Sản xuất nông sản sạch đang “chậm lớn”

08:29 | 20/09/2018 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Chia sẻ tại chức Diễn đàn Chính sách nông nghiệp Việt Nam với chủ đề “Làm gì để phát triển thị trường nông sản sạch?”, TS. Nguyễn Thị Hồng Minh, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm Minh bạch cho rằng sản xuất nông sản sạch còn đang “chậm lớn”, tiêu thụ vẫn chật vật tìm nguồn sạch và đa số người tiêu dùng khó tiếp cận sản phẩm này.

Sản xuất nông sản sạch đang “chậm lớn” - ảnh 1
Toàn cảnh Diễn đàn Chính sách nông nghiệp Việt Nam số 9  với chủ đề “Làm gì để phát triển thị trường nông sản sạch?”. (Ảnh: DNVN/Nhật Minh).
Sáng 19/9, Liên minh Nông nghiệp phối hợp với Tổ chức Oxfam tại Việt Nam tổ chức Diễn đàn Chính sách nông nghiệp Việt Nam số 9  với chủ đề “Làm gì để phát triển thị trường nông sản sạch?”.

Diễn đàn có sự góp mặt của các chuyên gia, các nhà hoạch định chính sách và đại diện các doanh nghiệp trong lĩnh nông nghiệp nhằm phản ánh thực trạng hiện nay của sản xuất nông nghiệp sạch cũng như đưa ra những khuyến nghị chính sách phát triển chuỗi nông sản sạch.

Tiềm năng lớn nhưng tiếp cận tới 30 năm vẫn… chưa biết nhiều

Thẳng thắn chia sẻ tại Diễn đàn, TSKH. Hà Phúc Mịch, Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam cho rằng nông nghiệp hữu cơ ở nước ta được biết đến vào đầu năm 1990 do các tổ chức phi chính phủ đến Việt Nam nghiên cứu và đầu tư như dự án trồng chè hữu cơ tại xã Tức Tranh, huyện Phú Lương (Thái Nguyên), chè Shan Tuyết Bắc Hà (Lào Cai), các dự án trồng rau sạch tại Lương Sơn (Hòa Bình), xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn (Hà Nội), cam ở Hàm Yên (Tuyên Quang)...

Sản xuất nông sản sạch đang “chậm lớn” - ảnh 2
TSKH. Hà Phúc Mịch, Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam trả lời phỏng vấn bên lề Diễn đàn. (Ảnh: DNVN/Nhật Minh).
Các hộ nông dân, cán bộ tham gia dự án đã được các chuyên gia nước ngoài đào tạo về kiến thức và thực hành nông nghiệp hữu cơ. Những mô hình sản xuất hữu cơ và nguồn nhân lực đã được đào tạo vẫn đang còn phát huy tác dụng tiên phong trong phong trào sản xuất hữu cơ hiện nay ở Việt Nam

Diện tích nông nghiệp phục vụ cho sản xuất nông sản hữu cơ hiện nay cũng đã mở rộng nhanh chóng. Nếu cách đây 10 năm, diện tích chỉ khoảng hơn 10.000 ha do các vùng này thuận lợi cho việc khai thác và chưa bị ảnh hưởng bởi các yếu tố hóa học thì đến năm 2015, con số này đã lên hơn 76.000 ha. Sản lượng nông sản hữu cơ cũng tăng 4 lần so với 10 năm trước.

“Xuất phát từ nhu cầu của thị trường và sự chủ động của nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, trên cả nước đã hình thành nhiều mô hình sản xuất - tiêu thụ sản phẩm hữu cơ như: Trác Văn (Hà Nam), Hội An (Đà Nẵng), Đơn Dương (Lâm Đồng), Công ty Ecolink (Lào Cai), công ty Viễn Phú sản xuất lúa - cá (Cà Mau) với diện tích canh tác trên 250 ha...Gần đây đã có một số tỉnh thành có chủ trương thành lập Hội nông nghiệp hữu cơ tỉnh như Khánh Hòa, Bình Thuận, Hòa Bình, Tuyên Quang, Cao Bằng... Trong xây dựng nông thôn mới, một số tỉnh đã đưa nông nghiệp hữu cơ là một nội dung trong phát triển nông nghiệp tăng thu nhập, bảo vệ môi trường như Hà Tĩnh, Tây Ninh...”, TSKH. Hà Phúc Mịch nói.

Ông Mịch cũng cho rằng sản xuất nông sản hữu cơ hiện nay không chỉ dùng cho xuất khẩu và người giàu. Theo khảo sát của Hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam, chỉ tính riêng TPHCM và Hà Nội, nhu cầu sản phẩm hữu cơ rất lớn trong khi nguồn cung chỉ đáp ứng một lượng nhỏ. Vì vậy, thị trường trong nước rất rộng mở. Kinh nghiệm trong và ngoài nước cho thấy nếu sản phẩm hữu cơ được chứng nhận bởi các cơ quan uy tín, cung luôn không đáp ứng đủ cầu.

Dưới góc độ một doanh nghiệp, ông Trần Mạnh Chiến, nhà sáng lập chuỗi cửa hàng nông sản sạch Bác Tôm cho rằng tiềm năng thị trường nông sản hữu cơ rất lớn: “Đi đâu chúng ta cũng nghe mọi người nói về câu chuyện thực phẩm hữu cơ, thực phần an toàn. Trong khi đó, chúng ta mới chỉ đáp ứng 1% nhu cầu thực phẩm hữu cơ, thực phẩm an toàn dưới 10%. Tiềm năng của chúng ta còn 90-99%”.

Tham gia tham luận, TS. Nguyễn Thị Hồng Minh, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm Minh bạch, thành viên Liên minh Nông nghiệp chia sẻ: Trước vấn nạn mất an toàn thực phẩm, đã và đang xuất hiện một số trang trại, doanh nghiệp lựa chọn con đường canh tác theo phương pháp hữu cơ, hoặc canh tác sử dụng hóa chất theo tiêu chuẩn.

Sản xuất nông sản sạch đang “chậm lớn” - ảnh 3
TS. Nguyễn Thị Hồng Minh, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm Minh bạch, thành viên Liên minh Nông nghiệp chia sẻ tại Diễn đàn. (Ảnh: DNVN/Nhật Minh).  
Cụ thể, ở phía tiêu thụ, đã xuất hiện những doanh nghiệp bán lẻ, nhà hàng, nhà xuất khẩu… rất quan tâm đến việc tìm nguồn nông sản sạch an toàn cho con người và cho môi trường để đưa ra thị trường. Về phía cơ quan chức năng, đã ban hành nhiều chính sách để hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nhất là nông nghiệp sạch như Nghị định 98/2018/NĐ-CP khuyến khích hợp tác, liên kết trong sản xuất tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, và gần đây nhất là Nghị định 109/2018/NĐ-CP ngày 29-8-2018 về nông nghiệp hữu cơ.

Tuy nhiên, các khách mời tham luận tại Diễn đàn đều có chung nhận định tiềm năng trên còn chưa được khai thác hiệu quả.

“Người tiêu dùng trong nước chưa biết nhiều và hiểu nhiều về nông nghiệp hữu cơ và sản phẩm hữu cơ, do vậy chưa tồn tại, hình thành thị trường tiêu thụ tại chỗ và chưa khuyến khích các nhà sản xuất chuyển đổi từ nông nghiệp thông thường sang nông nghiệp hữu cơ. Hạ tầng phụ trợ như chứng nhận, xúc tiến thương mại, cơ chế đầu tư, dịch vụ, cung ứng vật tư cho nông nghiệp hữu cơ hầu như chưa có. Bên cạnh đó, phí chứng nhận sản phẩm hữu cơ của tổ chức quốc tế quá cao, trong khi tiêu chuẩn của Việt Nam mới ban hành các tổ chức chứng nhận trong nước chứng nhận theo tiêu chuẩn Việt Nam đang nhận được sự quan tâm của cả cộng đồng”, theo TSKH. Hà Phúc Mịch.

Cũng theo Chủ tịch Hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam, mặc dù dư địa cho nông sản hữu cơ được đánh giá còn tới 99% nhưng việc sản xuất vẫn gặp nhiều khó khăn về tiếp cận vốn, kỹ thuật và tạo dựng lòng tin cho thị trường. Đó là chưa kể tới, phí chứng nhận sản phẩm hữu cơ của tổ chức quốc tế quá cao đang gây khó cho hoạt động xuất khẩu nông sản sạch.

Giá nông sản hữu hiện cao gấp 3-4 là không thể chấp nhận được        

Trao đổi với các phóng viên, ông Mịch cho rằng giá nông sản hữu cơ hiện cao gấp 3-4 lần sản phẩm thường là không có cơ sở và không thể chấp nhận được.

Ông Mịch giải thích: “Các tổ chức quốc tế tính toán nếu việc sản xuất sản phẩm hữu cơ theo đúng quy trình thì giá bán chỉ cao hơn so với mặt bằng các sản phẩm nông sản thông thường 15-30%, cao nhất cũng chỉ 50%. Bên cạnh đó, đặc thù của ngành là sử dụng phân bón hữu cơ được sản xuất từ nguyên liệu có sẵn ở địa phương. Kèm theo đó, các hộ sử dụng các biện pháp sinh học, thảo mộc để trừ sâu nên chi phí rẻ hơn so với việc sản xuất công nghiệp. Mặc dù chi phí lao động lớn nhưng nhưng giá thành cộng gộp không cao hơn so với sản xuất công nghiệp”.

Các khách mời cũng tập trung nói về những khó khăn trong hoạt động sản xuất nông sản sạch hiện nay.

Sản xuất nông sản sạch đang “chậm lớn” - ảnh 4
Các khách mời chia sẻ tại Diễn đàn. (Ảnh: DNVN/Nhật Minh).    
“Nhìn vào những chuyển động ở cả ba bên: sản xuất, tiêu thụ và cơ quan quản lý có thể thấy những tín hiệu tích cực và đáng mừng. Tuy nhiên, sản xuất nông sản sạch còn đang “chậm lớn”, tiêu thụ vẫn chật vật tìm nguồn sạch và đa số người tiêu dùng khó tiếp cận nông sản sạch”, TS. Nguyễn Thị Hồng Minh nhìn thẳng.

Bà Minh cho biết, theo số liệu thống kê từ Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, có đến 85% nông sản tiêu thụ qua các kênh truyền thống là ngoài chợ, shop nhỏ lẻ hay là gánh hàng ven đường; chỉ có 15% còn lại là qua kênh hiện đại như siêu thị hay cửa hàng tiện lợi.

Theo bà Từ Thị Tuyết Nhung, Trưởng Điều phối Hệ thống giám sát và bảo đảm chất lượng được vận dụng trong dự án “Phát triển khung sản xuất và thị trường cho nông nghiệp hữu cơ Việt Nam”, sản xuất nông sản sạch chưa có chính sách cụ thể, thị trường vẫn còn đang "nghi ngại" bởi quy trình đánh giá, quá trình tiêu thụ sản phẩm còn nhiều khó khăn.

"Đây là những vấn đề cốt lõi trong việc phát triển thị trường cho nông sản sạch nói chung và nông sản hữu cơ nói riêng. Nếu không khắc phục căn bản vấn đề này, nông sản sạch khó tiến xa được”, bà Nhung nhấn mạnh.

Cái khó của người sản xuất nông sản hữu cơ, theo ông Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Thành viên Hội đồng Tư vấn Tài chính - Tiền tệ của Chính phủ, thì khâu quản lý của các cơ quan nhà nước nhằm ngăn chặn thực phẩm bẩn và khuyến khích thực phẩm sạch còn nhiều hạn chế.

“Trong một môi trường toàn người sản xuất thực phẩm bẩn, chỉ một người sản xuất thực phẩm sạch thì rất khó sống. Những người làm sai không bị phạt, còn những người làm đúng thì cũng không được thưởng”, ông Nghĩa nói.

Ông Chiến thì cho rằng nhiều người tiêu dùng đã mất niềm tin vào thực phẩm sạch do có nhiều vụ bê bối về thực phẩm bẩn. Trong khi đó, quy mô sản xuất nhiều doanh nghiệp còn nhỏ, chưa chứng minh được với thị trường về sản phẩm của mình.

Nói về những vướng mắc trong khâu sản xuất của bà con nông dân, ông Nguyễn Hoàng Hải, Trưởng Dự án Nông sản sạch, thực phẩm sạch cho hay, bà con đang gặp nhiều khó khăn về vấn đề kỹ thuật trong quá trình sản xuất. Trong khi đó, quá trình đào tạo, tư vấn để việc sản xuất đạt tiêu chuẩn lại có nhiều rào cản. Ngoài ra, vấn đề tiếp cận tài chính của bà con còn nhiều hạn chế. Khi bắt tay vào sản xuất nguồn tài nguyên của họ có hạn, chỉ bao gồm có đất và công, nguồn lực về tài chính lại rất ít, trong khi để làm mô hình sản xuất hữu cơ đúng lại rất tốn kém.

“Thực ra hiện nay đã có nghị định và quy định về vấn đề này nhưng thực tế nguồn hỗ trợ thực sự tới tay bà con vẫn còn là khoảng cách. Ngay cả đối vối các start-up trong nông nghiệp hữu cơ cũng “kêu” khó vì vấn đề vay vốn do đây được xem là lĩnh vực nhiều rủi ro do yếu tố thời tiết ”, ông Hải chia sẻ.

Nhận định này được ông Chiến đồng tình: “Hiện tại, chúng tôi không tập trung vào vay vốn vì đây là lĩnh vực rủi ro, chúng tôi chỉ tập trung kêu gọi cổ đông - những người cùng chia sẻ lợi nhuận và rủi ro cùng công ty”.

Không chỉ sớm triển khai Nghị định 109 mà các địa phương cần có thêm chính sách ưu tiên

Sản xuất nông sản sạch đang “chậm lớn” - ảnh 5
Nguồn: Internet. 
 Để phát triển chuỗi giá trị cho nông sản sạch, TSKH. Hà Phúc Mịch cho rằng, UBND các tỉnh, thành phố cả nước cần sớm triển khai Nghị định 109/2018/NĐ-CP Nông nghiệp hữu cơ đưa vào thực tiễn địa phương.

Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần ban hành thêm các chính sách ưu tiên của tỉnh cho phát triển nông nghiệp hữu cơ theo hướng chủ động và cụ thể hơn trong phát triển hữu cơ tại địa phương như hỗ trợ: sản xuất phân bón hữu cơ; giống cây trồng, vật nuôi hữu cơ; phân bón, thức ăn hữu cơ.

Đối với các cá nhân, tổ chức tham gia vào chuỗi sản xuất, tiêu thụ và sử dụng sản phẩm hữu cơ, cần định hướng rõ thị trường tiêu thụ sản phẩm hữu cơ, bởi vì mỗi thị trường đều có các yêu cầu về tiêu chuẩn hữu cơ riêng.

Bên cạnh đó, các tổ chức chứng nhận nâng cao trình độ, hiểu biết trong chứng nhận hữu cơ, giữ vững chữ “tâm” với nghề đảm bảo chứng nhận đúng, đủ các nguyên tắc của tiêu chuẩn hữu cơ, minh bạch các hoạt động của tổ chức chứng nhận, khuyến khích người sản xuất theo đúng tiêu chuẩn hữu cơ đã lựa chọn và góp phần làm minh bạch thị trường. Không bao che cho các đơn vị sản xuất chưa đạt chuẩn mà vẫn được chứng nhận, điều này gây méo mó thị trường và mất niềm tin của người tiêu dùng vào sản phẩm hữu cơ có chứng nhận.

Để nông sản sạch chiếm lĩnh thị trường và hướng tới xuất khẩu, các bộ, ngành cần rà soát, đồng thời đề xuất cơ chế, chính sách tạo động lực, khuyến khích người dân, doanh nghiệp liên kết chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn; đầu tư cơ sở hạ tầng; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản sạch và ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao.

“Nếu quy mô sản xuất lớn hơn giá thành sản xuất càng giảm. Bên cạnh đó, khi nhiều doanh nghiệp tham gia vào thị trường, giá nông sản hữu cơ cũng sẽ được hạ xuống do tính cạnh tranh cao”, nhà sáng lập chuỗi cửa hàng nông sản sạch Bác Tôm, ông Trần Mạnh Chiến khuyến nghị.