Rượu vang Ý 'gõ cửa' thị trường Việt Nam
Năm 2021, Italia là quốc gia đứng đầu thế giới về sản xuất rượu vang, trong đó vùng Veneto, nơi tập trung các nhà sản xuất vang Valpolicella, đã xuất khẩu gần 73,6 triệu chai rượu vang DOC và DOCG Veneto tới nhiều quốc gia trên thế giới. Các thị trường xuất khẩu chủ đạo của Vang Italia là Hoa Kỳ (11%), Thụy Sĩ (11%), Canada (11%), Anh (10%) và Đức (10%)…
Phát biểu tại sự kiện, Ông Michele D 'Ercole - Chủ tịch ICHAM cho biết, Ý là một trong số những nước xuất khẩu rượu vang lớn nhất thế giới. Đây không phải thức uống dành cho những ngày hội, dịp lớn mà còn được sử dụng thường xuyên trong bữa ăn hàng ngày.
Hiện nay, rượu vang Ý vẫn còn gánh nhiều thuế phí khi nhập khẩu vào Việt Nam, do đó đây vẫn là mặt hàng có giá cao. Với kỳ vọng giảm thuế nhờ Hiệp định EVFTA, các chuyên gia kỳ vọng đây sẽ là cơ hội để thức uống này phổ biến hơn ở Việt Nam.
Tiềm năng xuất khẩu vang Ý vào thị trường Việt Nam
Trò chuyện với phóng viên, ông Nicola Padovano - Chuyên gia Rượu Valpolicella cho hay, hiện nay con số nhập khẩu vang Ý vào nước ta còn khá thấp do còn nhiều rào cản. Tuy nhiên Việt Nam vẫn là thị trường đầy tiềm năng, nhất là khi những quy định mới về thuế quan được áp dụng.
Tại thị trường Việt Nam cũng như trên toàn thế giới, rượu vang Valpolicella được ưa chuộng bởi chất lượng và khả năng kết hợp với tất cả món ăn; hương vị đặc trưng với độ mịn, độ chua và sự chát nhẹ.
Chia sẻ về kế hoạch nâng cao số lượng nhập khẩu rượu Valpolicella về Việt Nam, ông Nicola Padovano cho biết, các doanh nghiệp Ý đang có một dự án lớn, đó là tìm kiếm một đại sứ đại diện cho rượu vang Valpolicella tại Việt Nam, dựa vào các tiêu chí như khả năng Tiếng Anh, giao tiếp, hiểu biết về rượu vang,... nhằm mục đích đưa tới các thông tin tới người dân. Ngoài ra, trong năm sau, đại diện doanh nghiệp Ý sẽ tổ chức thêm sự kiện với quy mô lớn hơn, kết hợp nếm thử và giới thiệu sản phẩm để kết nối với người mua hàng.
Nhận định dư địa để vang Ý phát triển tại thị trường Việt Nam còn rất nhiều, ông Tô Việt - Cố vấn cao cấp Công ty Gà trống An Nam chia sẻ: “Thị phần của vang Ý tại nước ta phát triển rất mạnh mẽ, hiện chiếm khoảng 21-23%. Tuy nhiên, những hiểu biết của người dân về vang Pháp sẽ nhiều hơn, nên rất khó cho vang Ý để cạnh tranh. Vậy nên vang Ý cần phát huy thế mạnh của mình là những chai rượu ở tầm giá trung bình và khá. Nước Ý với thuận lợi từ điều kiện tự nhiên và khí hậu, toàn bộ vùng miền Nam là Puglia và đảo Sicilia sản xuất rất nhiều rượu vang, và người Việt dễ tiếp cận với mức giá chỉ 250.000 - 400.000 đồng/chai”.
Về cơ hội cho các doanh nghiệp kinh doanh vang Ý ở Việt Nam, ông Việt nhận định: “Trong suốt 2 năm vừa qua, dịch bệnh tác động khiến kinh tế nước ta có sự chững lại. Dù rằng sự hiểu biết về rượu vang đã sâu hơn và uống vang có chất lượng tốt hơn, thế nhưng xét về tài chính thì còn nhiều hạn chế. Nên trong tương lai sản lượng có thể giảm, nhưng yêu cầu về các loại vang chất lượng sẽ nâng cao”.
Triển vọng hợp tác song phương rộng mở
Trong thời gian qua, quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Ý có nhiều khởi sắc. Theo Tổng Cục thống kê, trong 8 tháng năm 2022, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 4,25 tỷ USD, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt hơn 3 tỷ USD, tăng 20%, và nhập khẩu từ Italy là 1,19 tỷ USD, giảm 0,7%. Ý hiện là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam trong Liên minh châu Âu (EU), chỉ đứng sau Hà Lan, Đức và Pháp. Mặt khác, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Ý trong Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), với kim ngạch thương mại hai chiều liên tục tăng trong các năm.
Chia sẻ với Doanh nhân Việt Nam, ông Michele D’Ercole cho rằng, dù diễn biến Covid-19 trên thế giới vẫn còn nhiều phức tạp, thế nhưng Việt Nam và Ý đều đang xử lý rất tốt, dẫn tới hợp tác song phương có sự khởi sắc.
Nói về ý nghĩa của các Hiệp định thương mại tự do (đặc biệt là EVFTA), cùng với các hoạt động thúc đẩy văn hoá, giao thương giữa 2 nước, Chủ tịch ICHAM cho hay, việc hợp tác giữa 2 quốc gia gặt hái được những kết quả tốt đẹp khi có thể tổ chức thành công nhiều sự kiện giao lưu. Điển hình như sự kiện về rượu vang lần này có sự hiện diện của chuyên gia về vang Valpolicella và các đại diện cho hơn 2.000 doanh nghiệp đang kinh doanh vang.
Từ tháng 8/2020, khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, tình hình thương mại song phương giữa Châu Âu và Việt Nam đã tăng trưởng ở mức 2 con số. Trong đó, hợp tác giữa Việt Nam và Ý gặt hái được nhiều thành tựu tốt đẹp nhờ chứng nhận của FDA. Rượu vang cũng là một sản phẩm được chứng nhận bởi FDA, tuy nhiên, mặt hàng này sẽ phải chịu một dòng thuế nhập khẩu riêng, sẽ được cắt giảm sau 10 năm EVFTA có hiệu lực.
“Bên cạnh đó, chúng tôi thấy rằng thị trường Việt Nam rất ưa chuộng rượu vang Ý nhờ chất lượng đảm bảo và sự đa dạng trong chủng loại. Điều này đã được chứng minh trong số liệu chúng tôi thu thập được suốt 5 năm qua. Hiện nay, vang Ý chỉ đứng sau vang Pháp về sản lượng nhập khẩu” - Ông Michele D’Ercole nói.
Một trong những điểm khác biệt của vang Ý so với những dòng rượu vang ở các quốc gia là sự đa dạng. “Chúng tôi có 20 vùng miền phát triển rượu vang, và mỗi khu vực lại có một loại rượu cùng chất lượng riêng. Vậy nên, người tiêu dùng Việt Nam cần đánh giá cao sự đa dạng này. Chúng ta không thể chỉ nói là rượu vang xuất xứ Ý hay rượu vang đến từ Ý. Thay vào đó, chúng ta phải gọi tên rượu dựa trên khu vực, (ví dụ như rượu vang Veneto). Kể cả trong mỗi khu vực cũng có thể phân loại được chất lượng rượu vang. Đây là một hành trình tuyệt vời và thú vị mà người tiêu dùng Việt Nam đang bắt đầu thực hiện”- Ông Michele D’Ercole nói thêm.
Ông Michele D 'Ercole - Chủ tịch ICHAM nhận định ngoài mặt hàng rượu vang, trong tương lai, Việt Nam còn có thể hợp tác với Ý về nhiều lĩnh vực như: năng lượng mặt trời, năng lượng gió, xử lý nước và rác thải,... Nước Ý mạnh về mảng công nghệ, sản xuất, máy móc, năng lượng tái tạo; do đó trong ít nhất 10 năm tới, 2 quốc gia sẽ còn rất nhiều cơ hội để hợp tác, phát triển.
Khi xuất khẩu sản phẩm sang Ý, chủ tịch ICHAM cũng nhấn mạnh các doanh nghiệp cần để tâm vào chất lượng và luôn phải đặt lên hàng đầu do thị trường ở đây cạnh tranh rất mạnh. Thông qua các sự kiện, hội thảo, doanh nghiệp Ý sẽ gặp gỡ, trao đổi và giúp đỡ các doanh nghiệp Việt Nam, từ đó mở ra cơ hội hợp tác lâu dài giữa 2 khu vực.