Sau mùa Euro, so kè bức tranh kinh doanh quý II của hai 'đại gia' Bia Hà Nội - Bia Sài Gòn
KQKD hai 'đại gia' bia rượu có tín hiệu khởi sắc trong quý II
Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Bia Hà Nội - Habeco, mã: BHN) trong BCTC quý II ghi nhận doanh thu thuần tăng khoảng 11% so với cùng kỳ, lên 2.306 tỷ đồng, chủ yếu là doanh thu cung cấp thành phẩm, hàng hóa với hơn 2.264 tỷ. Biên lãi cải thiện từ 26% lên 28%.
Khấu trừ chi phí, Bia Hà Nội lãi trước thuế 221 tỷ đồng, giảm nhẹ 4% so với cùng kỳ nhưng cải thiện đáng kể so với mức lỗ 13 tỷ trong quý I. Lợi nhuận sau thuế đạt 172 tỷ, giảm 9% so với quý II/2023, qua đó chấm dứt chuỗi 3 quý liên tục lợi nhuận đi xuống (so với quý liền trước).
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, doanh thu thuần của Bia Hà Nội đạt 3.614 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 151 tỷ đồng, giảm 18% so với cùng kỳ.
Trong khi đó, tại Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Bia Sài Gòn - Sabeco, mã: SAB), kết quả kinh doanh quý II cũng ghi nhận tín hiệu tích cực. Doanh thu thuần quý II của SAB giảm gần 3% so với cùng kỳ, đạt 8.100 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế đạt 1.319 tỷ, tăng gần 14%. Đây là quý thứ hai liên tiếp doanh nghiệp báo lãi tăng trưởng sau chuỗi suy giảm và cũng là mức cao nhất trong 7 quý qua kể từ quý IV/2022.
Luỹ kế 6 tháng, Bia Sài Gòn đạt 15.270 tỷ đồng doanh thu thuần, lãi ròng 2.246 tỷ; tăng lần lượt 5% và gần 6% so với nửa đầu năm ngoái trong bối cảnh nền kinh tế được cải thiện. Doanh nghiệp đã thực hiện được 44% chỉ tiêu doanh thu và 52% mục tiêu lợi nhuận năm.
Theo Bia Sài Gòn, trong khi cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài vẫn diễn ra gay gắt, SAB tiếp tục thắt chặt chi phí quảng cáo khuyến mại trong nửa đầu năm, thay vì chi nhiều hơn đối thủ cạnh tranh. Trong 6 tháng, khoản chi này đã giảm 16% so với cùng kỳ, còn 1.031 tỷ, tuy nhiên, đây cũng là yếu tố hỗ trợ tăng trưởng lợi nhuận.
Quý II cũng là thời điểm có nắng nóng gay gắt, nhu cầu sử dụng bia có xu hướng cao hơn so với các quý khác. Bên cạnh đó, năm nay có thêm sự kiện Giải vô địch bóng đá châu Âu EURO. Đây có thể là 2 nguyên nhân giúp lợi nhuận của Bia Hà Nội và Bia Sài Gòn tăng cao.
Theo Ban lãnh đạo Habeco, vấn đề sức mua yếu và những ảnh hưởng từ sự hồi phục chậm của nền kinh tế vẫn ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp bán lẻ; rủi ro lạm phát, chi phí vận hành cao, lượng hàng tồn kho lớn tiếp tục là những áp lực đối với các doanh nghiệp. Những yếu tố này sẽ tạo nên thách thức không nhỏ đối với hoạt động sản xuất kinh doanh.
Trong một góc nhìn tích cực hơn, Bia Sài Gòn nhận định vẫn còn cơ hội cho ngành rượu bia khi Việt Nam đứng trước các cơ hội lớn như cơ cấu dân số vàng, thu nhập tăng nhanh, khả năng phục hồi cũng như cân nhắc sự thắt chặt của các công cụ chính sách, đồng thời là các dự báo về kinh tế thế giới trong 2024.
Ba lĩnh vực trọng yếu được ông lớn này tập trung là tối ưu hoạt động thương mại, hiệu quả chuỗi cung ứng và ESG (Environment – môi trường, Social – xã hội và Governance – quản trị doanh nghiệp) vẫn tiếp tục là mục tiêu trụ cột để giúp công ty đạt được mục tiêu kỳ vọng.
Tiền nhàn rỗi chiếm phần lớn cơ cấu tài sản
Một điểm chung giữa Bia Hà Nội và Bia Sài Gòn là đều có lượng tiền nhàn rỗi lớn trong cơ cấu tài sản. Tại thời điểm 30/6/2024, tổng tài sản hợp nhất của Bia Hà Nội tăng 125 tỷ so với đầu năm, lên 7.275 tỷ đồng. Trong đó, lượng tiền mặt và tiền gửi các kỳ hạn đạt 4.250 tỷ đồng, tương đương 58% tổng tài sản. Lượng tiền gửi và tiền cho vay đã mang về cho BHN gần 76 tỷ đồng trong nửa đầu năm.
Tổng tài sản của Sabeco đạt 34.154 tỷ tính đến hết quý II. Trong đó, khoản mục tiền, tiền gửi ngân hàng vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất với 68% trong cơ cấu tài sản với giá trị hơn 23.000 tỷ đồng. Khoản tiền lớn gửi ngân hàng này đã giúp công ty bia thu về 533 tỷ lãi tiền gửi trong nửa đầu năm.
2 doanh nghiệp này cũng có số nợ vay tài chính khá thấp trong tổng nợ phải trả.
Tại Bia Hà Nội, nợ phải trả tăng 19% so với đầu năm lên 2.188 tỷ đồng so với hồi đầu năm, trong đó nợ vay chỉ chiếm 58 tỷ, phần lớn nợ nằm ở khoản phải trả khác như cổ tức phải trả cho cổ đông (420 tỷ), nhận ký quỹ ký cược ngắn – dài hạn (152 tỷ - 112 tỷ).
Vốn chủ sở hữu đạt 5.088 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận sau thuế chưa phân phối còn hơn 556 tỷ.
Còn tại Bia Sài Gòn, trong số hơn 9.000 tỷ nợ phải trả thì vay và nợ thuê tài chính hơn 600 tỷ, chiếm chưa đến 7% tổng nợ. Số nợ tăng chủ yếu trong kỳ đến từ cổ tức. Dự kiến, SAB sẽ hoàn tất chi hơn 2.565 tỷ đồng trả cổ tức đợt 2/2023 với tỷ lệ 20% bằng tiền từ ngày 31/7, theo danh sách chốt ngày 5/7/2024.
Tìm hướng đi mới khi thị trường còn nhiều khó khăn
Theo phân tích của CTCK Maybank Investment bank (MSVN), ghi nhận thị trường cho thấy bia ít cồn và không cồn đang gia tăng đà tăng trưởng tại Việt Nam, từ mức độ thâm nhập còn rất thấp hiện nay. Những công ty lớn đang kết hợp các phân khúc này vào chiến lược của họ, nhận thấy tác động của việc cân nhắc về sức khỏe và thể chất đối với việc tiêu thụ rượu. Đáng chú ý, theo MSVN, thế hệ Millennials, những người thích bia hơn các loại đồ uống có cồn khác, tìm kiếm những lựa chọn lành mạnh và ít calo.
Mặc dù doanh số bán bia ít và không cồn ở Việt Nam hiện còn khiêm tốn, nhưng điều quan trọng là phải thừa nhận tiềm năng của phân khúc này, vì 10% số người tham gia khảo sát gần đây cho biết tiêu thụ thường xuyên và 28% cho biết tiêu thụ hàng tháng.
Cụ thể, nằm trong kế hoạch mở rộng chiến lược, Bia Sài Gòn có kế hoạch mua thêm các công ty con vào năm 2024, bao gồm Sabibeco (SBB VN), nhằm mục đích mở rộng dòng sản phẩm bia không cồn, qua đó góp phần đa dạng hóa danh mục sản phẩm của SAB, MSVN cho biết.
Xu hướng bia ít cồn và không cồn được các chuyên gia nhìn nhận, khá phù hợp với chiến lược lành mạnh hóa sức khỏe trong tiêu dùng, tương tự nhu tiêu thụ đồ ăn, thực phẩm ít đường. Mặt khác, nó cũng giúp hóa giải tác động của Luật DUI, làm hạn chế đáng kể doanh số của SAB và các doanh nghiệp ngành bia trong các dịp lễ, tết, so với trước đây.
Với một hướng đi khác, Bia Hà Nội đang có những hướng đi mới cho xuất khẩu. Theo đó, sản phẩm của doanh nghiệp đã xuất hiện trên quầy kệ siêu thị lớn của Texas (Mỹ) để trưng bày và bán phục vụ cộng đồng trong dịp Noel, đón chào năm mới 2024, khi những lô sản phẩm đã được xuất khẩu trong cuối năm 2023.
Bên cạnh Mỹ, Bia Hà Nội cũng đã khai thác và xuất khẩu sang các thị trường lớn ở châu Âu, châu Á như Anh, Nga, Pháp, Úc, New Zealand, Áo, Bỉ, Nhật Bản, Hàn Quốc…