Rà soát danh mục kinh tế ngầm, Bộ Tài chính đề nghị lược bỏ nhiều hoạt động
Bộ Tài chính vừa có văn bản trả lời Tổng cục Thống kê về việc rà soát danh mục hoạt động và xây dựng chỉ tiêu đầu vào phục vụ đo lường khu vực kinh tế chưa được quan sát, qua đó, đề nghị lược bỏ nhiều hoạt động.
Cụ thể, Bộ Tài chính đề nghị Tổng cục Thống kê lược bỏ khỏi danh mục hoạt động kinh tế ngầm hành vi “trục lợi bảo hiểm” bởi trong các quy định về kinh doanh bảo hiểm không có hoạt động này.
Bộ Tài chính đề nghị Tổng cục Thống kê lược bỏ khỏi danh mục hoạt động kinh tế ngầm hành vi “trục lợi bảo hiểm”
Đối với hoạt động “gian lận thương mại trong lĩnh vực bảo hiểm kinh doanh”, Bộ Tài chính đề nghị lược bỏ nội dung này ra khỏi danh mục thuộc trách nhiệm tổng hợp của Bộ Tài chính do đây là hoạt động nằm trong phạm vi điều chỉnh của Bộ luật hình sự (bị truy tố hình sự) và ngoài thẩm quyền xử lý, theo dõi của Bộ Tài chính.
Đối với hoạt động tài chính ngân hàng, Bộ này đề nghị lược bỏ khỏi danh mục việc “tổ chức phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ không đúng với phương án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc tổ chức phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ khi chưa đáp ứng đủ điều kiện theo quy định pháp luật”; và “chuyển nhượng trái phiếu được phát hành riêng lẻ trong thời gian hạn chế chuyển nhượng, trừ trường hợp được pháp luật quy định”.
Liên quan đến ngành chứng khoán, Bộ Tài chính đề nghị lược bỏ chỉ tiêu “mua, bán cổ phiếu khi pháp luật chưa cho phép” do chưa có chế tài.
Bộ Tài chính cũng đề nghị lược bỏ nhiều nội dung về hoạt động thu, chi ngân sách nhà nước khỏi danh mục này.
Đó là “các khoản thu ngoài ngân sách nhà nước không được ghi chép, báo cáo; chi ngân sách sai quy định như chi không đúng dự toán, chi sai mục đích, sai tiêu chuẩn, sai định mức; truy thu từ chi không đúng dự toán”.
Bởi theo Bộ Tài chính, hoạt động kinh tế ngầm là các hoạt động chưa được cấp phép, bị xử lý vi phạm hành chính. Như vậy, số thu từ hoạt động này khi bị xử phạt vi phạm hành chính đã được xử lý theo quy định của pháp luật, về nguyên tắc đã đưa vào ngân sách nhà nước.
Trường hợp chưa thu được mới thuộc phạm vi đo lường khu vực kinh tế chưa được quan sát, số liệu này đề nghị giao cho các cơ quan thanh tra, kiểm toán báo cáo.
Ngoài ra, theo Bộ Tài chính, “các khoản chi ngân sách sai quy định như chi không đúng dự toán, chi sai mục đích, sai tiêu chuẩn, sai định mức” đưa vào hoạt động kinh tế ngầm, kinh tế bất hợp pháp là chưa hợp lý. Các khoản chi ngân sách nhà nước đều phải được lập dự toán, khi chi ngân sách sai bị phát hiện qua kiểm soát chi, thanh tra, kiểm tra đều phải được quản lý theo quy định của pháp luật.
Bộ Tài chính cũng cho rằng “truy thu từ chi không đúng dự toán” không phù hợp với định nghĩa của hoạt động kinh tế ngầm. Việc thu hồi, truy thu từ các khoản chi sai chế độ, sai dự toán là một cấu phần trong thu ngân sách nhà nước và có tính hợp pháp, được ghi chép, theo dõi đầy đủ trong ngân sách nhà nước.
Đối với danh mục thuộc hoạt động kinh tế bất hợp pháp, Bộ Tài chính cũng đề nghị lược bỏ khỏi danh mục này các nội dung: “Cho vay với lãi suất ngầm (thấp hơn lãi suất thực tế) do cán bộ tín dụng và đối tượng đi vay thỏa thuận để ăn chênh lệch”.
Theo Bộ Tài chính, hành vi này chưa thể đưa vào danh sách “hoạt động kinh tế bất hợp pháp”. Hiện nay, mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã có những công văn chỉ đạo các ngân hàng ngăn chặn hiện tượng vay tiền ở nơi có lãi suất tiền vay thấp (thường là vay ngoại tệ) để gửi vào nơi có lãi suất tiền gửi cao (hoặc cho vay với lãi suất cao) để ăn chênh lệch nhưng đến nay vẫn chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào cấm và đưa ra các chế tài xử phạt đối với hành vi này.
Đáng chú ý, Bộ Tài chính cho biết, theo chức năng quản lý nhà nước của Bộ Tài chính tại các Nghị định, Bộ Tài chính có trách nhiệm quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh xổ số, trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài, casino và đặt cược được cấp phép theo quy định. Vì vậy, Bộ này đề nghị không đưa các nội dung về “đánh bạc, lô đề, cá cược bất hợp pháp” thuộc trách nhiệm thu thập thông tin, dữ liệu và tổng hợp của Bộ Tài chính.
Được biết, vào tháng 08/2019, vấn đề liên quan đến hoạt động kinh tế ngầm có được tính vào quy mô GDP là câu hỏi làm “nóng” dư luận.
Các hình thức kinh tế ngầm
Có ý kiến cho rằng, nếu số liệu về kinh tế phi chính thức mà tính được thì tổng GDP của Việt Nam sẽ tăng lên rất nhiều, với bội số lớn thì nợ công sẽ có dư địa hơn để đầu tư phát triển.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, khu vực kinh tế phi chính thức là khu vực riêng, tồn tại bên ngoài và song song với khu vực kinh tế chính thức nên không thể lấy chỉ tiêu giá trị gia tăng thêm của khu vực này để gộp vào GDP – chỉ tiêu của khu vực kinh tế chính thức (điều này cũng tương tự như việc không thể lấy chỉ tiêu của khu vực kinh tế chính thức để tính cho khu vực phi chính thức).
Bên cạnh đó, mục đích của việc tính toán, xác định các chỉ tiêu nhằm giới hạn tỷ lệ nợ công hoặc tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước là để đảm bảo khả năng huy động nguồn lực của Nhà nước trong việc đối phó với rủi ro. Các nguồn lực để đối phó, theo nguyên tắc, chỉ có thể tính toán xác định từ khu vực kinh tế chính thức, vì Nhà nước không chi phối được bằng các công cụ của mình (như thuế, tín dụng Nhà nước hoặc các công cụ kinh tế khác) đối với nguồn lực của khu vực kinh tế phi chính thức. Do đó, không thể cộng thêm số liệu của khu vực này làm cơ sở tính toán các giới hạn về an toàn và an ninh tài chính quốc gia, đặc biệt là tính giới hạn về tỷ lệ nợ công và tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước.
Tuy vậy, việc nghiên cứu khu vực kinh tế phi chính thức để thấy được tình trạng cụ thể về đặc điểm, quy mô và tính chất của khu vực này, từ đó xây dựng chủ trương, quan điểm, giải pháp đối xử với nó một cách khách quan, phù hợp và hiệu quả có ý nghĩa rất quan trọng.
Với mục tiêu đánh giá kết quả sản xuất kinh doanh của khu vực kinh tế phi chính thức nhằm phản ánh đầy đủ, toàn diện hơn phạm vi, quy mô của nền kinh tế, ngày 1/2/2019, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Đề án thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát”. Việc đo lường quy mô khu vực kinh tế phi chính thức được cho là sẽ giúp các cơ quan quản lý nhà nước có các quyết sách phù hợp, có thể giảm tỷ lệ của khu vực phi chính thức để chuyển sang khu vực kinh tế chính thức.
Minh Hoa