Quốc tế đánh giá cao vai trò của EVFTA

17:13 | 13/02/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Ngay sau khi Nghị viện châu Âu (EP) thông qua hai hiệp định gồm Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam (EVFTA và EVIPA), quốc tế đã đánh giá cao vai trò của các hiệp định này.

Quốc tế đánh giá cao vai trò của EVFTA - ảnh 1
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet. 
Hiệp định toàn diện nhất mà EU ký với một quốc gia đang phát triển

Phát biểu sau khi Nghị viện châu Âu (EP) thông qua hai hiệp định, Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng Liên bang Đức Peter Altmaier cho rằng Việt Nam là thị trường đạt mức tăng trưởng cao với tiềm năng thị trường rất lớn cho các sản phẩm và dịch vụ của châu Âu.

Theo ông Peter Altmaier, hai hiệp định EVFTA và EVIPA đảm bảo cho các sản phẩm của châu Âu tiếp cận Việt Nam - thị trường ngày càng trở nên quan trọng hơn.

Bộ trưởng Altmaier cũng gọi việc EP thông qua hai thỏa thuận với Việt Nam là "tín hiệu quan trọng cho thương mại tự do cũng như chống lại chủ nghĩa bảo hộ."

Trong khi đó, các hiệp hội công nghiệp, ngoại thương của Đức hoan nghênh việc EP thông qua các thỏa thuận thương mại với Việt Nam.

Giám đốc Hiệp hội Công nghiệp Liên bang Đức (BDI) Joachim Lang cho rằng ngành công nghiệp Đức đã thở phào với việc các thỏa thuận được thông qua bởi điều này sẽ giúp đẩy mạnh các trao đổi kinh tế với Việt Nam, đồng thời ông cũng kêu gọi nhanh chóng để hiệp định có hiệu lực.

Đồng quan điểm, Chủ tịch Hiệp hội Bán buôn, Ngoại thương và Dịch vụ Liên bang Đức (BGA) Holger Bingmann coi đây là cơ hội to lớn cho các doanh nghiệp châu Âu.

Theo ông Bingmann, đây là hiệp định thương mại tham vọng nhất mà EU đàm phán với một nước đang phát triển và thỏa thuận này sẽ góp phần vào tăng cường quan hệ kinh tế giữa các doanh nghiệp hai bên.

Kênh truyền hình ZDF đưa tin, với việc được đa số nghị sĩ ở Strasbourg (Pháp) ủng hộ, EP đã bật đèn xanh cho EVFTA và như vậy rào cản cuối cùng đối với thỏa thuận này đã được dỡ bỏ, theo đó sẽ giúp xóa bỏ hàng rào thuế quan giữa hai bên.

Trong khi đó, nhân sự kiện trên, báo Tấm gương hằng ngày (Tagesspiegel) đã có bài viết mô tả sự phát triển bùng nổ về kinh tế-xã hội ở Việt Nam. Bài báo dẫn số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB) để chứng minh cho điều này. Theo đó, trong giai đoạn từ 2002-2018, đã có 45 triệu người Việt Nam thoát nghèo.

Theo truyền thông Đức, với việc EP thông qua EVFTA, rào cản thực sự cuối cùng đối với hiệp định thương mại này đã được xóa bỏ, mở ra những cơ hội thị trường to lớn cho các doanh nghiệp Đức và châu Âu.

Cùng ngày 12/2, sau khi Nghị viện châu Âu (EP) bỏ phiếu thông qua EVFTA và EVIPA, các báo lớn ở Czech đã đưa tin nêu bật tầm quan trọng và lợi ích của hiệp định EVFTA đối với nền kinh tế Czech nói riêng và EU nói chung.

Trang mạng ihned.cz và trang mạng E15.cz dẫn ý kiến của Nghị sĩ châu Âu của Czech Dita Charanzová, Phó Chủ tịch EP hoanh nghênh việc EP thông qua hiệp định EVFTA.

Phó Chủ tịch EP cho rằng Ủy ban châu Âu (EC) đã đàm phán thành công một thỏa thuận rất chất lượng, tạo điều kiện mở ra một thị trường mới cho các công ty của Czech và một thỏa thuận thương mại với một quốc gia thứ ba như vậy có ý nghĩa rất quan trọng đối với nền kinh tế theo định hướng xuất khẩu của Czech.

Trong bài viết trên mạng ihned.cz, nhà báo Ondrej Houska cho rằng hiệp định EVFTA được EP thông qua sẽ mang lại lợi ích to lớn cho các công ty của Czech vì theo hiệp định này, hầu như tất cả các rào cản thuế quan sẽ từng bước được gỡ bỏ. Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới trong những thập kỷ gần đây.

Theo Bộ Ngoại giao Cộng hòa Czech, hiệp định EVFTA sẽ giúp các sản phẩm cơ khí của Séc xuất khẩu sang Việt Nam tăng hơn 1/3 trong những năm tới đây. Các công ty của Czech cũng có cơ hội tiếp cận dịch vụ mua sắm công của Việt Nam.

Trong khi đó, trang E15.cz đưa tin EP đã thông qua hiệp định thương mại tự do với Việt Nam với đa số phiếu và đây được coi là hiệp định toàn diện nhất mà EU ký với một quốc gia đang phát triển.

Theo Nghị sĩ châu Âu của Czech, Phó Chủ tịch EP Dita Charanzová, sau khi hiệp định EVFTA được thông qua, các công ty Czech có thể tiết kiệm được 900 triệu Korun. Phó Chủ tịch EP cho rằng Việt Nam là đối tác thương mại truyền thống của Cộng hòa Czech và đây là điều kiện thuận lợi lớn trong cạnh tranh đối với các công ty của Czech.

Trang mạng novinky.cz dẫn thông tin đăng trên trang mạng Twitter của Ủy ban châu Âu (EC) cho biết EC hoan nghênh việc Nghị viện châu Âu thông qua EVFTA và EVIPA.

Ngay sau khi có hiệu lực, hiệp định EVFTA sẽ tạo điều kiện tăng trưởng thương mại, thúc đẩy việc làm và tăng trưởng kinh tế cho cả hai bên thông qua việc loại bỏ 99% tất cả các dòng thuế.

Giám đốc Viện Tự do (Cộng hòa Czech) Martin Panek cho rằng việc mở rộng thương mại tự do là một tin tuyệt vời. Điều này cho thấy những người theo chủ nghĩa bảo hộ không thể ngăn cản việc thông qua hiệp định này ở cấp độ châu Âu.

Hướng tới quan hệ đối tác cùng có lợi

Trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Strasbourg, Pháp, nghị sĩ Nghị viện châu Âu (EP) Geert Bourgeois, báo cáo viên Ủy ban Thương mại quốc tế về Hiệp định EVFTA và EVIPA bày tỏ sự vui mừng với kết quả bỏ phiếu tại phiên toàn thể của EP.

Quốc tế đánh giá cao vai trò của EVFTA - ảnh 2
Quang cảnh phiên họp toàn thể tại Trụ sở Nghị viện châu Âu ở Strasbourg (Pháp). (Nguồn: TTXVN phát) 
Ông Bourgeois nhấn mạnh rằng đây là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới “đầy đủ nhất và tham vọng nhất” mà lần đầu tiên Liên minh châu Âu (EU) ký kết với một nước đang phát triển.

Mô hình này dựa trên các cuộc đàm phán giữa các đối tác bình đẳng, cùng có chung mục tiêu và các giá trị chung, nhằm khuyến khích phát triển kinh tế và tạo việc làm, nâng cao sức cạnh tranh, chống đói nghèo và đẩy mạnh cải cách thể chế.

Ông Geert Bourgeois khẳng định hiệp định này “hướng đến một quan hệ đối tác cùng có lợi.”

Nghị sĩ đánh giá Việt Nam là một nền kinh tế phát triển nhanh và có sức cạnh tranh, với tầng lớp trung lưu đang tăng lên nhanh chóng cùng lực lượng lao động trẻ và năng động.

“Đây là một trong những nền kinh tế mở cửa nhất và tự do thương mại nhất trong khu vực ASEAN,” ông khẳng định.

Hiệp định là một bước quan trọng để EU tiến đến mục tiêu cuối cùng là thiết lập khu vực thương mại tự do giữa EU và ASEAN. Theo ông, cùng với các hiệp định tương tự đã ký kết với Nhật Bản và Singapore, EVFTA thắt chặt liên kết giữa EU và châu Á trong bối cảnh các quan hệ thương mại đa phương dựa trên các nguyên tắc đang bị lung lay.

Sau khi có hiệu lực, EVFTA và EVIPA sẽ góp phần tăng cường trao đổi thương mại và đầu tư, mang lại lợi ích cho cả hai phía EU và Việt Nam.

Dự kiến xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU và chiều ngược lại sẽ tăng thêm hàng chục tỷ euro.

Nghị sĩ trên nhấn mạnh “mỗi tỷ euro xuất khẩu sẽ tạo thêm hàng nghìn việc làm.” Bên cạnh đó, hiệp định cam kết bảo vệ quyền cơ bản của người lao động và môi trường. Hiệp định sẽ trở thành một phương thức khuyến khích sự phát triển kinh tế-xã hội ở Việt Nam, vì lợi ích của nhân dân.

Giúp Việt Nam phát triển bền vững

Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam cho biết ILO hoan nghênh Nghị viện châu Âu vừa bỏ phiếu thông qua Hiệp định EVFTA.

Khi có hiệu lực, hiệp định được kỳ vọng sẽ đem lại lợi ích kinh tế cho cả EU và Việt Nam.

EVFTA là một hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, bao gồm các điều khoản quan trọng về lao động và môi trường nhằm hướng tới sự phát triển bền vững.

Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế tại Việt Nam Chang-Hee Lee cho biết thời gian qua, trên thế giới có ngày càng nhiều quan ngại có căn cứ rằng tự do thương mại có thể làm trầm trọng thực trạng bất bình đẳng giữa các quốc gia và bản thân trong một quốc gia, có thể có hại cho môi trường.

Các FTA thế hệ mới cố gắng giải quyết thách thức về phát triển bền vững này bằng cách đưa vào các yêu cầu về lao động và môi trường.

Việt Nam hiện đã phê chuẩn sáu trong tổng số tám công ước cơ bản của Tổ chức Lao động Quốc tế. Công ước số 98 về Quyền Tổ chức và Thương lượng tập thể là công ước mới nhất được phê chuẩn, được Quốc hội bỏ phiếu thông qua vào tháng 6/2019.

Việt Nam hiện đang lên kế hoạch phê chuẩn tiếp hai công ước cơ bản còn lại gồm: Công ước số 105 về Xóa bỏ Lao động Cưỡng bức - dự kiến trong năm 2020 và Công ước số 87 về Tự do Hiệp hội và Bảo vệ quyền Tổ chức - dự kiến trong năm 2023.

Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế tại Việt Nam chia sẻ các yêu cầu về lao động và môi trường của EVFTA sẽ giúp mang lại lợi ích cho tất cả các bên, giúp Việt Nam phát triển bền vững bằng cách tránh “cuộc đua xuống đáy” và đảm bảo rằng tăng trưởng hiện tại sẽ không phải trả giá bằng các cơ hội của thế hệ tương lai."