Quyền lợi người tiêu dùng vẫn bị xâm phạm nghiêm trọng trong môi trường thương mại điện tử

09:28 | 24/07/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Cùng với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, một số quy định trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã không còn phù hợp với mô hình kinh doanh mới hiện nay. Vì thế, đã xuất hiện việc xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng như hàng hóa không đảm bảo chất lượng, nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng, quảng cáo sai sự thật, không có địa chỉ kinh doanh cụ thể, không có hóa đơn chứng từ… mà không được xử lý.

Chia sẻ về vấn đề này, tại Hội thảo Góp ý một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Nghị định hướng dẫn thi hành, ông Nguyễn Mạnh Hùng- Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho biết: Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được Quốc hội thông qua ngày 17/11/2010. Ngày 27/10/2011, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 99/2011/NĐ-CP hướng dẫn thi hành. Đến nay sau gần 10 năm triển khai thực hiện, Luật đã từng bước đi vào cuộc sống. Với 8 quyền cơ bản dành cho người tiêu dùng, Luật đã tạo ra một hành lang pháp lý giúp người tiêu dùng trở thành "thượng đế" khi bước vào thị trường hàng hóa, dịch vụ.

Quyền lợi người tiêu dùng vẫn bị xâm phạm nghiêm trọng trong môi trường thương mại điện tử - ảnh 1
 Hội thảo Góp ý một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Nghị định hướng dẫn thi hành. Ảnh DNVN/HuongLan
Tuy nhiên, trong 10 năm thực thi, Luật đã bộc lộ nhiều hạn chế và không đáp ứng đủ nhu cầu thực tiễn xã hội như tên gọi "bảo vệ người tiêu dùng". Quyền lợi cơ bản của người tiêu dùng vẫn bị xâm phạm nghiêm trọng. Tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (Hội Bảo vệ Người tiêu dùng) có nhiều đóng góp trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Nhưng hoạt động của tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vẫn còn gặp nhiều khó khăn, trong đó có nguyên nhân từ chính sách, pháp luật.
Bên cạnh đó, theo ông Hùng, về phía người tiêu dùng, nhận thức của người tiêu dùng về Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng còn rất mờ nhạt. Qua các cuộc khảo sát chỉ có khoảng 15% người tiêu dùng được đọc Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Còn lại chưa biết Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, chưa biết mình có các quyền và nghĩa vụ gì để tự bảo vệ. Do vậy các đơn thư khiếu nại gửi đến hội và các cơ quan chức năng của nhà nước rất ít, khi đó các vụ xâm phạm của các tổ chức và cá nhân kinh doanh ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng còn tương đối phổ biến.
Đặc biệt, trong thời đại công nghệ thông tin, thương mại điện tử đang phát triển mạnh mẽ như hiện nay. Với các hình thức mua bán trực tuyến trên các website thương mại điện tử, qua các mạng xã hội như Facebook, Zalo… đã xuất hiện nhiều hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng mới. Trong khi đó, một số quy định trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chưa rõ ràng hoặc không còn phù hợp với bối cảnh thương mại điện tử và mô hình kinh doanh trên mạng. Nhiều người bị xâm phạm quyền lợi nhưng không biết phản ánh với cơ quan, tổ chức nào, không biết địa chỉ để khiếu nại.
Quyền lợi người tiêu dùng vẫn bị xâm phạm nghiêm trọng trong môi trường thương mại điện tử - ảnh 2
 Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra cơ sở kinh doanh nằm trong khuôn viên Cảng ICD Mỹ Đình.
Chia sẻ thêm về những bất cập trong các quy định pháp luật, đại diện Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng, (Bộ Công Thương) cho biết, toàn bộ các quy định hiện nay chỉ phù hợp với các giao dịch, kinh doanh – tiêu dùng có tính truyền thống mà chưa tính đến một số phương thức mới, hiện đại, đặc biệt là sự phát triển của thương mại điện tử và cách mạng khoa học công nghệ 4.0. Bên cạnh đó, các quy định liên quan đến cung cấp bằng chứng giao dịch, bảo hành, thu hồi hàng hóa khuyết tật được thiết kế lỏng lẻo và sơ sài, khiến các chủ thể liên quan gặp khó trong việc thực hiện.
Ngoài ra, các phương thức giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và các tổ chức, cá nhân kinh doanh chưa được quy định phù hợp và đầy đủ khiến cho nhiều khiếu nại không được giải quyết.
Do đó, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thời đại công nghệ số hiện nay, Tiến sĩ Lương Đăng Ninh - Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Lạng Sơn cho biết, cần bổ sung một số khái niệm mới như: Thông tin cá nhân của người tiêu dùng, hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, tranh chấp xuyên biên giới, các chủ thể mới xuất hiện trong các hình thức kinh doanh như mạng xã hội nhượng quyền 4.0, Facebook, Zalo…
Bên cạnh đó, theo đại diện Hội Bảo vệ người tiêu dùng Lạng Sơn, nhiều hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng mới xuất hiện nhưng chưa được bổ sung vào các phần hành vi cấm hoặc nghĩa vụ của các chủ thể có liên quan. Một số quy định trong Luật chưa rõ ràng hoặc hành vi dạng mới đặc biệt trong bối cảnh phát triển thương mại điện tử và sự xuất hiện nhiều mô hình kinh doanh trên mạng. Do đó, Luật cần sửa đổi, bổ sung để tạo cơ sở xử lý hình sự đối với nhóm hành vi vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng.