Sáng kiến chung Việt Nam-Nhật Bản bước vào giai đoạn VII
Chiều 31/7, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, Ủy ban Kinh tế Việt Nam- Nhật Bản (Keidanren) tổ chức cuộc họp cấp cao Ủy ban Hỗn hợp để khởi động giai đoạn VII Sáng kiến chung Việt Nam-Nhật Bản.
Sáng kiến chung Việt Nam-Nhật Bản được khởi xướng từ tháng 4/2003, là sự hợp tác đặc biệt giữa hai Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản. Thông qua việc thiết lập một diễn đàn đối thoại chính sách giữa các nhà đầu tư Nhật Bản với các Bộ, ngành liên quan của Việt Nam, Sáng kiến chung Việt Nam-Nhật Bản góp phần tạo dựng môi trường đầu tư và kinh doanh thông thoáng, minh bạch tại Việt Nam đồng thời đưa ra những khuyến nghị chính sách mang tính xây dựng, làm thông tin tham khảo trong quá trình hoàn thiện luật pháp, chính sách cho các cơ quan chức năng của Việt Nam.
Qua hơn 15 năm, Sáng kiến chung Việt Nam-Nhật Bản đã thực hiện được 6 giai đoạn với tổng số 473 tiểu hạng mục trong Kế hoạch hành động. Tại cuộc họp cấp cao Đánh giá cuối kỳ Sáng kiến chung Việt Nam-Nhật Bản giai đoạn VI diễn ra vào tháng 12/2017, hai bên đã thống nhất tiếp tục triển khai giai đoạn VII Sáng kiến chung Việt Nam-Nhật Bản.
Sau quá trình làm việc tích cực trên tinh thần hợp tác, hai bên Việt Nam và Nhật Bản đã thống nhất nội dung Kế hoạch hành động Sáng kiến chung Việt Nam- Nhật Bản giai đoạn VII bao gồm một số vấn đề tồn tại của giai đoạn VI và một số nội dung mới phía Nhật Bản quan tâm và mong muốn trao đổi với các Bộ, ngành phía Việt Nam. Việc hoàn thành xây dựng kế hoạch hành động đánh dấu sự khởi đầu tốt đẹp của Giai đoạn VII Sáng kiến chung Việt Nam-Nhật Bản. Kế hoạch giai đoạn VII gồm 10 nhóm vấn đề, trong đó 9 nhóm vấn đề đã được thống nhất với dự kiến 65 tiểu hạng mục do phía Nhật Bản đề xuất liên quan đến những vấn đề sau: Những quy định về đầu tư vào Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài trong Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai và pháp luật khác liên quan đến đầu tư kinh doanh; Thúc đẩy công khai thông tin như án lệ, minh bạch hóa chức năng tòa án; các vấn đề về Luật Đất đai và đăng ký bất động sản, công khai thông tin liên quan; cải cách doanh nghiệp nhà nước; cải cách thị trường chứng khoán; thúc đẩy công nghiệp hóa có năng lực cạnh tranh quốc tế (Chính sách phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ); lao động và tiền lương; khung chính sách về mô hình hợp tác công tư (PPP); hoàn thiện hệ thống pháp luật về xây dựng đường ống dẫn khí trong vùng đô thị và vùng ven đô; thành lập công ty và mở chi nhánh trong lĩnh vực dịch vụ.
Nhóm vấn đề thứ 10 về cơ chế trả lời bằng công văn sẽ tiếp tục được hai bên thảo luận về khả năng đưa vào Kế hoạch hành động giai đoạn VII.
Hai bên cũng thống nhất thời gian triển khai giai đoạn VII Sáng kiến chung Việt Nam-Nhật Bản là 17 tháng (từ tháng 8/2018 đến cuối năm 2019). Trong đó, có hai cuộc họp đánh giá giữa kỳ (vào cuối năm 2018 và giữa năm 2019) và một cuộc họp cấp cao để đánh giá kết quả thực hiện Sáng kiến chung Việt Nam-Nhật Bản giai đoạn VII vào cuối năm 2019.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam, hai Chủ tịch Ủy ban Kinh tế Việt Nam-Nhật Bản đã ký kết Biên bản ghi nhớ Sáng kiến chung Việt Nam-Nhật Bản giai đoạn VII.
Thời gian tới, hai bên sẽ tiếp tục nỗ lực hợp tác và tích cực triển khai đúng các cam kết trong nội dung Kế hoạch hành động để mang đến thành công của giai đoạn VII nhằm góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam, hướng tới mục tiêu phát triển và thịnh vượng chung của cả cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản và doanh nghiệp Việt Nam.
Tại buổi tiếp Đoàn công tác của Ủy ban Kinh tế Việt Nam-Nhật Bản thuộc Liên đoàn các tổ chức kinh tế Nhật Bản sang thăm Việt Nam sáng 31/7, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng nhấn mạnh, Sáng kiến chung Việt Nam-Nhật Bản đã giúp duy trì cơ chế đối thoại chính sách giữa các cơ quan của Chính phủ Việt Nam với các doanh nghiệp Nhật Bản, là kênh thông tin hữu hiệu cho các cơ quan chức năng của Việt Nam trong quá trình hoàn thiện luật pháp, chính sách nhằm cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư Việt Nam.