Quyết sách kịp thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ tốt cho nền kinh tế

Huy Thắng/Báo Chính phủ 07:05 | 09/01/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Năm 2023 là một năm đầy thách thức đối với việc điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng ở Việt Nam do gặp nhiều khó khăn từ trong và ngoài nước. Sự giám sát chặt chẽ và can thiệp kịp thời của Chính phủ, NHNN cũng như sự vào cuộc tích cực của các ngân hàng thương mại đã giúp nền kinh tế ổn định.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến dự và chỉ đạo Hội nghị Triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2024 ngày 8/1 - Ảnh: VGP

Đây là các thông tin được trao đổi tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2024 ngày 8/1, tại Hà Nội.

Quản trị hiệu quả, đóng góp cho tăng trưởng

Tại Hội nghị, ông Ramachandran As – Tổng giám đốc Ngân hàng Citibank Việt Nam đánh giá: "Sự giám sát chặt chẽ và can thiệp kịp thời của Chính phủ, NHNN đã giúp nền kinh tế ổn định. Năm 2023 là một năm đầy thách thức đối với việc điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng ở Việt Nam do gặp nhiều khó khăn từ trong và ngoài nước".

Trước những áp lực lớn như vậy đối với ngành ngân hàng, Chính phủ và NHNN Việt Nam đã điều hành chính sách đạt được các mục tiêu, hiệu quả kinh tế như: Tăng trưởng GDP 5,05%, cao hơn so với mức toàn cầu, kiểm soát lạm phát năm thành công ở mức 3,8%. Việt Nam đạt vốn FDI thực hiện cao nhất trong 5 năm gần đây, khẳng định vị thế một điểm đến đầu tư hấp dẫn hàng đầu và một trung tâm sản xuất - đối tác thương mại đầy tiềm năng.

Ông Ramachandran As – Tổng giám đốc Ngân hàng Citibank Việt Nam -Ảnh: VGP

Sự tin tưởng và đánh giá cao của cộng đồng quốc tế đối với những thành tựu và hoạt động điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam là minh chứng rõ ràng nhất. Đáng chú ý, Bộ Tài chính Mỹ tiếp tục xác định Việt Nam không thao túng tiền tệ; nâng cao xếp hạng tín dụng quốc gia của Việt Nam năm 2023; Việt Nam được vinh danh là một trong 3 quốc gia tốt nhất thế giới tại Báo cáo đánh giá Ngân hàng Trung ương Toàn cầu.

"Hướng tới năm 2024, Nhóm Công tác ngân hàng nước ngoài rất lạc quan khi đưa ra dự đoán về những cơ hội và thách thức trong năm tới. Chúng tôi đánh giá cao việc Chính phủ và NHNN tiếp tục nỗ lực và quyết tâm chỉ đạo hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách phù hợp với thông lệ quốc tế", ông Ramachandran As nhận định.

Để tiếp tục đạt được những kết quả tích cực, Nhóm công tác ngân hàng khuyến nghị một số chính sách chính cần tập trung trong năm 2024, trong đó nhấn mạnh đến việc thận trọng kiểm soát lạm phát đồng thời hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bền vững.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông (NN&PTNT) Lê Minh Hoan đánh giá cao những đóng góp của ngành ngân hàng - Ảnh: VGP

Dưới góc độ quản lý nông nghiệp, nông thôn, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông (NN&PTNT) Lê Minh Hoan đánh giá: Thời gian qua, sự hỗ trợ tư vấn của ngành ngân hàng về chính sách tín dụng, chương trình vay vốn, phương án sử dụng vốn vay là rất cần thiết cho hộ gia đình ở nông thôn.

Bộ NN&PTNT đang triển khai giải pháp đồng hành, tri thức hóa nông dân. Khi năng lực nông dân nâng cao, các phương án sản xuất kinh doanh khả thi hơn, nguồn vốn được sử dụng hiệu quả hơn.

Thực tế, tại Đồng Tháp, so với sản xuất riêng lẻ, khi người dân tham gia vào các hội quán, liên kết nông dân sẽ đạt kết quả sản xuất kinh doanh tốt hơn. Điều này gợi mở cân nhắc về triển khai tín dụng nông nghiệp. Người vay vốn tham gia các hình thức liên kết hiệu quả, uy tín tại cộng đồng nông thôn.

Ngân hàng và nông nghiệp có điểm chung. Nếu nông nghiệp xanh hướng tới mục tiêu sinh thái bền vững, trách nhiệm, thì ngân hàng đang hướng tới tín dụng xanh là các khỏan vay mà ngân hàng cấp cho các nhu cầu tiêu dùng, dự án đầu tư sản xuất kinh doanh, bảo vệ hệ sinh thái. Vì vậy, mô hình nông nghiệp kết hợp đa giá trị, nông nghiệp tái sinh, hữu cơ, giảm phát thải nên là lĩnh vực ưu tiên với các TCTD trong thời gian tới.

"Cơ hội 2 ngành còn nhiều và rộng mở. Năm 2024, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhiều đề án sẽ được triển khai như: Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, giảm phát thải, gắn tăng trưởng xanh ĐBSCL; đề án chuyển đổi nghề nghiệp ngư dân, chủ trương giảm khai thác tăng nuôi trồng; trồng rừng gỗ lớn, nguyên liệu phát triển ngành gỗ bền vững. Do đó, thời gian tới bộ NN&PTNT tiếp tục trao đổi ký kết NHNN để có thêm nguồn lực hiện thực hóa quyết sách của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với nông nghiệp nông thôn", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Chủ tịch HĐTQ VietinBank Trần Minh Bình - Ảnh: VGP

Hoàn thiện pháp lý, tạo nguồn lực để hỗ trợ tốt hơn các ngành kinh tế

Dưới góc độ ngân hàng thương mại, Chủ tịch HĐTQ VietinBank Trần Minh Bình cho biết: Trên cơ sở bám sát các chỉ đạo của Chính phủ và NHNN, VietinBank đã luôn tích cực triển khai có kết quả các giải pháp trọng tâm nhằm phát huy vai trò là NHTM Nhà nước chủ lực, trụ cột, tiên phong trong việc cung ứng vốn cho nền kinh tế, đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân. 

Dư nợ tín dụng của VietinBank được thúc đẩy ngay từ đầu năm, luôn giữ mức cao hơn so với bình quân toàn ngành. Đến cuối năm đạt 15,6%, tương đương đóng góp thêm gần 200 nghìn tỷ đồng cho nền kinh tế. VietinBank đã triển khai hiệu quả các chính sách của Chính phủ và NHNN, như chương trình hỗ trợ lãi suất theo Thông tư 03 của NHNN với dư nợ HTLS 12 nghìn tỷ đồng, là ngân hàng có dư nợ hỗ trợ lãi suất cao nhất; tích cực thực hiện các biện pháp hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn...; cho vay lĩnh vực ưu tiên theo định hướng của Chính phủ với dư nợ chiếm khoảng 40% tổng dư nợ.

VietinBank cũng là ngân hàng quyết liệt tiết giảm chi phí hoạt động theo chỉ đạo của NHNN với tỷ lệ chi phí hoạt động trên % doanh thu (CIR) ở mức 28% thuộc nhóm thấp nhất ngành, quản trị chi phí vốn hiệu quả, tạo cơ sở để VietinBank thực hiện 5 đợt giảm sàn lãi suất cho vay.

Với tình hình thực tế 2024, dự báo sẽ vẫn còn nhiều thách thức và diễn biến khó lường, lãnh đạo VietinBank kiến nghị tiếp tục sửa đổi, bổ sung rút gọn thủ tục phê duyệt dự án đầu tư BĐS; UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo triển khai thực hiện giải quyết các vướng mắc trong phê duyệt; tạo điều kiện cho VietinBank cũng như các NHTM Nhà nước tăng vốn, nâng cao năng lực tài chính. VietinBank đã nhận được ý kiến của NHNN và Bộ Tài chính cho phép giữ lại toàn bộ lợi nhuận năm 2022 để tăng vốn thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu.

Ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP BIDV - Ảnh: VGP

"Trên cơ sở đó, VietinBank đề xuất các Cơ quan có thẩm quyền cho phép ngân hàng được giữ lại toàn bộ lợi nhuận năm 2023 để tăng vốn; Phê duyệt chủ trương cho phép VietinBank được giữ lại toàn bộ lợi nhuận hằng năm của giai đoạn 2024-2028 để tăng vốn, nâng cao năng lực tài chính, mở rộng dư địa tăng trưởng tín dụng...", đại diện VietinBank nói.

Đại diện VietinBank cũng đề nghị Luật hóa Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD, giúp giải quyết nhiều vấn đề liên quan tới xử lý nợ xấu, tạo hành lang pháp lý cơ chế cho hoạt động xử lý nợ...

Còn ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP BIDV cho biết: BIDV đã quyết liệt triển khai chỉ đạo của Chính phủ, NHNN trong việc thực hiện các chương trình tín dụng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận tín dụng, cơ cấu lại nợ, cho vay mới, giảm, miễn lãi, phí. Với tất cả các biện pháp đó, năm 2023, BIDV giảm lợi nhuận gần 5.900 tỷ đồng để hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn, duy trì, phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh.

Về chuyển đổi số, BIDV đã chuyển đổi căn bản hoạt động kinh doanh Ngân hàng, chuyển dịch từ kênh quầy sang kênh số, với 2 kênh Ngân hàng điện tử chủ lực phục vụ Doanh nghiệp và người dân là iBank và SmartBanking.

Ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch HĐTV Agribank - Ảnh: VGP

Lãnh đạo BIDV đề nghị các bộ, ngành có liên quan tiếp tục nâng cấp hạ tầng số (viễn thông, mạng Internet, kết nối 5G); ban hành đồng bộ các cơ chế chính sách nền tảng pháp lý số (quy định về chia sẻ thông tin, về dữ liệu; xây dựng và ban hành cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (Sandbox) hoạt động Fintech trong lĩnh vực Ngân hàng…). 

Luật giao dịch điện tử có hiệu lực từ 1/7/2024 sẽ tạo ra xung lực rất lớn đẩy mạnh giao dịch số. Đề nghị cơ quan quản lý ban hành các Quy định, Hướng dẫn (đặc biệt là Nghị định thay thế NĐ 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt) tạo điều kiện cho các NHTM đẩy mạnh phát triển hệ sinh thái phục vụ nhu cầu của khách hàng...

Ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch HĐTV Agribank cho biết: "Agribank là một trong những ngân hàng mạnh tay nhất giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng khó khăn, hỗ trợ điều chỉnh lãi suất với 8 lần, có đối tượng khách hàng giảm 4%. Như vậy, ngân hàng triển khai 13 chương trình tín dụng, 200.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi 2-3% so với lãi suất thông thường. Thực hiện cơ cấu nợ để hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn về dòng tiền trả nợ".

Ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) - Ảnh: VGP

Sang năm 2024, Chủ tịch Agribank nhận định, bất ổn lớn vẫn khó đoán định, nên hoạt động xuất khẩu hàng hóa nước ta vẫn tiếp tục khó khăn. Vì vậy, trong năm 2023 hỗ trợ kích thích sản xuất tiêu dùng trong nước là rất quan trọng. Mấu chốt là tăng cường chính sách tài khóa, thúc đẩy đầu tư công ngay từ đầu năm. Đồng thời, tháo gỡ pháp lý liên quan đến các dự án đầu tư. Từ đó, giúp tăng nhu cầu vốn tín dụng từ doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp duy trì hoạt động bền vững trong thời kỳ khó khăn thách thức.

 

Theo ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), bám sát định hướng chủ trương Chính phủ, NHNN, năm 2023, MB tiếp tục duy trì đà tăng trưởng bền vững, tăng trưởng tín dụng cao hơn mức bình quân. Trong đó, nhóm ngành ưu tiên theo định hướng của Chính phủ chiếm 65%. MB thực hiện điều chỉnh giảm lãi suất 7 lần trong năm 2023 với mức giảm từ 2-4%. MB kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, tỷ lệ nợ xấu dưới 1,7%, trích lập dự phòng đầy đủ. 

Đại diện MB kiến nghị, cần tiếp tục kiên định với các mục tiêu duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tạo điều kiện, tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, ngân hàng; có cơ chế thông thoáng, thuận lợi đối với hoạt động cho vay của Công ty tài chính để người dân tiếp cận dễ dàng nguồn vốn vay với lãi suất hợp lý.