Quyết liệt xử lý các trường hợp uống rượu, bia mà vẫn lái xe

Minh Thư 16:38 | 07/06/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Thời gian gần đây, liên tục xảy ra các vụ tai nạn giao thông (TNGT) gây hậu quả nghiêm trọng mà nguyên nhân là do người vi phạm nồng độ cồn điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Điều này tiếp tục gióng lên hồi chuông báo động, đòi hỏi các cơ quan chức năng mạnh tay hơn nữa xử lý các vi phạm này.

Từ những vụ TNGT đau lòng

Những ngày gần đây, dư luận cả nước chưa hết bàng hoàng về vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại Bắc Giang khiến 3 người tử vong tại chỗ. Vụ việc xảy ra  vào khoảng 24h đêm 2/6 tại ngã tư đường Hùng Vương - Hoàng Văn Thụ (cạnh UBND tỉnh Bắc Giang) khiến 3 người tử vong tại chỗ.

Người gây ra tai nạn là Nguyễn Đức Thịnh điều khiển xe ô tô Audi đi đến ngã 4 Hùng Vương, Hoàng Văn Thụ, thuộc P. Ngô Quyền, TP. Bắc Giang đâm vào xe máy do anh Nguyễn Mạnh Hưng trú tại phường Thọ Xương điều khiển chở theo vợ và con gái. Vụ tai nạn làm 3 người trong gia đình anh Hưng tử vong tại chỗ. Tài xế Thịnh đã sử dụng rượu bia khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông với nồng độ cồn ở mức 0,604 mg/lít khí thở.

Theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, từ đầu năm tới nay, cả nước đã xảy ra 118 vụ tai nạn giao thông do ảnh hưởng của ượu bia làm 85 người thiệt mạng và 77 người bị thương. Chỉ tính riêng tháng 5 đã có 3 vụ TNGT nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến rượu bia.

Cụ thể, ngày 29/5 tại xã Tân Thạnh, huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang, 2 thanh niên đi xe máy đã đâm vào gốc dừa khiến một người tử vong tai chỗ, một người tử vong trên đường đi cấp cứu. Nguyên nhân được xác định do lái xe đã uống rượu bia.

Ngày 22/5, trên quốc lộ 57 B thuộc ấp Phú Mỹ, xã Phú Túc, huyện Châu Thành tình Bến Tre đã xảy ra vụ va chạm giữa 2 xe máy khiến 3 người tử vong, 1 người bị thương nặng. Nguyên nhân là do một người cầm lái xe máy đã vi phạm về nồng độ cồn tới mức 160 mg/lít khí thở.

Trước đó, ngày 2/5, tại QL1A đoạn thuộc thôn Gia An Đông, xã Hoài châu Bắc, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định, xe ô tô khách đã va chạm với 1 xe máy chở 3 người. Tài xế xe khách qua đoạn đường này đã không chú ý quan sát, đi không đúng phần đường quy định. Tuy nhiên cả 3 người đi xe máy đều có kết quả nồng độ cồn trong máu. Hậu quả cả 3 người bị tử vong tại chỗ…

Theo luật sư Nguyễn Văn Dũng (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội), những vụ TNGT do rượu, bia gây ra thường rất nghiêm trọng. Bởi vậy, việc tăng cường kiểm soát sử dụng rượu, bia, cũng như xử lý vi phạm giao thông là cần thiết để giảm thiểu những vụ tai nạn thương tâm có thể xảy ra.

 Cần xử lý hình sự nghiêm minh

Bàn về vấn đề xử lý vi phạm đối với các trường hợp uống rượu, bia mà vẫn lái xe, ông Khuất Việt Hùng (phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia) thông tin, tại một số nước, vi phạm nồng độ cồn ở mức cao có thể bị xử lý hình sự ngay dù chưa cần gây hậu quả. Vi phạm nồng độ cồn cũng có thể bị tước giấy phép vĩnh viễn, tịch thu phương tiện và bắt lao động công ích. Trong điều kiện của Việt Nam hoàn toàn có thể sửa đổi Luật xử lý vi phạm hành chính để bổ sung các chế tài này.

Cũng theo ông Hùng, có thể nghiên cứu chế tài tịch thu phương tiện gây tai nạn giao thông hoặc người vi phạm nồng độ cồn ở mức cao, có khả năng uy hiếp nghiêm trọng đến an toàn giao thông, an toàn xã hội. Về việc tước bằng lái, ở các quốc gia thường quy định với lái xe kinh doanh vận tải, nếu vi phạm nặng hoặc tái phạm thì không cho anh lái xe vận tải nữa mà chỉ được lái xe cá nhân phục vụ mình và gia đình. Chúng ta có thể xem xét sửa đổi theo hướng như vậy, nhưng điều quan trọng nhất là cần thực thi nghiêm pháp luật hiện có.

Còn ông Bùi Văn Xuyền (nguyên ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội) thì cho rằng, vụ tai nạn ở Bắc Giang do tài xế vi phạm nồng độ cồn gây ra khiến 3 người tử vong là đặc biệt nghiêm trọng và cần xử lý hình sự nghiêm minh để tạo sự răn đe. “Luật hình sự đã quy định các mức cấu thành tội phạm hình sự đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn gây tai nạn giao thông, cụ thể, vi phạm là bao nhiêu, mức độ, hậu quả. Cơ quan chức năng cần xem xét xử lý nghiêm khắc ở mức tối đa với các trường hợp vi phạm nồng độ cồn, không xử nhẹ, xử dưới khung”, ông Xuyền nhấn mạnh.

Mới đây nhất, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh vừa ký Công điện số 488/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc chấp hành quy định về phòng, chống tác hại của rượu, bia. Theo đó, để thực hiện mục tiêu kéo giảm TNGT năm 2022 từ 5-10% so với năm 2021 cả về số vụ, số người chết và số người bị thương, ngăn ngừa các vụ TNGT liên quan đến người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị xã hội, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các đơn vị có liên quan chỉ đạo thực hiện nghiêm Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Công điện cũng yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị, sỹ quan, hạ sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, chiến sỹ, người làm việc trong lực lượng vũ trang nhân dân, học sinh, sinh viên thực hiện nghiêm các quy định về cấm uống rượu, bia; gương mẫu thực hiện nghiêm quy định đã uống rượu, bia không lái xe, có biện pháp xử lý nghiêm đối với cá nhân, tập thể vi phạm.

Công điện cũng nêu, Bộ Công an chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tăng cường thực hiện tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm người điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn hoặc có chất ma túy.

Bên cạnh đó, cần tăng cường tuyên truyền về Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia và nguyên nhân, hậu quả của TNGT nói chung, TNGT do vi phạm về nồng độ cồn nói riêng để nâng cao nhận thức của người dân, nghiêm túc thực hiện "Đã uống rượu, bia - không lái xe". Đẩy mạnh tuyên truyền trên mạng xã hội, hạ tầng số và vào các khung giờ vàng trên sóng truyền hình.

Từ khóa: #ATGT