Ngành bia tìm đường vượt khó

Trang Mai 08:30 | 26/06/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Một trong 6 nhà máy của Heineken Việt Nam đã phải tạm dừng hoạt động trước tác động kép từ Covid-19 và sự thay đổi hành vi liên quan đến quy định nồng độ cồn. Để vượt qua khó khăn, loạt giải pháp cũng đã được doanh nghiệp đưa ra như cắt giảm chi phí, ra mắt sản phẩm mới...

Heineken đóng cửa nhà máy từng đóng ngân sách tỉnh từ 1.000 - 1.200 tỷ đồng.

Báo Quảng Nam đưa tin, công ty TNHH Nhà máy Bia Heineken Việt Nam (Heineken Việt Nam) đã có văn bản gửi cơ quan hữu quan về việc tạm dừng hoạt động dự án nhà máy bia Heineken chi nhánh Quảng Nam.

 Nhà máy Heineken Việt Nam - Quảng Nam. Ảnh:Heineken

Nội dung văn bản cho biết, từ sau giai đoạn COVID-19, ngành kinh tế nói chung, bao gồm ngành bia đã đối diện nhiều thách thức do tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm dẫn đến sụt giảm niềm tin và nhu cầu của người tiêu dùng.

Ngoài ra, việc triển khai Nghị định 100 về kiểm soát nồng độ cồn khi tham gia giao thông cũng dẫn đến những thay đổi trong hành vi và hình thành thói quen mới của người tiêu dùng. Kết quả, thị trường bia Việt Nam đã chứng kiến sự sụt giảm hai con số trong năm 2023 và tiếp tục sụt giảm một con số từ đầu năm đến nay.

Theo Heineken Việt Nam, để có thể thích ứng tình hình hiện tại và tiếp tục phát triển, đơn vị cần tối ưu hóa hoạt động sản xuất, kinh doanh. Do đó, Heineken cần tinh giản hoạt động để tiếp tục đầu tư và phát triển tại thị trường Việt Nam.

Nhà máy Bia Heineken Quảng Nam hoạt động từ năm 2007, chuyên sản xuất các sản phẩm bia Heineken, Tiger, Larue... Đây là nhà máy bia nhỏ nhất về quy mô trong số 6 nhà máy bia của Heineken Việt Nam. “Chúng tôi cần tiếp tục tối ưu hóa với ít nhà máy hơn nhưng mỗi nhà máy lớn hơn về quy mô”, thông báo nêu.

Tại Quảng Nam, trước dịch COVID-19, bình quân mỗi năm Nhà máy Bia Heineken Quảng Nam đóng góp ngân sách tỉnh từ 1.000 - 1.200 tỷ đồng. Tuy nhiên, vài năm gần đây liên tục sụt giảm, riêng 3 tháng đầu năm nay, đóng góp từ Nhà máy Bia Heineken cho ngân sách địa phương này khoảng 20 tỷ đồng.

Heineken Việt Nam là liên doanh giữa Heineken và Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn. Từ nhà máy đầu tiên tại TP HCM năm 1991, công ty hiện có 6 nhà máy với 3.000 nhân viên trên khắp cả nước.

Heineken Việt Nam đang đầu tư 1 tỷ euro tại Việt Nam, tạo ra gần 250.000 việc làm trong toàn bộ chuỗi giá trị, đóng góp 1,04% GDP quốc gia. Heineken Việt Nam cũng nằm trong số các doanh nghiệp đóng góp thuế nhiều nhất cho ngân sách nhà nước nhiều năm liền.

 Heineken đứng đầu ngành bia Việt. Ảnh: VPBankS

Do nhiều nguyên nhân, ngành bia Việt đã phải chứng kiến lượng tiêu thụ sụt giảm chưa từng có, toàn ngành ghi nhận tình trạng giảm 2 con số trong năm 2023 và tiếp tục xu hướng đi xuống trong nửa đầu năm nay. Giám đốc điều hành Heineken, ông Dolf van den Brink từng thừa nhận đã trải qua sự suy giảm 5,6% lượng bán bia trong nửa đầu năm 2023, bởi suy thoái kinh tế ở Việt Nam - một trong những thị trường lớn nhất của Heineken. "Chúng tôi đang phải đối mặt với tình hình suy thoái kinh tế mạnh mẽ tại thị trường quan trọng của chúng tôi, đó là Việt Nam ", ông Dolf nói.

Báo cáo của Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) giữa tháng 4 cũng cho hay, năm 2023 ghi nhận sự “tụt dốc” doanh số của các công ty sản xuất, phân phối mặt hàng đồ uống có cồn, đặc biệt là các doanh nghiệp bia.

“90% thị phần tiêu thụ bia tại Việt Nam hiện nay thuộc về 4 hãng lớn là Heineken, Sabeco, Habeco và Carlsberg. Các doanh nghiệp sản xuất bia cũng đang phải gồng mình trước tỷ giá ngoại tệ, lãi suất biến động khiến giá cả nhiều yếu tố đầu vào và chi phí sản xuất kinh doanh có xu hướng tăng cao. Một số doanh nghiệp đã ghi nhận kết quả kinh doanh âm như AB Inbev khi lỗ 170 tỷ đồng”, văn bản của VBA nhận xét.

Theo ước tính của VBA, ngành bia giảm 11% doanh thu và 23% lợi nhuận trước thuế trong năm 2023. Trước đó, năm 2022, ngành này cũng có mức tăng trưởng âm 7%.

"Năm 2019 là đỉnh cao của ngành đồ uống nói chung và bia nói riêng. Từ năm 2019 trở về trước, trung bình ngành bia tăng trưởng 5% - 6%/năm. Nếu theo tốc độ tăng đó, đến 2022, ngành bia phải tăng 20% so với năm 2019, nhưng thực tế, năm 2021 ngành bia giảm 10% -15%; năm 2022 giảm khoảng 7%”, VBA nhận xét.

Doanh nghiệp tìm đường vượt khó

 Bia Heineken Việt Nam trên kệ một siêu thị tại Hà Nội. Ảnh: Mai Trang

Theo công ty phân tích thị trường Astute Analytica, thị trường bia Việt Nam được định giá khoảng 7,5 tỷ USD vào năm 2023 và dự kiến sẽ đạt 14,15 tỷ USD vào năm 2032 với mức tăng trưởng hàng năm là 7,27%. Do đó, Việt Nam vẫn là thị trường được coi là “tiềm năng” với các hãng bia. 

Tại các cuộc họp ĐHĐCĐ hồi đầu năm, các doanh nghiệp đánh giá ngành đang đứng trước các cơ hội lớn như cơ cấu dân số vàng, thu nhập tăng nhanh, khả năng phục hồi cũng như cân nhắc sự thắt chặt của các công cụ chính sách, đồng thời là các dự báo tốt hơn về kinh tế thế giới trong 2024.

Để thích ứng với bối cảnh hiện tại, nhiều doanh nghiệp rượu, bia đã có sự chuyển dịch trong sản xuất, kinh doanh. Một số hãng nhanh nhạy đã bắt đầu chuyển đổi sang mô hình đồ uống có nồng độ cồn thấp, không cồn hoặc các loại cocktail, bia ít cồn hương vị trái cây. Đơn cử như Heineken với sản phẩm bia 0,0% độ cồn hay thương hiệu Chill cocktail (Công ty Cổ phần Goody Group) với đa dạng các dòng cocktail hoa quả đóng chai. 

Bên cạnh đó, chiến lược về kênh phân phối, sản phẩm hoặc dịch vụ, định giá, chuỗi cung ứng và phân khúc khách hàng được xem là những chiến lược quan trọng nhất trong việc thúc đẩy doanh thu của doanh nghiệp ngành thực phẩm và đồ uống trong thời gian tới.

Hay tại Habeco, với quyết tâm dẫn đầu tại thị trường phía Bắc, Habeco đang tập trung phát triển cả kênh OFF (kênh tiêu dùng gián tiếp), kênh ON (kênh tiêu dùng trực tiếp) và kênh hiện đại (MT). Khai thác tiềm năng kênh thương mại điện tử trở thành kênh kinh doanh và hoàn thiện mô hình phân phối. Cạnh đó, công tác xuất khẩu cũng được Habeco đẩy mạnh khi ngay đầu năm 2024 đã có lô hàng xuất khẩu chính ngạch vào Hoa Kỳ thông qua đối tác MIB Morris International Beverage (USA).