Những doanh nghiệp rượu bia đầu tiên công bố BCTC quý II: ít nhiều tín hiệu khởi sắc so với quý I
Theo báo cáo tài chính quý II vừa công bố, CTCP Bia Sài Gòn - Miền Trung (mã: SMB) báo lợi nhuận sau thuế quý II giảm tới 22% so với cùng kỳ, tuy vậy đã khởi sắc đáng kể so với quý I và gần hoàn thành kế hoạch kinh doanh cả năm 2023.
Cụ thể, SMB ghi nhận doanh thu thuần quý II đạt 367 tỷ đồng, giảm 8% so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn giảm chậm hơn khiến lợi nhuận gộp giảm 17%, xuống còn 102 tỷ đồng, biên lãi gộp co xuống mức 28%.
Trong quý II, doanh thu tài chính tăng 63% lên mức 9 tỷ đồng trong khi chi phí tài chính chỉ hơn 1 tỷ đồng. Chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp lần lượt tăng 3% và 8% lên 19 tỷ và 21 tỷ đồng. Kết quả, SMB ghi nhận 70 tỷ lợi nhuận trước thuế và 56 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, cùng giảm hơn 22% so với cùng kỳ năm trước.
Theo giải trình, SMB cho biết lợi nhuận quý II sụt giảm do sản lượng trong quý vừa qua giảm hơn 6 triệu lít. Bên cạnh việc công ty quản lý mức nguyên vật liệu thì chi phí giá vật tư vẫn tăng so với cùng kỳ phần nào khiến lợi nhuận giảm thêm.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế của SMB đạt 621 tỷ và 89,4 tỷ. So với kế hoạch cả năm 2023 là 1.485 tỷ đồng doanh thu và 90 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, công ty đã hoàn thành 42% mục tiêu doanh thu và tới 99% mục tiêu lợi nhuận sau 6 tháng.
Trong diễn biến mới nhất, doanh nghiệp này cũng vừa thông báo về ngày đăng ký cuối cùng chi trả cổ tức bằng tiền mặt năm 2023.
Theo đó, ngày 18/7, công ty sẽ chốt danh sách cổ đông tạm ứng cổ tức bằng tiền năm 2023 với tỉ lệ 25% (tức mỗi cổ phiếu nhận 2.500 đồng); ngày thanh toán là 28/7. Với hơn 29,8 triệu cổ phiếu đang lưu hành, SMB dự kiến sẽ chi gần 75 tỷ đồng cho đợt trả cổ tức này.
Tính tới cuối năm 2022, SMB có 4 cổ đông lớn nắm giữ 55,46% vốn của công ty. Trong đó, Tổng Công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco; mã: SAB) nắm hơn 9,6 triệu cổ phiếu, tương ứng 32,22% vốn điều lệ. Như vậy, vừa kết thúc quý II/2023, Sabeco chuẩn bị nhận được số tiền trả cổ tức khoảng 24 tỷ đồng đến từ SMB.
CTCP Bia Sài Gòn - Bạc Liêu (mã: SBL) cũng vừa công bố BCTC quý II và 6 tháng đầu năm 2023. Theo đó, riêng trong quý II, SBL đạt 44 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 18% so với cùng kỳ. Giá vốn giảm chậm hơn khiến lãi gộp sụt giảm 30% xuống còn 7 tỷ đồng. Các khoản chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp đều giảm mạnh so với quý II/2022. Kết quả, lợi nhuận sau thuế đạt 3,6 tỷ đồng, giảm 42% so với cùng kỳ năm trước nhưng là mức cao nhất trong 4 quý gần nhất.
Theo giải trình, SBL cho biết lãi quý II giảm so với cùng kỳ năm ngoái do sản lượng sản xuất và giao hàng giảm. Tuy vậy, so sánh với kết quả kinh doanh 4 quý gần đây từ quý III/2022 đến nay, có thể thấy lợi nhuận của SBL đang có sự cải thiện đáng kể.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, tổng doanh thu của SBL đạt 74 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 5,6 tỷ đồng. Với kết quả này, công ty đã hoàn thành 34% kế hoạch doanh thu và 61% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
CTCP Bia Hà Nội - Hải Dương (Habeco HD, mã: HAD) trong báo cáo tài chính quý II vừa công bố cũng cho hay ghi nhận doanh thu thuần gần 63 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ. Trong khi đó, giá vốn tăng mạnh hơn doanh thu khiến lãi gộp giảm 18%. Biên lãi gộp theo đó thu hẹp từ 33,9% cùng kỳ năm trước xuống 26,3% trong quý II năm nay.
Bù lại, doanh thu hoạt động tài chính tăng từ 72 triệu đồng lên gần 433 triệu đồng. Cộng thêm đó, các khoản chi phí nhìn chung đều giảm.
Sau thuế, doanh nghiệp báo lãi hơn 3,7 tỷ đồng, giảm 36% so với cùng kỳ. Giải trình về kết quả này, Công ty cho biết do giá nguyên vật liệu đầu vào tăng nhưng giá bán sản phẩm so với cùng kỳ không tăng dẫn đến lợi nhuận giảm. Dù giảm nhưng đây cũng là quý khởi sắc của doanh nghiệp sau khi quý I báo lỗ tới 213 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của HAD đạt hơn 77 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế hơn 3,4 tỷ đồng, giảm 29%. Năm 2023, HAD đặt mục tiêu tổng doanh thu hơn 188 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hơn 5,6 tỷ đồng. Dù tăng mục tiêu doanh thu nhưng lợi nhuận chỉ bằng hơn một nửa mức thực hiện năm 2022. Đến hết 6 tháng đầu năm, TRC đã thực hiện được khoảng 41% mục tiêu doanh thu và hơn 60% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Trái với tình hình kinh doanh khởi sắc so với quý I của những doanh nghiệp trên đây, tại CTCP Cồn Rượu và Nước Giải Khát Hà Nội (Halico, mã: HNR), tình hình kinh doanh tiếp tục ảm đạm khi quý II/2023 là quý 25 liên tiếp doanh nghiệp này ghi nhận lỗ.
Cụ thể, Halico ghi nhận doanh thu thuần đạt 19,4 tỷ đồng, giảm 38% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, chiếm phần lớn trong cơ cấu doanh thu đến từ việc bán các thành phẩm từ rượu với mức 18,5 tỷ đồng, giảm gần 44%.
Doanh thu tài chính tăng 40% so với quý 2 năm trước, 2,1 tỷ đồng. Các chi phí kỳ nhìn chung đều giảm nhưng sau thuế, Halico vẫn lỗ hơn 2 tỷ đồng, ghi nhận quý thứ 25 kinh doanh âm. Điểm tích cực là mức lỗ đã giảm nhẹ so với mức 2,3 tỷ của cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 6 tháng, Halico tăng mức lỗ lên 3,3 tỷ đồng, giảm lỗ phân nửa so cùng kỳ, nhưng nâng lỗ lũy kế lên 473 tỷ đồng.
Năm 2023, Halico đặt mục tiêu doanh thu thuần hơn 126 tỷ đồng, tăng 14% so với thực hiện 2022. Đồng thời, dự kiến lỗ trước thuế gần 15 tỷ đồng, cải thiện so với khoản lỗ gần 17 tỷ đồng năm trước. Như vậy công ty mới hoàn thành 22% kế hoạch doanh thu năm.
Halico cho biết, trong năm 2023, công ty tiếp tục phải đối mặt với khó khăn và thách thức như giá cả nguyên vật liệu đầu vào tiếp tục tăng cao, dự kiến thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt tiếp tục gây ảnh hưởng lớn đến giá thành sản phẩm và lợi nhuận của công ty. Trong khi đó sức tiêu dùng tại thị trường trong nước sụt giảm mạnh do ảnh hưởng của các đợt Covid kéo dài.
Bên cạnh đó, công ty phải tiếp tục cạnh tranh với các đối thủ là các doanh nghiệp tư nhân, đơn vị cá nhân sản xuất rượu nhỏ lẻ trốn thuế. Thêm vào đó, chủ trương chung của Nhà nước về hạn chế sản xuất và tiêu thụ đồ uống có cồn dẫn đến tổng nhu cầu tiêu thụ trên toàn quốc tiếp tục giảm.
Nhiều chuyên gia nhận định, Nghị định 100/CP quy định về xử phạt với người điều khiển xe máy có sử dụng rượu, bia bị siết chặt tại các thành phố trọng điểm đã giảm đáng kể lượng tiêu thụ ngành bia trong những tháng đầu năm 2023.
Bên cạnh đó, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến lợi nhuận doanh nghiệp ngành này như: bột trợ lọc dự kiến sẽ tăng khoảng 25%, hoa houblon tăng 10%, gạo tăng 4%, đường tăng khoảng 8%. Đặc biệt với malt là nguyên liệu đầu vào chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành sản xuất dự kiến tăng khoảng 60% so với mức giá bình quân thu mua năm 2022.
Tuy nhiên, trước áp lực lạm phát và cắt giảm chi tiêu trong năm nay, nếu có nhu cầu, khách hàng sẽ có xu hướng tiêu dùng loại bia có giá thành rẻ hơn, đây có thể là cơ hội cho doanh nghiệp trong nước. Đồng thời, sự trở lại của khách du lịch và nhu cầu tăng cao trong những dịp lễ cuối năm sẽ phần nào thúc đẩy sự hồi phục của ngành trong thời gian tới.