Quy mô nền kinh tế số Việt Nam đứng thứ 2 Đông Nam Á, chỉ xếp sau Indonesia

16:04 | 05/11/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Kinh tế số phát huy tinh thần thương hiệu Việt là nội dung được nhấn mạnh tại Diễn đàn “Đẩy mạnh chiến lược thị trường sản phẩm cho các doanh nghiệp Việt Nam thập kỷ 2020 – 2030”, sáng 5/11, tại Hà Nội.
Mới đây, tại Diễn đàn “Đẩy mạnh chiến lược thị trường sản phẩm cho các doanh nghiệp Việt Nam thập kỷ 2020 – 2030”, nhiều số liệu của nền kinh tế số đã được công bố. Diễn đàn đã thảo luận những chiến lược thương hiệu cho doanh nghiệp trong bối cảnh thị trường mở, đặc biệt là sự thay đổi hành vi của người tiêu dùng trong bối cảnh COVID-19. Theo đó, những sản phẩm liên quan đến sức khỏe, gắn với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững được đánh giá sẽ chiếm ưu thế trong tương lai.

Bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó cục trưởng Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công thương), khẳng định Việt Nam rất có tiềm năng phát triển kinh tế số.
 
Theo đó, quy mô nền kinh tế số Việt Nam đứng hàng đầu Đông Nam Á và chỉ đứng sau Indonesia. Thương mại điện tử đang là cấu phần quan trọng của kinh tế số. Tốc độ tăng trưởng trên 25%, tiếp tục tăng trưởng trong 5 năm tới. Du lịch trực tuyến, truyền thông trực tuyến và gọi xe trực tuyến… đang là xu hướng tiêu dùng công nghệ. Đây là cơ hội cho phát triển kinh tế số, đặc biệt trong bối cảnh COVID-19 thì đây là hướng đi tốt nhất cho doanh nghiệp.
  
gia tri kinh te so

 
Hiện nay, có 6 chương trình hỗ trợ của Cục TMĐT KTS (Bộ Công Thương) đã và đang thúc đẩy sự phát triển kinh tế số tại Việt Nam bao gồm:
 
Ngày mua sắm trực tuyến đã trở thành sự kiện mua sắm trực tuyến lớn nhất năm với vai trò định hướng,hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thị trường TMĐT lành mạnh, phát triển bền vững tại Việt Nam.
 
SMS Platform cho TMĐT là nền tảng tương tác chính thống cho TMĐT thông qua việc thông tin khách hàng đã được định danh với nhà mạng, qua đó giúp doanh nghiệp quản lý các giao dịch và chất lượng dịch vụ CSKH tốt hơn.
 
Trục ký kết văn bản điện tử Trục điện tử kết nối doanh nghiệp giúp tạo ra một cơ chế liên thông linh hoạt, cho phép doanh nghiệp điện tử hoá quá trình giao kết hợp đồng điện tử.
 
KeyPay ESCROW cung cấp hạ tầng thanh toán đảm bảo, giải quyết khiếu nại giao dịch thương mại điện tử.
 
Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử đã kết nối các đơn vị sàn, doanh nghiệp hỗ trợ hạ tầng thương mại điện tử với các doanh nghiệp sản xuất truyền thống ứng dụng thương mại điện tử.
 
Cuối cùng là gian hàng Việt trên các sàn TMĐT tại Việt Nam và nước ngoài đã hỗ trợ đưa các sản phẩm của các doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam lên các sàn TMĐT tại Việt Nam và quốc tế.
 
Tuy nhiên, theo bà Huyền, thách thức lớn nhất cho các doanh nghiệp đó là nguồn nhân lực có kỹ năng số, theo dự đoán năm 2020 Việt Nam thiếu khoảng 500.000 chuyên gia trong lĩnh vực dữ liệu.
 
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Vũ Xuân Trường, Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, hiện Việt Nam có khoảng 500.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó 90% là doanh nghiệp nhỏ. Trước đây, các doanh nghiệp nhỏ chưa quan tâm đến tầm nhìn chiến lược, bởi họ còn phải "chạy ăn từng bữa", tuy nhiên 3-5 năm nay tư duy này đã thay đổi, đặc biệt là tư duy thương hiệu. Doanh nghiệp coi thương hiệu là vũ khí để cạnh tranh.
 
Cùng với đó là tư duy thị trường, tư duy quản trị và tư duy lãnh đạo. Mỗi cán bộ công nhân viên trong doanh nghiệp đều là điểm tiếp xúc thương hiệu. Tư duy tầm nhìn mới, chiến lược thương hiệu kết hợp truyền thông - hiện đại đã và đang phát huy tinh thần thương hiệu Việt.
 
Nhằm đưa ra những giải pháp phát triển bền vững cho các ngành hàng tại Việt Nam, phát huy năng lực cạnh tranh và vị thế của doanh nghiệp, hoạch định những chiến lược phát triển thị trường và sản phẩm trong thời kỳ kinh tế khó khăn, Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Diễn đàn “Đẩy mạnh chiến lược thị trường sản phẩm cho các doanh nghiệp Việt Nam thập kỷ 2020 – 2030”.
 
Quy mô nền kinh tế số Việt Nam đứng thứ 2 Đông Nam Á, chỉ xếp sau Indonesia - ảnh 1
Toàn cảnh Diễn đàn “Đẩy mạnh chiến lược thị trường sản phẩm cho các doanh nghiệp Việt Nam thập kỷ 2020 – 2030”.
 
Chương trình có sự đồng hành của Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank), Công ty TNHH MTV My Health, Công ty TNHH Vibiz Việt Nam.
 
Chương trình được điều phối bởi TS. Võ Trí Thành – Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh và có sự tham gia của lãnh đạo Cục thương mại điện tử và kinh tế số - Bộ Công thương, chuyên gia Viện nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, Giám đốc đối ngoại cao cấp Tiki Miền Bắc và đại diện Dự án Intage Việt Nam, đại diện Công ty nghiên cứu thị trường Kantar cùng gần 300 đại biểu đại diện cho các cơ quan Trung ương và địa phương, các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội nghề nghiệp và các cơ quan truyền thông báo chí.
 
Minh Hoa