ASEAN dẫn đầu châu Á về hoạt động M&A nước ngoài trong nửa đầu năm

Thạch Bình 11:58 | 27/08/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Tại hội thảo trực tuyến mới đây do Ngân hàng Ngoại thương Pháp (Natixis CIB) tổ chức, chuyên gia kinh tế trưởng của ngân hàng này Alicia Garcia Herrero nhấn mạnh, lãi suất tăng cao, rủi ro địa chính trị mở rộng, nguy cơ lạm phát đình trệ gia tăng và hạn chế của dịch bệnh là nguyên nhân khiến cho sự sẵn sàng đầu tư xuyên biên giới suy yếu.

Trong nửa đầu năm nay, tỷ trọng tổng giá trị M&A nước ngoài ở Trung Quốc trong khu vực châu Á đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2006, chỉ còn 13%, trong khi đó ASEAN dẫn đầu với 39%, Ấn Độ đứng thứ 2 đạt 17%.

Xét từ các quốc gia cụ thể, Ấn Độ đạt kết quả tốt nhất ở khu vực châu Á trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài, tổng giá trị M&A đạt 10,3 tỷ USD, Indonesia xếp thứ hai với 8,7 tỷ USD, Singapore và Trung Quốc lần lượt đứng thứ ba và thứ tư.  

Mỹ luôn là nhà đầu tư lớn nhất của châu Á, ngay cả trong bối cảnh lãi suất tăng, Mỹ vẫn duy trì địa vị thống trị trong hoạt động giao dịch M&A ở châu Á. ASEAN và Ấn Độ là ví dụ điển hình, Mỹ chiếm 65% tổng giá trị M&A của hai thị trường này, thậm chí ở các nước phát triển châu Á, tỷ lệ này của Mỹ còn lên đến 82%.

Xét về ngành nghề,  trừ xây dựng cơ sở hạ tầng, số lượng thương vụ M&A của các ngành khác đều sụt giảm. Trong đó, giao dịch trên lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông ghi nhận nhiều nhất, đồng thời chủ yếu tập trung ở ASEAN. Ấn Độ ghi nhận nhiều hoạt động M&A nhất trong lĩnh vực ô tô, trong khi ASEAN là lĩnh vực năng lượng và bất động sản.

Trong nửa đầu năm nay, do các biện pháp kiểm soát theo kiểu “Zero COVID” nghiêm ngặt, kinh tế Trung Quốc tiếp tục xuống dốc nên đã ảnh hưởng đến niềm tin đầu tư. Theo chuyên gia kinh tế cao cấp Từ Kiện Vĩ, phụ trách khu vực Trung Quốc của Natixis CIB, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý III của Trung Quốc cũng không thể phục hồi mạnh, đồng thời dự kiến kết quả cả năm cũng sẽ rất yếu.

Những năm gần đây, hoạt động M&A của Trung Quốc ở nước ngoài thể hiện rõ hai đặc điểm: Một là, kể từ khi bùng phát chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đến nay, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) bắt đầu thẩm tra nghiêm ngặt các giao dịch đến từ Trung Quốc, do đó quy mô bình quân các thương vụ M&A của Trung Quốc ở nước ngoài trở nên nhỏ hơn, các thương vụ giao dịch tương đối lớn cũng chỉ tập trung trên lĩnh vực năng lượng. Hai là, hiện nay Trung Quốc đang tìm cách chuyển đổi công nghệ cao, thị trường tiêu dùng trong nước cũng gần bão hòa, doanh nghiệp tìm cách chuyển đổi đa dạng hóa sản phẩm nên hoạt động M&A ở nước ngoài bắt đầu tập trung vào lĩnh vực công nghiệp của châu Âu và lĩnh vực tiêu dùng, thông tin truyền thông của khu vực châu Á-Thái Bình Dương, cũng như phương diện chuỗi cung ứng.