Sau khi công bố số liệu quý II, các tổ chức quốc tế dự báo ra sao về tăng trưởng GDP nửa cuối năm?

Ngọc Bảo 07:27 | 09/07/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Sau kết quả cao hơn kỳ vọng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất Chính phủ điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm 2024 lên 6,5 - 7% thay vì 6 - 6,5%. Vậy các tổ chức quốc tế có dự báo như thế nào về con số này?

Theo Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý II tăng trưởng tích cực, với tốc độ tăng ước đạt 6,93% so với cùng kỳ năm trước, chỉ thấp hơn tốc độ tăng 7,99% của quý II/2022 trong giai đoạn 2020 - 2024.  Tính chung, GDP 6 tháng đầu năm tăng 6,42%, chỉ thấp hơn tốc độ tăng 6,58% của 6 tháng đầu năm 2022 trong giai đoạn 2020 - 2024.

Bất ngờ so với kỳ vọng

Nhìn nhận kết quả này, ông Jose Vinals, Chủ tịch Tập đoàn Standard Chartered cho biết, với mức tăng trưởng toàn cầu năm nay được dự báo đạt 3%, thì mức GDP tăng 6% của Việt Nam -  cao hơn hầu hết các nền kinh tế khác có thể đạt được là một tín hiệu khả quan.

Đặc biệt, mức tăng trưởng này cũng cao hơn so với các thị trường mới nổi khi các thị trường này dự kiến sẽ tăng trưởng khoảng 4% trong năm nay, trong đó thị trường mới nổi châu Á dự kiến sẽ tăng trưởng 5%.

Vì vậy, ông Jose Vinals khẳng định, ngay cả khi thế giới phức tạp, nền kinh tế Việt Nam năm nay sẽ tốt hơn năm ngoái với mức tăng trưởng GDP là 6%.

“Tôi rất tin tưởng vào triển vọng trung và dài hạn của Việt Nam, cho dù có những rủi bất ổn trong ngắn hạn liên quan đến tỷ giá hối đoái, lạm phát... Điều quan trọng là duy trì tầm nhìn và có những chính sách đúng đắn để tiếp tục đưa Việt Nam trở thành một nền kinh tế phát triển theo hướng xanh và bền vững”, ông Jose Vinals nhìn nhận.

Ông Jose Vinals, Chủ tịch Tập đoàn Standard Chartered. (Nguồn: Nguyễn Ngọc).

Còn theo ông Paulo Medas, Trưởng Đoàn Điều hành IV, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tăng trưởng kinh tế Việt Nam dự báo sẽ phục hồi ở mức gần 6% trong năm 2024 được hỗ trợ bởi cầu bên ngoài tiếp tục mạnh mẽ, đầu tư trực tiếp nước ngoài ổn định và các chính sách nới lỏng hỗ trợ.

“Xuất khẩu đang gia tăng, hoạt động sản xuất đang phục hồi trở lại, đây là những tín hiệu rất tích cực. Chính phủ và ngân hàng nhà nước (NHNN) cũng đưa ra những chính sách hỗ trợ nền kinh tế, và điều này sẽ giúp hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong năm 2024", ông Paulo Medas đánh giá.

Ông Paulo Medas, Trưởng Đoàn Điều hành IV, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). (Nguồn: Nguyễn Ngọc).

Trong Báo cáo tăng trưởng kinh tế Việt Nam của Bộ phận Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu, Ngân hàng UOB nêu rõ, kết quả kinh tế quý II đã gây bất ngờ so với kỳ vọng (6%), khi cả hai lĩnh vực sản xuất và dịch vụ đều hoạt động mạnh mẽ trong quý.

"Với kết quả hoạt động trong quý II cao hơn kỳ vọng của chúng tôi và thị trường cũng như tạo ra tín hiệu tích cực, triển vọng cho năm 2024 vẫn tươi sáng”, báo cáo của UOB kỳ vọng.

Những rủi ro vẫn còn hiện hữu 

 

Ngay sau khi có kết quả tăng trưởng GDP của quý II và 6 tháng đầu năm 2024 tích cực, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề nghị Chính phủ điều chỉnh kịch bản tăng trưởng cả năm lên từ 6,5 - 7% thay vì 6 - 6,5% theo Nghị quyết 01.

Trong đó, Bộ mạnh dạn kiến nghị với Chính phủ đạt mục tiêu phấn đấu cao hơn 7% để có những chỉ đạo quyết liệt hơn, hướng đến mục tiêu này dựa vào các yếu tố tác động gồm xu hướng tăng trưởng tích cực của khu vực và thế giới; đầu tư bao gồm cả đầu tư của khu vực ngoài nhà nước, đặc biệt là đầu tư FDI, đều tăng trưởng tích cực; và các động lực về xuất khẩu đã phục hồi và tỷ lệ các doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu tăng lên nhanh chóng; du lịch phục hồi khá mạnh mẽ.

Ngoài ra, Quốc hội đã thông qua hiệu lực của ba luật rất quan trọng, đó là Luật Đất đai, Luật Bất động sản và Luật Kinh doanh nhà ở. Với các quy định mới thông thoáng hơn và tạo điều kiện hơn, thị trường bất động sản sẽ có tín hiệu khởi sắc trong 6 tháng cuối năm, tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế.

Cùng với đó, Chính phủ rất quyết liệt và yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt 4 địa phương là động lực tăng trưởng của nền kinh tế, phải quyết liệt hơn nữa trong việc thúc đẩy mục tiêu tăng trưởng.

Tuy vậy, UOB cũng lưu ý trong nửa cuối năm kinh tế thế giới có thể sẽ chứng kiến hiệu quả hoạt động trầm lắng hơn, do bị ảnh hưởng bởi cơ sở dữ liệu cao hơn trong nửa cuối năm 2023 cũng như những rủi ro vẫn còn hiện hữu, bao gồm xung đột giữa Nga và Ukraine và ở Trung Đông giữa Israel và Hamas có thể làm gián đoạn các thị trường năng lượng và thương mại toàn cầu.

Song nhờ sự phục hồi của nhu cầu ngành bán dẫn, tăng trưởng ổn định ở Trung Quốc và khu vực Đông Nam Á cũng như khả năng nới lỏng chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương lớn sẽ hỗ trợ cho triển vọng của Việt Nam.

 

“Chúng tôi giữ nguyên dự báo tăng trưởng của Việt Nam ở mức 6,0% cho năm 2024, so với mục tiêu tăng trưởng của Chính phủ là 6,0 - 6,5%” UOB nêu rõ.

Trong khi đó, chuyên gia IMF cho rằng những rủi ro vẫn còn cao như xuất khẩu, động lực chính của nền kinh tế Việt Nam, có thể yếu hơn nếu tăng trưởng toàn cầu không được như kỳ vọng, căng thẳng địa chính trị toàn cầu dai dẳng hoặc tranh chấp thương mại gia tăng.

Ở trong nước, những yếu kém kéo dài của thị trường bất động sản và thị trường trái phiếu doanh nghiệp có thể tác động mạnh hơn dự kiến đến khả năng cấp tín dụng của các ngân hàng, làm phương hại đến tăng trưởng kinh tế cũng như làm suy yếu sự ổn định tài chính.

Với điều kiện tiền tệ nới lỏng, nếu áp lực tỷ giá hối đoái kéo dài lâu hơn, việc này sẽ dẫn đến tác động truyền dẫn lớn hơn đến lạm phát trong nước.

“Do phục hồi kinh tế không đồng đều, các chính sách vẫn mang tính hỗ trợ cao trong năm 2024, nhưng có thể cần phải điều chỉnh để ứng phó với những rủi ro đối với triển vọng kinh tế", ông Paulo Medas nhận định.

Theo ông Micheal Kokalari, Kinh tế trưởng của VinaCapital, kinh tế Việt Nam đã đạt được kết quả tăng trưởng cao hơn kỳ vọng trong nửa đầu năm nhờ động lực chính đến từ sự phục hồi mạnh mẽ trong lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu.

Trong nửa cuối năm, chuyên gia VinaCapital kỳ vọng lĩnh vực sản xuất của Việt Nam sẽ tiếp tục phục hồi khi lượng hàng xuất khẩu của Việt Nam có tốc độ tăng cao hơn so với tốc độ tăng của sản xuất có nghĩa là lượng hàng tồn kho của các nhà sản xuất sẽ có xu hướng giảm. Điều này cũng đồng nghĩa với việc hoạt động sản xuất sẽ phục hồi vào nửa cuối năm.

Bên cạnh đó, việc tăng lương cơ sở thêm 30% cũng sẽ là yếu tố thúc đẩy sự phục hồi tiêu dùng. Ngoài ra, VinaCapital cũng kỳ vọng chi tiêu đầu tư công vẫn sẽ tiếp tục tăng trong nửa cuối năm 2024.

"Chúng tôi vẫn giữ nguyên mức kỳ vọng tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2024 ở mức 6,5%", ông Micheal Kokalari nêu rõ".