Sẵn sàng bảo đảm cung ứng thực phẩm thiết yếu cho các tỉnh phía Nam
Theo báo cáo của Tổ Công tác 970 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với dân số khoảng 10 triệu người, do vậy, nhu cầu lương thực, thực phẩm hằng ngày của Thành phố Hồ Chí Minh là rất lớn so với các tỉnh, thành khác. Trong đó, nhu cầu gạo khoảng 1.980 tấn/ngày, 59.400 tấn/tháng. Rau củ quả cần khoảng 4.200 tấn/ngày, 126.000 tấn/tháng.
Thành phố Hồ Chí Minh tự cung cấp được 10% thịt các loại và dưới 5% trứng. Trước dịch COVID-19, nhu cầu hằng ngày của thành phố cần khoảng 1,6 nghìn tấn thịt các loại. Trong đó, thịt heo 755 tấn/ngày, 22.650 tấn/tháng; thịt gà 660 tấn/ngày, 19.800 tấn/tháng; thịt trâu bò 185 tấn/ngày, 5.550 tấn/tháng; trứng gia cầm 2,2 triệu quả trứng/ngày, 66 triệu quả/tháng.
Người dân TP.HCM mua thực phẩm tại siêu thị ngày 22-8 (ảnh VOV)
Do hiện nay các chợ đầu mối, chợ truyền thống ngưng hoạt động, các cơ sở giết mổ chế biến sản phẩm từ thịt cũng giảm công suất, cư dân các tỉnh hồi hương… nên nhu cầu tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi giảm mạnh. Cụ thể, thịt lợn giảm 37%, thịt gà giảm 28%, thịt bò giảm 56%, trứng gia cầm giảm khoảng 20%. Hiện mỗi ngày thành phố tiêu thụ 1.032 tấn thịt các loại, trong đó gồm: 475,7 tấn thịt lợn, 475,2 tấn thịt gà, 81,4 tấn thịt trâu bò và 1,8 – 2 triệu quả trứng.
Bên cạnh đó, đối với tỉnh Đồng Nai, theo Tổ Công tác 970, nhu cầu về lương thực, thực phẩm toàn tỉnh cần khoảng 550 tấn gạo/ngày, 16.740 tấn/tháng; rau cần khoảng 775 tấn/ngày, 23.250 tấn/tháng; trái cây cần khoảng 470 tấn/ngày, 13.950 tấn/tháng; thịt cá các loại cần khoảng 370 tấn/ngày, 11.160 tấn/tháng; trứng cần 1,55 triệu quả/ngày, 46,5 triệu quả/tháng. Từ nay đến cuối năm, Đồng Nai có thể tự cân đối được nhu cầu những loại lương thực thực phẩm cơ bản.
Đối với tỉnh Bình Dương, nhu cầu về lương thực, thực phẩm toàn tỉnh cần khoảng 540 tấn gạo/ngày, 16.200 tấn/tháng; rau khoảng 670 tấn/ngày, 20.100 tấn/tháng; trái cây khoảng 400 tấn/ngày, 12.000 tấn/tháng. Nhu cầu sản phẩm chăn nuôi hằng ngày khoảng 294 tấn thịt các loại. Với năng lực sản xuất hiện tại, Bình Dương đảm bảo khả năng cung ứng thịt các loại nhưng thiếu khoảng 64 nghìn quả trứng gia cầm/ngày.
Trên cơ sở này, Tổ công tác 970 tính toán, tổng nhu cầu của 3 tỉnh, thành (thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương) về gạo cần 92.540 tấn/tháng. Trong khi đó, tổng sản lượng cung ứng gạo sau khi tiêu dùng trong tỉnh của các tỉnh lân cận là 460.000 tấn/tháng, trong đó Long An 230.000 tấn/tháng; Tiền Giang 60.000 tấn/tháng; Trà Vinh 140.000 tấn/tháng.
Với rau, tổng nhu cầu của 3 tỉnh thành cần 169.350 tấn/tháng. Hiện tổng sản lượng cung ứng rau sau khi tiêu dùng trong tỉnh của các tỉnh lân cận là 236.000 tấn/tháng, trong đó Long An 15.000 tấn/tháng; Tiền Giang 51.000 tấn/tháng; Trà Vinh 100.000 tấn/tháng; Vĩnh Long 70.000 tấn/tháng.
Về trái cây các loại bình quân/tháng, Đông Nam Bộ 100 nghìn tấn, Đồng bằng ong Cửu Long 300 nghìn tấn. Tổng sản lượng cây ăn quả đến cuối năm đạt 1,7 triệu tấn, đủ đáp ứng cho tiêu thụ nội địa và cho cả xuất khẩu.
Đối với thịt, tổng nhu cầu 3 tỉnh thành cần 67.900 tấn/tháng. Trong khi đó tổng sản lượng cung ứng thịt của các tỉnh Nam Bộ là 200.000 tấn/tháng, trong đó Đồng Nai 30.000 tấn/tháng (lợn, gà, vịt); Bình Dương 14.000 tấn/tháng (lợn, gà),…
Tổ Công tác 970 cho biết, thực hiện nghiêm giãn cách xã hội tại Thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 23/8 đến 6/9/2021, ngày 21/8/2021, Tổ công tác của Chính phủ đã làm việc với lãnh đạo Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh về việc đảm bảo cung ứng và phân phối cho người dân thành phố trong 15 ngày thực hiện nghiêm giãn cách xã hội.
Chính quyền ‘đi chợ hộ’ cho gần 10 triệu dân
Theo đó Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Thị Thắng vừa ký Văn bản số 2798/KH-UBND về kế hoạch bảo đảm cung ứng hàng hóa thiết yếu, lương thực, thực phẩm trong giai đoạn thành phố thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 86/NQ-CP ngày 6-8-2021 của Chính phủ.
Lực lượng chức năng khử khuẩn trên siêu thị mini di động tại địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.
Trên cơ sở đánh giá nhu cầu tiêu dùng thiết yếu hằng ngày của khoảng 9,4 triệu dân, thành phố dự kiến cung cấp theo nhu cầu tiêu dùng bình quân các mặt hàng thiết yếu của người dân trên địa thành phố. Kể từ 0h ngày 23-8 đến hết ngày 6-9-2021, người dân thành phố sẽ không được đi chợ, việc cung ứng, phân phối hàng hóa cho người dân được thực hiện qua phương thức “đi chợ hộ”.
Đảm bảo chuỗi cung ứng hàng hóa
Theo Báo Tin Tức về vấn đề tổ chức chuỗi cung ứng, đảm bảo lưu thông, vận chuyển hàng hóa lương thực thực phẩm vào thị trường TP Hồ Chí Minh, hiện mạng lưới phân phối trên địa bàn thành phố, gồm: 106 siêu thị, 2.895 cửa hàng tiện lợi, 27 chợ truyền thống đang hoạt động. Hệ thống cung ứng này tiếp tục hoạt động, nâng cao công suất để tổ chức thu mua, vận chuyển hàng hóa lương thực, thực phẩm về thành phố và tăng cường khả năng dự trữ, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng bình quân cho người dân TP Hồ Chí Minh.
Bên cạnh đó, TP Hồ Chí Minh sẽ phát huy cao nhất năng lực của hệ thống phân phối hiện có và kênh cung ứng bổ trợ hàng hóa; đảm bảo lưu thông xuyên suốt từ việc tổ chức thu mua, vận chuyển hàng hóa về thành phố đến tổ chức phân phối cho người dân; không để chuỗi cung ứng hàng hóa lương thực thực phẩm bị đứt gẫy. Bên cạnh đó, đảm bảo cung ứng đầy đủ những mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu cho người dân trên nguyên tắc TP Hồ Chí Minh không để người dân nào bị thiếu đói lương thực thực phẩm.
Phó thủ tướng yêu cầu không kiểm tra xe chở hàng thiết yếu cho vùng dịch
UBND TP Hồ Chí Minh yêu cầu, việc triển khai kế hoạch phải đồng bộ và chủ động cao nhất của thành phố Thủ Đức, quận, huyện, phường, xã, thị trấn; đồng thời huy động nguồn lực từ các cấp, ngành cùng tham gia phân phối hàng hóa thiết yếu cho người dân. Ngành công thương đảm bảo chuỗi cung ứng, lưu thông hàng hóa phải được vận chuyển liên tục, ổn định theo nguyên tắc hệ thống phân phối trên địa bàn, gồm siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ truyền thống. Những doanh nghiệp sản xuất hàng hóa, cửa hàng cung ứng và chế biến lương thực, thực phẩm; doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa lương thực thực phẩm vẫn tiếp tục hoạt động, thực hiện thu mua, vận chuyển hàng hóa từ tỉnh, thành về TP Hồ Chí Minh để tổ chức phân phối cho người dân.
Riêng về đảm bảo lưu thông thông suốt, vận chuyển hàng hóa lương thực thực phẩm vào thị trường TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục phối hợp tỉnh, thành tổ chức phân luồng xanh, triển khai phương án giao thông linh hoạt, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng tổ chức cung ứng hàng hóa.
Đối với người dân khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, trên cơ sở rà soát, UBND quận, huyện, thành phố Thủ Đức phối hợp với Trung tâm tiếp nhận và hỗ trợ hàng hóa thiết yếu cho người dân. Tổ chức cấp phát các túi an sinh miễn phí cho người dân, đảm bảo nguyên tắc không bỏ sót những trường hợp khó khăn.
Với mục tiêu kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn TP Hồ Chí Minh trước ngày 15/9/2021, thành phố triển khai nhiều biện pháp cấp bách, thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố theo tinh thần Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ với phương châm "xây dựng mỗi phường, xã, thị trấn"; "mỗi cơ quan, nhà máy, xí nghiệp là một pháo đài phòng chống dịch" kể từ 0 giờ, ngày 23/8 đến hết ngày 6/9/2021. Do đó, UBND TP Hồ Chí Minh kêu gọi toàn dân đồng hành cùng chính quyền thành phố trong phòng chống dịch bệnh ở giai đoạn hiện nay.
Nguyễn Triệu
Xem thêm: Thành lập các tổ cung ứng hàng hóa địa phương ở TP.HCM