Sẽ chia hộ kinh doanh thành 4 nhóm doanh thu, áp dụng phương pháp quản lý thuế khác nhau

Thùy Dung 20:48 | 02/07/2025 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
"Trên thực tế, với đối tượng mà Nghị định 70 triển khai, số lượng hộ kinh doanh phải thực hiện ước chỉ có khoảng 1% so với tổng số hộ kinh doanh hiện nay đang quản lý", đại diện cơ quan thuế lần nữa nhấn mạnh.

 

  Ông Mai Sơn, Phó Cục trưởng Cục Thuế, Bộ Tài chính. Ảnh: Bộ Tài chính. 

Chiều 2/7, tại Họp báo thường kỳ quý II/2025 của Bộ Tài chính, ông Mai Sơn, Phó Cục trưởng Cục Thuế, Bộ Tài chính đã thông tin tới báo chí về việc thực hiện sử dụng hoá đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền đối với các các nhân và hộ kinh doanh.

Theo đại diện Cục Thuế, ngày 26/6, Cục đã đăng tải văn bản để lấy ý kiến rộng rãi, trong đó có nội dung liên quan đến đề xuất liên quan đến công tác quản lý thuế đối với hộ kinh doanh từ ngày 1/1/2026 nhằm thực hiện chủ trương của trung ương tại Nghị quyết 68.

Việc bãi bỏ thuế khoán nhằm minh bạch hóa hoạt động kinh doanh, giảm chênh lệch giữa hộ kinh doanh và doanh nghiệp, đồng thời đảm bảo công bằng với người làm công ăn lương. Thực tế, nhiều hộ kinh doanh nhỏ lẻ như hàng quán, chợ truyền thống có doanh thu dưới hoặc chỉ nhỉnh hơn ngưỡng chịu thuế, trong khi vẫn đóng thuế khoán cố định.

Để thay thế thuế khoán, Dự thảo Luật Quản lý thuế dự kiến chia hộ, cá nhân kinh doanh thành 4 nhóm doanh thu, áp dụng phương pháp quản lý khác nhau.

Đó là nhóm có doanh thu dưới 200 triệu đồng/năm không phải nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập doanh nghiệp...

Nhóm có doanh thu từ 200 triệu đến dưới 1 tỷ đồng/năm được khuyến khích và có lộ trình áp dụng hóa đơn điện tử có mã cơ quan thuế hoặc máy tính tiền từ năm 2027-2028; chỉ cần sổ kế toán đơn giản.

Hộ kinh doanh nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng doanh thu từ 1-3 tỷ đồng/năm; thương mại, dịch vụ từ 1–10 tỷ đồng/năm, bắt buộc dùng hóa đơn điện tử, kế toán đơn giản.

Nhóm có doanh thu trên 10 tỷ đồng/năm thực hiện kế toán như doanh nghiệp vừa và nhỏ, bắt buộc hóa đơn điện tử.

Ngoài ra, Cục Thuế đang đề xuất tăng ngưỡng doanh thu không chịu thuế từ 200 triệu lên ít nhất 400 triệu đồng/năm để phù hợp thực tế, đồng thời điều chỉnh tỷ lệ thuế thu nhập cá nhân cho từng nhóm.

Theo Bộ Tài chính, Việt Nam hiện có hơn 5,2 triệu hộ kinh doanh, tạo ra khoảng 8–9 triệu việc làm. Trong đó, có 3,6 triệu hộ đang được quản lý thuế, thu ngân sách gần 26.000 tỷ đồng mỗi năm. Đáng chú ý, thống kê cho thấy có hơn 4.000 hộ kinh doanh doanh thu trên 10 tỷ đồng/năm, riêng 860 hộ đạt doanh thu từ 30 tỷ đồng, 5 hộ có doanh thu trên 200 tỷ đồng/năm, tương đương doanh nghiệp vừa.

Điều này cho thấy dư địa lớn để ngành thuế siết chặt quản lý, khuyến khích minh bạch doanh thu, áp dụng công nghệ số, hạn chế thất thu. Việc thay đổi này sẽ giúp hộ kinh doanh làm quen với hóa đơn điện tử, quản lý thu chi minh bạch, tiết kiệm thời gian và chi phí.

Theo ông Mai Sơn, các nội dung trên mới chỉ là dự kiến, quá trình thực hiện từ nay đến năm 2026, trên cơ sở các ý kiến đóng góp của người nộp thuế, các hiệp hội tư vấn thuế, ý kiến chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền, Cục Thuế sẽ phối hợp với các đơn vị báo cáo cấp có thẩm quyền quy định mức tỷ lệ/thuế suất cũng như phương pháp khai thuế phù hợp với thực tế kinh doanh của hộ, cá nhân kinh doanh.

Ngoài ra, Cục Thuế cũng sẽ tính toán để có sự liên thông giữa Thuế Thu nhập cá nhân và việc quản lý thuế của các cá nhân kinh doanh. Ví dụ như việc Cục thuế sẽ xác định mức giảm trừ gia cảnh của các cá nhân làm công ăn lương theo tỷ suất lợi nhuận của từng ngành hàng để xác định doanh thu tối thiểu.

"Chúng tôi sẽ tiếp thu ý kiến đóng góp để tiếp tục hoàn thiện dự thảo này để khi quy định đi vào hoạt động sẽ giúp thúc đẩy các hoạt động của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh. Cơ quan Nhà nước cũng sẵn sàng hỗ trợ các cá nhân kinh doanh, hộ kinh doanh trong việc việc bỏ thuế khoán," đại diện Cục Thuế nói.

Tại họp báo, đại diện Cục Thuế cũng chia sẻ thêm về vấn đề nhiều hộ kinh doanh còn lúng túng khi Nghị định số 70/2025/NĐ-CP (Nghị định 70) ban hành hồi tháng 3/2025 chính thức có hiệu lực kể từ 1/6/2025.

Cụ thể, theo nội dung Nghị định 70, từ ngày 1/6/2025, ngành thuế triển khai áp dụng hóa đơn điện tử đối với hộ kinh doanh có doanh thu từ 1 tỷ đồng/năm trở lên và thuộc 6 nhóm ngành nghề: hoạt động bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, trong đó có bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ trực tiếp đến người tiêu dùng (trung tâm thương mại; siêu thị; bán lẻ - trừ ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác); ăn uống; nhà hàng; khách sạn; dịch vụ vận tải hành khách, dịch vụ hỗ trợ trực tiếp cho vận tải đường bộ, dịch vụ nghệ thuật, vui chơi, giải trí, hoạt động chiếu phim, dịch vụ phục vụ cá nhân khác.. 

Theo ông Mai Sơn, không phải mới gần đây mà từ năm 2022, cơ quan thuế đã bắt đầu triển khai nội dung này theo hướng khuyến khích các hộ kinh doanh thuộc bốn nhóm ngành hàng bán lẻ, dịch vụ ăn uống, khách sạn lưu trú, dịch vụ giải trí...

Đại diện Cục Thuế cũng làm rõ tại thời điểm tháng 3/2025 khi ban hành Nghị định 70, cơ quan thuế đã có địa chỉ của khoảng 37.000 hộ kinh doanh có doanh thu từ 1 tỷ đồng trở lên. "Trên thực tế, với đối tượng mà Nghị định 70 triển khai, số lượng hộ kinh doanh phải thực hiện ước chỉ có khoảng 1% so với tổng số hộ kinh doanh hiện nay đang quản lý. Nhiều hộ kinh doanh thậm chí đã triển khai từ trước, từ năm 2022 rồi".

Cũng theo ông Mai Sơn, sau khi ban hành Nghị định, Cục quản lý thuế đã tham mưu đề xuất để Bộ Tài chính phối hợp, có văn bản gửi tới UBND các tỉnh thành phố để chỉ đạo các cơ quan trên địa bàn phối hợp với cơ quan thuế triển khai cái nội dung Nghị định. Đồng thời phối hợp với các nhà cung cấp giải pháp, các công ty tư vấn thuế, các công ty kiểm toán, kế toán dịch vụ và tổ chức nhiều hội thảo để làm rõ những vấn đề mà người nộp thuế, hộ kinh doanh thực hiện, ví dụ như chi phí đầu tư và tình hình thực hiện như thế nào.

"Hiện nay, ước tính có khoảng 110 nhà cung cấp giải pháp đang đồng hành cùng với cơ quan thuế để triển khai Nghị định trong tháng vừa qua", đại diện cơ quan thuế thông tin.