TP HCM: Sản xuất công nghiệp phục hồi mạnh, gần 100% công nhân đã trở lại các doanh nghiệp lớn

Nguyễn Thị Thùy Dung 09:30 | 14/05/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Hồi tháng 3, tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM về kết quả công tác năm 2021, nhiệm vụ trọng tâm năm 2022; Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ từng khẳng định: "TP Hồ Chí Minh phục hồi nhanh không phải chỉ là niềm vui, niềm phấn khởi của Thành phố mà còn là cái mừng của Đảng, Nhà nước và nhân dân cả nước. Mừng đến phát khóc chứ không phải đơn giản đâu".

Theo Chủ tịch Quốc hội, TP Hồ Chí Minh là đầu tàu kinh tế cả nước, đóng góp ngân sách lớn cho cả nước. Do đó, thúc đẩy sự phát triển của Thành phố chính là thúc đẩy sự phát triển cho cả nước. Trong bối cảnh nền kinh tế cả nước phục hồi trở lại từ đại dịch, TP Hồ Chí Minh cũng ghi nhận những tín hiệu phục hồi rất lạc quan trong 4 tháng đầu năm 2022.

Cụ thể, theo thông tin từ Tổng cục Thống kê, hầu hết các doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn Thành phố đã trở lại hoạt động, bảo đảm tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch COVID-19. Theo số liệu mới nhất, số doanh nghiệp trở lại hoạt động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn thành phố đạt trên 90%. Tại các doanh nghiệp lớn, gần 100% công nhân đã trở lại làm việc. Đây cũng là động lực thúc đẩy sản xuất công nghiệp trên địa bàn Thành phố phục hồi. 

“Nhiều doanh nghiệp và nhà bán lẻ trên địa bàn Thành phố đã có kế hoạch phối hợp nhà sản xuất, nhà cung cấp tăng cường lượng hàng thiết yếu để chuẩn bị nguồn hàng phục vụ thị trường. Các doanh nghiệp sản xuất đã đi vào ổn định sản xuất, nhất là các mặt hàng lương thực thực phẩm thiết yếu, may mặc, hóa phẩm, thực phẩm công nghệ… kích cầu tiêu dùng”, báo cáo của Tổng cục Thống kê nêu rõ.

Tình hình doanh nghiệp đăng ký mới trên địa bàn Thành phố 4 tháng đầu năm cũng có sự khởi sắc rõ rệt, với tổng cộng 13.461 doanh nghiệp được cấp giấy phép hoạt động, tăng 15,9% so với cùng kỳ 2021. Số vốn đăng ký đạt 192.217 tỷ đồng, giảm 8,6%. 

Trong đó, khu vực công nghiệp, xây dựng có 2.729 doanh nghiệp được cấp giấy phép hoạt động, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước; vốn đăng ký đạt 44.095 tỷ đồng, giảm 43,7%. Cụ thể, ngành xây dựng có 1.198 doanh nghiệp cấp giấy phép đăng ký với số vốn đạt 10.839 tỷ đồng; ngành công nghiệp có 1.531 doanh nghiệp được cấp giấy phép với số vốn đăng ký đạt 33.255 tỷ đồng.

Về sản xuất công nghiệp, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 4/2022 của TP Hồ Chí Minh ước tăng 2,0% so với tháng trước và tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng mạnh mẽ phản ánh sự phục hồi đáng kể của hoạt động sản xuất công nghiệp tại địa phương sau thời gian dài chịu tác động nặng nề của đại dịch.

Tính chung 4 tháng đầu năm 2022, IIP của TP Hồ Chí Minh tăng 2,6% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, mảng công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 2,0%; sản xuất và phân phối điện tăng 8,5%; cung cấp nước và xử lý rác thải tăng 0,3%.

Đối với ngành công nghiệp cấp II, ước tính 18/30 ngành có chỉ số IIP tăng trong 4 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, một số ngành có mức tăng hai con số bao gồm công nghiệp chế biến, chế tạo khác (tăng 36,7%); sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic (tăng 34,9%); in, sao chép bản ghi các loại (tăng 24,3%); sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu (tăng 18,7%); sản xuất trang phục (tăng 13,7%). 

Ở chiều ngược lại, một số ngành có IIP giảm mạnh so với cùng kỳ có thể kể tới như sản xuất giường, tủ, bàn, ghế (giảm 38,7%); sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc và thiết bị (giảm 27,2%); sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu (giảm 12,7%); sản xuất phương tiện vận tải khác (giảm 10,1%)...

Đối với các sản phẩm công nghiệp chủ yếu, một số sản phẩm ghi nhận mức tăng hai con số trong 4 tháng đầu năm là bao bì đóng gói bằng plastic (tăng 54,6%); đá xây dựng các loại (tăng 18,8%); sắt, thép các loại (tăng 16,5%); quần áo các loại - trừ quần áo thể thao (tăng 11,2%). Trong khi đó, một số sản phẩm công nghiệp giảm so với cùng kỳ năm trước là tivi (giảm 31,5%); sữa hoặc kem đặc có hoặc không có đường (giảm 28,8%); sổ sách, vở, giấy và các sản phẩm bằng giấy chưa phân vào đâu (giảm 23,6%); giày dép thể thao (giảm 10,6%).

Những con số thể hiện sự phục hồi lạc quan, tuy nhiên chưa đồng đều trong khu vực sản xuất công nghiệp tại TP Hồ Chí Minh. 

Trước đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ từng gợi ý Thành phố nên tiếp tục duy trì những động lực hiện có và tìm kiếm những động lực mới để phát triển; đồng thời rà soát chương trình phục hồi kinh tế cho phù hợp với chương trình của Chính phủ. Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Thành phố tích cực đề xuất với các bộ ngành hỗ trợ tối đa cho sự phát triển của địa phương với tinh thần "Thành phố vì cả nước, cùng cả nước thì cả nước cũng vì Thành phố".