Quý I năm 2020: Số vụ buôn lậu, hàng giả tăng 57%

15:41 | 24/04/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, trong quý I, lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện, xử lý 52.733 vụ việc vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, tăng 57% so với cùng kỳ năm 2019).

Quý I năm 2020: Số vụ buôn lậu, hàng giả tăng 57% - ảnh 1
Cán bộ Hải quan kiểm tra hàng hóa nhập khẩu qua biên giới. Nguồn: Bộ Tài chính. 
Qua xử lý, lực lượng chức năng đã thu nộp thu ngân sách Nhà nước hơn 8.630,7 tỷ đồng (tăng gần 250 % so với cùng kỳ), khởi tố 731 vụ ( giảm 10% so với cùng kỳ), 891 đối tượng (giảm 9% so với cùng kỳ).

Mặc dù các lực lượng chức năng đã tập trung đấu tranh quyết liệt, triệt phá nhiều đường dây buôn lậu trên tuyến biên giới đường bộ tiếp giáp với Trung Quốc nhưng hoạt động buôn lậu vẫn diễn ra phức tạp.

Tại khu vực biên giới phía Bắc gồm Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh, Cao Bằng, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Hà Nội…, tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới, sản xuất, buôn bán hàng cấm vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt lợi dụng tình hình dịch bệnh COVID-19 nên nhiều đối tượng đã đầu cơ, tăng giá mặt hàng khẩu trang bán trong nước và xuất lậu sang nước ngoài để kiếm lời.

Các mặt hàng nhập lậu chủ yếu là hàng tiêu dùng (vải, quần áo, giày dép), bánh kẹo, thuốc lá, pháo nổ, dược liệu... từ Trung Quốc vào Việt Nam.

Trên tuyến biên giới, địa bàn các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên hoạt động buôn lậu chủ yếu là mặt hàng rượu ngoại, đường, thuốc lá, mỹ phẩm, hàng tiêu dùng, lâm sản, pháo nổ, đồ chơi trẻ em; buôn bán, vận chuyển trái phép sản phẩm của động vật hoang dã, quý hiếm (vẩy tê tê, các sản phẩm từ ngà voi,...) từ Lào và Campuchia vào Việt Nam.

Đáng chú ý, hoạt động vận chuyển trái phép ma túy cũng diễn ra phức tạp tại địa bàn các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế.

Mặt hàng buôn lậu chủ yếu tại một số tỉnh miền Tây Nam bộ như Long An, Đồng Tháp, An Giang là thuốc lá điếu, đường cát, hàng điện tử, điện lạnh đã qua sử dụng, hàng tiêu dùng… Các đối tượng lợi dụng địa hình sông nước, kênh rạch chằng chịt; lợi dụng chập tối, nửa đêm, gần sáng và sử dụng các phương thức vận chuyển như vác bộ, phương tiện xe gắn máy hoặc xuồng máy công suất lớn chạy với tốc độ cao nên việc bố trí bắt giữ của lực lượng chức năng gặp rất nhiều khó khăn.