Sẽ xây trung tâm tài chính như thế nào với 10 tỷ USD từ Mỹ dự kiến rót vào TP HCM và Đà Nẵng?
Tại tọa đàm "Tạo đột phá để phát triển kinh tế cả nước và TP HCM" do Báo Người Lao động tổ chức ngày 17/2, các chuyên gia đã đề cập đến đề án đầu tư xây dựng trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam tại TP HCM.
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG), cho biết phía nhà đầu tư Mỹ đã cam kết bước đầu, trước mắt họ sẽ đồng ý rót vốn khoảng 10 tỷ USD vào Việt Nam, trong đó 4 tỷ USD ở Đà Nẵng và 6 tỷ USD ở TP HCM để xây dựng trung tâm tài chính quốc tế.
Tại tọa đàm, TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia góp ý 5 nội dung cần làm để xây dựng trung tâm tài chính quốc tế tại TP HCM.
Theo ông, đầu tiên cần thống nhất mường tượng hình hài trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam sẽ như thế nào.
Hiện, chúng ta đang có một số hình dung về trung tâm tài chính nhưng chưa hoàn toàn chính xác. Có người cho rằng đó là một trung tâm tài chính có trụ sở, tòa nhà của khối ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm.
Hình dung thứ hai là một trung tâm về đầu tư, thu hút nhiều nhà đầu tư lớn về khu vực đó. Quan điểm thứ ba là liệu có phải là trung tâm giải trí gắn với casino, du lịch. Hay, trung tâm tài chính quốc tế là tổ hợp của tất cả những thứ trên.
Có lẽ phải làm rõ hơn về hình dung về trung tâm tài chính để có thể xây dựng được.
"Tuy nhiên, đó vẫn là cách tư duy truyền thống vì hiện thế giới tài chính đang thay đổi ghê gớm. Giao dịch số, điện tử, tiền kỹ thuật số, tiền mã hóa,… là xu hướng của 5-10 năm tới, thậm chí là lâu dài. Trong bối cảnh đó, Việt Nam nên định vị mình như thế nào trong thế giới tài chính tiền tệ thay đổi?", ông đặt vấn đề.
Nội dung thứ hai mà TS. Cấn Văn Lực góp ý là về cách tiếp cận. Ông nhấn mạnh cách tiếp cận đột phá nhưng phải kiểm soát được rủi ro.
Thứ ba là điều kiện để hoàn thiện đề án, trình các cấp có thẩm quyền, thuyết phục và khả thi. Theo đó, đề án phải gắn với quy hoạch của thành phố, gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; có được sự đồng thuận chính trị; tăng khả năng chuyển đổi đồng tiền của thị trường; nâng hạng thị trường chứng khoán.
Thứ 4, cần lưu ý, quan tâm đến tính hấp dẫn của trung tâm tài chính quốc tế cũng như khả năng quản lý giao dịch xuyên biên giới, giao dịch số, dữ liệu (trong nước và xuyên biên giới).
Để có được tính đồng thuận chính trị cao hơn, TS. Cấn Văn Lực mong đề án này nên được tham vấn, thảo luận công khai hơn nữa. Những gì là lợi thế, những băn khoăn, thắc mắc cần được giải đáp thỏa đáng.