Sáp nhập PGBank vào HDBank - quy mô tín dụng vượt trội
Theo đó, PGBank và HDBank có trách nhiệm thực hiện công bố thông tin cũng như các trách nhiệm của tổ chức tín dụng tham gia sáp nhập theo quy định. Trong thời hạn hai tháng, HDBank gửi Ngân hàng Nhà nước hồ sơ đề nghị chấp thuận sáp nhập theo quy định.
Phương án sáp nhập cũng đã được cổ đông của hai ngân hàng thông qua vào cuối tháng 4 vừa qua. Tỉ lệ hoán đổi dự kiến sẽ là một cổ phiếu PGBank lấy 0,621 cổ phiếu HDBank. Đóng cửa ngày 10/9, cổ phiếu HDB giao dịch tại mức giá 37.000 đồng. Cổ đông lớn nhất của PGBank hiện là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) với tỉ lệ sở hữu 40%, tương đương 120 triệu cổ phiếu.
“Thiên thời, địa lợi, nhân hòa”
Thương vụ sáp nhập PGBank vào HDBank có thể được xem là thời điểm “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”.
Theo đó, việc sáp nhập phù hợp với chủ trương, chính sách của Chính phủ và NHNN về việc chấn chỉnh, sắp xếp và tăng cường hiệu quả các TCTD thông qua các hoạt động sáp nhập và tái cấu trúc hệ thống ngân hàng Việt Nam, đặc biệt là đối với các tổ chức tín dụng lành mạnh thực hiện sáp nhập trên cơ sở tự nguyện như PG Bank và HD Bank.
Đây là một cơ hội để HDBank trở thành một ngân hàng lớn hơn cả về quy mô và tiềm lực tài chính, tăng cường năng lực gánh vác một phần vai trò tái cơ cấu vốn cho các ngành, lĩnh vực quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước, đảm bảo vai trò chủ lực của HDBank trong sự phát triển chung của nền kinh tế-xã hội mà Đảng, Chính phủ và Nhà nước đã tin tưởng giao phó.
Đối với xã hội và Nhà nước: Góp phần làm lành mạnh hóa và tăng hiệu quả của thị trường tài chính Việt Nam; đóng góp thêm cho ngân sách tài chính nhà nước thông qua tài khóa thuế khi khả năng sinh lời của doanh nghiệp được đẩy mạnh; định chế tài chính sau sáp nhập có năng lực tài chính tốt hơn để có thể tiếp tục tham gia và gánh vác nhiệm vụ tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng; đẩy mạnh các hoạt động xã hội tích cực nhờ sự vững mạnh hơn về tài chính và thay đổi về tầm nhìn quản trị.
Đối với cổ đông: Việc sáp nhập sẽ nâng cao khả năng sinh lời từ đó đem lại nhiều giá trị thặng dư cho cổ đông của ngân hàng sau sáp nhập (NHSSN).
Đối với khách hàng: Tất cả các quyền lợi và nghĩa vụ với khách hàng sau sáp nhập được thừa hưởng bởi NHSSN. Với nguồn lực vốn mạnh hơn, NHSSN có thể cung cấp dịch vụ cho khách hàng lớn hơn về quy mô và chất lượng, đặc biệt là khả năng cung ứng vốn ra thị trường cũng được cải thiện. Giao dịch sáp nhập PG Bank vào HDBank cũng sẽ góp phần thắt chặt hơn nữa và nâng tầm mối quan hệ hợp tác giữa các cổ đông lớn của hai Ngân hàng, mang lại lợi ích cho tất cả các bên.
Sự hợp tác chiến lược của các cổ đông lớn sẽ làm hoàn thiện thêm hệ sinh thái khách hàng hiện hữu của HDBank khi có khả năng tiếp cận với thêm khoảng hơn 20 triệu khách hàng cá nhân, gần 2.500 điểm bán lẻ xăng dầu và khoảng 4.000 đại lý của Petrolimex. Tiếp tục phát huy những dịch vụ PG Bank có lợi thế nhưng do hạn chế về quy mô, mạng lưới nên chưa khai thác hết tiềm năng, thế mạnh của Petrolimex như triển khai các dịch vụ tài chính, ngân hàng tại hệ thống bán lẻ của Petrolimex, tiếp tục duy trì vị trí hàng đầu về hoạt động kinh doanh ngoại hối, phái sinh hàng hóa và dịch vụ thẻ.
Về phía Petrolimex, thông qua sự hợp tác này cũng cho phép Công ty cổ phần nhiên liệu bay Petrolimex (PA) là đơn vị thành viên của Petrolimex cung cấp toàn bộ nhiên liệu bay đối với Vietjet cho tất cả các chuyến bay trong nước và quốc tế; các đơn vị thành viên khác của Petrolimex như Tổng công ty Bảo hiểm PJICO, Tổng công ty Hóa dầu Petrolimex, Tổng công ty Gas Petrolimex cung cấp sản phẩm dịch vụ cho HDBank và các đơn vị thành viên của các công ty này.
Giúp HDBank mở rộng quy mô tài sản và bán lẻ
HDBank là ngân hàng có kinh nghiệm và năng lực quản trị điều hành trong hoạt động mua bán, sáp nhập. Với HDBank, trong chiến lược ngân hàng bán lẻ, SME và tiêu dùng, hoạt động M&A luôn được xem là chiến lược quan trọng, tăng trưởng nhanh quy mô, mở rộng hệ thống mạng lưới, cơ sở dữ liệu khách hàng.
Năm 2013, HDBank sáp nhập DaiABank và mua lại 100% vốn của công ty tài chính tiêu dùng SGVF (thuộc tập đoàn tài chính Societe Generale Cộng hòa Pháp).
Dự kiến sau sáp nhập HDBank có quy mô vốn điều lệ đạt 15.345 tỷ đồng, sở hữu gần 370 chi nhánh và phòng giao dịch, hơn 15.000 điểm giao dịch tài chính và giới thiệu dịch vụ phủ khắp 63/63 tỉnh thành.
Ngay trong năm 2018, theo kế hoạch của ngân hàng sau sáp nhập, các chỉ số tài chính của HDBank được trù tính sẽ tích cực hơn. Cụ thể, dự kiến tổng tài sản sẽ đạt 267.256 tỷ đồng; tổng dư nợ tín dụng 170.641 tỷ đồng; tổng huy động 245.000 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế tăng lên 4.712 tỷ đồng; hệ số an toàn vốn CAR trên 12%; ROAA đạt 1,3%; ROAE đạt 21,0 %.
Hệ thống mạng lưới sau sáp nhập sẽ có quy mô 89 chi nhánh, 275 phòng giao dịch và 9 quỹ tiết kiệm, một văn phòng đại diện ở Yangon. Trong 3 năm đầu tiên, HDBank sau sáp nhập dự kiến mở thêm 55 chi nhánh và phòng giao dịch.
Với thỏa thuận hợp tác chiến lược, kế hoạch sáp nhập PG Bank vào HDBank sẽ là một bước tiến mới để sớm đạt mục tiêu kế hoạch phát triển đến năm 2021.
Dự kiến ngay trong năm 2018 và các năm tiếp theo, hiệu ứng tích cực từ thỏa thuận hợp tác chiến lược với Petrolimex và nhận sáp nhập PG Bank sẽ giúp HDBank gia tăng mạnh mẽ hiệu quả kinh doanh, mạng lại lợi ích to lớn cho ngân hàng, cổ đông, các đối tác, khách hàng và người lao động.
Ông Nguyễn Hữu Đặng, Tổng giám đốc HDBank, cho biết: "Hoạt động sáp nhập PGBank vào HDBank sẽ tạo ra cơ hội cho HDBank trở thành ngân hàng bán lẻ, SME và tài chính tiêu dùng hàng đầu Việt Nam, đồng thời hoàn thiện thêm hệ sinh thái đặc biệt gồm ngân hàng, hàng không, siêu thị, viễn thông và xăng dầu. Đây cũng là bước tiến mới giúp HDBank sớm thực hiện được kế hoạch phát triển giai đoạn 2017-2021, nhằm gia tăng mạnh mẽ hiệu quả kinh doanh, mang lại lợi ích cho các bên sáp nhập, cổ đông, khách hàng và người lao động, đặc biệt đối với Petrolimex".