Sắp có gói hỗ trợ khó khăn bởi Covid-19 trị giá 1 tỷ USD với nguyên tắc “có làm mới được hưởng”
Theo đó, Thủ tướng đã yêu cầu người đứng đầu ba Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính và Lao động - Thương binh & xã hội phối hợp nghiên cứu, đề xuất cho phù hợp, hiệu quả.
Được biết, nội dung chính của gói đề xuất lần này tập trung vào việc hỗ trợ người dân thông qua việc làm ngắn hạn, tạm thời với những việc làm không đòi hỏi kỹ năng (lao động phổ thông).
Cụ thể hơn, gói hỗ trợ và kích thích kinh tế đòi hỏi nguồn lực huy động vào khoảng 23.000 tỉ đồng (1 tỉ USD) từ nguồn ngân sách trung ương hoặc một phần từ ngân sách địa phương ở những tỉnh có điều kiện. Gói sẽ phân phát về 10.614 xã, mỗi xã nhận được khoảng 2 tỉ đồng (các mốc nhận về có thể cao hơn cho các xã mới sáp nhập).
Gói kích thích sẽ tập trung vào việc tạo công ăn việc làm cho người dân. Ảnh minh họa, nguồn: Internet
Các địa phương sẽ chú trọng xây dựng danh mục dự án cộng đồng, phúc lợi chung; ước tính ngày công và chi phí với từng dự án; công khai nhu cầu sử dụng nhân lực và mức tiền công… Do đó, có thể coi gói này chủ yếu phục vụ lợi ích cộng đồng và phúc lợi chung khi giải quyết tới 7 nội dung công việc chủ yếu liên quan làm, sửa chữa đường xá; trồng cây xanh, làm đẹp cảnh quan công cộng; công trình nước; tổ chức, sửa chữ nơi vui chơi cho trẻ em hoặc trường học…
Về mức tiền công cho các đầu việc sẽ được trả theo ngày, mức lương ngày theo lương tối thiểu vùng (vùng 2 hiện nay khoảng 150.000 đồng/ngày).
Dự kiến 70% ngân sách sẽ chi trả trực tiếp cho người lao động, không chi quá 30% cho các danh mục còn lại như: mua nguyên vật liệu và công tác quản lý.
Thời gian hỗ trợ sẽ kéo dài không quá 6 tháng, sẽ có yêu cầu các xã không sử dụng hết phải hoàn trả ngân sách (tạo áp lực để các xã phải thực hiện khẩn trương và không có trục lợi). Chính quyền và các tổ chức đoàn thể, chính trị xã hội tại địa phương, cộng đồng dân cư giám sát quá trình thực hiện gói ngân sách này.
Đơn vị đề xuất đã nêu ra một loạt những lợi ích của gói hỗ trợ lần này.
Đầu tiên, chính sách sẽ nhắm đến người dân bị khó khăn, mất việc làm, mất thu nhập có việc làm đẻ không bị đẩy vào con đường cùng dẫn đến trộm cắp, gây mất an ninh trật tự xã hội.
Thứ hai, việc hỗ trợ người khó khăn bởi dịch COVID-19 theo nguyên tắc “có làm mới được hưởng” sẽ không dẫn đến tranh cãi về việc đối tượng này được hưởng, đối tượng khác không được hưởng như cách hỗ trợ cho không.
Thứ ba, phương án hỗ trợ thông qua phúc lợi kiểu này rất thiết thực. Nó dễ dàng thu hút được người dân tham gia vì được trả công. Việc tổ chức thực hiện công khai, minh bạch và đơn giản nên cộng đồng cùng các tổ chức có thể giám sát dễ dàng, đảm bảo các thủ tục hành chính được cắt giảm, nguồn lực được chi trả đến tay người dân ngay.
Cuối cùng, các khoản tiền trong gói sẽ được bổ ngay vào việc tiêu dùng, lượng người hưởng lợi trực tiếp cao, nhờ đó tạo tâm lý phấn khởi, tích cực trong hoạt động kinh tế.
H.S
Xem thêm: Ngân hàng thế giới hỗ trợ 321 triệu USD để giúp Việt Nam phục hồi kinh tế sau đại dịch