao nhất ASEAN và nằm trong nhóm các nền kinh tế tăng trưởng tốt nhất ở châu Á. Đó là những thành quả rất quan trọng và không dễ dàng.
Tuy nhiên, về tầm nhìn năm 2020 và những năm tiếp theo, đại biểu Vũ Tiến Lộc cho rằng, chưa thể yên tâm với những con số này. Mục tiêu duy trì nhịp độ tăng trưởng 6,8% là rất gian nan trong bối cảnh kinh tế và thương mại thế giới đang giảm tốc và theo dự báo có khả năng tiến tới ngưỡng suy thoái toàn cầu.
Đại biểu phân tích, 9 tháng qua, đầu tư nước ngoài có dấu hiệu nhích lên nhưng lại giảm tốc ở hai đầu nguồn trọng điểm đóng vai trò dẫn dắt là Nhật Bản và Hàn Quốc, trong khi đó lại tăng đột biến từ các nguồn liên quan tới Trung Quốc (bao gồm cả Đài Loan và Hong Kong).
Vốn đầu tư nước ngoài dịch chuyển theo hướng này cũng phát đi một tín hiệu thiếu bền vững, thiếu cân bằng về thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) và chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới chất lượng tăng trưởng dài hạn của Việt Nam.
Động lực chính để bảo đảm cho sự tăng trưởng là nâng cao sức cạnh tranh của cộng đồng doanh nghiệp.
“Việc chúng ta chững lại trong Bảng xếp hạng môi trường kinh doanh toàn cầu năm 2019 vừa được Ngân hàng Thế giới công bố đã cảnh báo rằng dù Việt Nam đã có nhiều nỗ lực để vượt lên chính mình, nhưng các nền kinh tế khác đang thay đổi nhanh hơn và trở nên cạnh tranh hơn. Nếu không cải cách mạnh mẽ chúng ta sẽ tụt lại phía sau,” đại biểu cảnh báo.
Sự chuyển dịch cơ cấu này thể hiện kinh tế tư nhân là một trong những động lực quan trọng, đóng góp trên 40% GDP, tạo ra 1,2 triệu việc làm mỗi năm. Tuy nhiên, kinh tế trong khu vực tư nhân vẫn phát triển dưới tiềm năng, chưa bứt phá được, chưa thể hiện là trụ cột mới của nền kinh tế.
Để giải quyết nút thắt này, đại biểu Nguyễn Như So cho rằng, cần nâng cao năng lực cạnh tranh của kinh tế tư nhân. Thời gian qua, một số văn bản hỗ trợ kinh tế tư nhân đã được ban hành như Nghị quyết số 10 tại Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa;
Đại biểu Nguyễn Như So cho rằng, cần khuyến khích kinh tế tư nhân tham gia sâu vào những lĩnh vực lâu nay vốn là độc quyền của Nhà nước như thiết kế, xây dựng hạ tầng, sân bay, đường cao tốc…, đặt doanh nghiệp tư nhân là động lực lớn, lan tỏa lôi kéo các thành phần kinh tế khác, hỗ trợ tính thị trường, tạo ra sân chơi cạnh tranh, bảo đảm sự bình đẳng tiếp cận trong nguồn tài nguyên…
Nâng cao trình độ lao động và đẩy mạnh ứng dụng khoa học
Cho rằng kinh tế Việt Nam phát triển nhanh, ổn định nhưng vẫn là quốc gia có thu nhập trung bình thấp, chưa hóa rồng, hóa hổ, đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) cho rằng, tăng trưởng của Việt Nam là nhanh, bình quân 7%/năm trong hơn 20 năm, tuy nhiên, xét về số tuyệt đối, GDP của thế giới ngày một cách xa so với Việt Nam.
Cách đây 30 năm, GDP bình quân đầu người của thế giới hơn Việt Nam 3.900 USD, đến nay khoảng cách đã là hơn 8.000 USD, và khoảng cách vẫn tăng qua các năm. Nói cách khác, Việt Nam đi được nhiều bước, có lúc tốc độ tăng trưởng cao vào tốp đầu của khu vực và thế giới, song đó là những bước ngắn, nên vẫn tụt hậu so với nhiều quốc gia khác trên thế giới dù bước chậm, nhưng lại đi được những bước dài hơn.
“Số liệu cho thấy, chúng ta đang tụt hậu ngày càng xa hơn về kinh tế. Nguy cơ này Đảng đã chỉ ra từ nhiều năm trước, nhưng vẫn là nguy cơ thường trực, khó khắc phục, cần có đột phá để thay đổi, đồng thời nếu không khắc phục được bất cập mà Chính phủ đã chỉ rõ trong báo cáo, Việt Nam có nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình,” đại biểu Hoàng Quang Hàm lưu ý.
Đại biểu nêu lên ba vấn đề cốt lõi cần giành nguồn lực, thực hiện bằng được để tăng trưởng theo chiều sâu. Đó là trình độ lao động; phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ và khởi nghiệp sáng tạo. Chỉ có nâng cao trình độ lao động và đẩy mạnh ứng dụng khoa học mới có thể tăng trưởng theo chiều sâu. Nhưng để làm được, cần đổi mới mạnh mẽ, gắn giáo dục, đào tạo với yêu cầu của thực tiễn, nhu cầu của doanh nghiệp; có giải pháp thúc đẩy ứng dụng khoa học, công nghệ.