Sếp Bia Sài Gòn nêu 2 đề xuất liên quan đến thuế TTĐB với đồ uống có cồn
Tại Hội thảo diễn ra sáng 14/11 ở Hà Nội, ông Nguyễn Hoàng Giang - Tổng Giám đốc công ty TNHH MTV Thương mại Bia Sài Gòn (Satraco - thuộc Sabeco), cho biết hiện công ty đang khai thác 26 nhà máy ở nhiều tỉnh thành và đóng góp vào ngân sách của nhiều địa phương.
Tuy nhiên, theo ông Giang, trong thời gian qua, Bia Sài Gòn đã trải qua hành trình “rất chật vật” để ra khỏi COVID-19. Sau đó lại chịu tác động của hậu COVID-19. Song song, công ty liên tục đối mặt với gián đoạn chuỗi cung ứng do những biến động chính trị, chiến tranh xung đột làm cho giá nguyên liệu đầu vào tăng.
“Trước thực trạng đó, chúng tôi lại đối diện với chính sách thực thi nghị định 100 của Chính phủ rất chặt, làm rất nghiêm. Cái này đang làm ảnh hưởng rất mạnh đến sản lượng tiêu thụ của Bia Sài Gòn”, ông Giang nói.
Vị Tổng giám đốc chia sẻ rằng có thể cảm nhận trực tiếp ảnh hưởng này. Nếu lùi về năm 2019, những nguồn bán được đến hiện tại cũng gần như rất khó bán. Theo ông, ảnh hưởng không chỉ ngay trước mắt mà lâu dài còn gây giảm sản lượng.
Ông Giang đánh giá việc áp dụng nghị định này ảnh hưởng tới hành vi tiêu dùng, thay đổi thói quen tiêu dùng của người tiêu dùng Việt Nam. Điều này về lâu dài làm sản lượng tiêu thụ rượu bia và đồ uống có cồn ở Việt Nam giảm mạnh.
Ngoài ra, ông Giang cho biết bản thân “thực sự lo ngại cho ngành bia và các doanh nghiệp” trước việc áp dụng dự thảo sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có cồn đang được nhà chức trách xem xét.
“Vì sao? Thứ nhất với những doanh nghiệp chính thống như Bia Sài Gòn, nếu tăng thuế giá trị gia tăng thì người tiêu dùng sẽ tìm đến sản phẩm khác, phân khúc thấp hơn hoặc chất lượng kém hơn.
Thứ hai, khi sản lượng bán không nhiều thì hệ thống các nhà máy của chúng tôi hoặc cầm chừng hoặc thậm chí phải đối diện với đóng cửa. Hiện nay có một số nhà máy trong hệ thống của chúng tôi đã chuyển sang sản xuất cầm chừng rất nhiều, và phải giảm người lao động. Điều này ảnh hưởng tới an sinh xã hội, ảnh hưởng tới rất nhiều yếu tố khác”, phía đại diện Bia Sài Gòn đưa lý do.
Người đứng đầu doanh nghiệp nói, ngoài sản xuất bia, những ngành phụ trợ cho Bia Sài Gòn cũng là những ngành sản xuất rất lớn. “Nếu tăng thuế với đề xuất hiện nay thì rõ ràng sẽ có những hệ luỵ trực tiếp đến nhà sản xuất”, ông nói.
Do đó, ông Giang đề nghị hai điểm: Cân nhắc lùi thời gian áp dụng thuế và thứ hai là nghiên cứu lại mức tăng sao cho hợp lý, hài hoà giữa thu thuế, doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Cũng tại sự kiện, cùng quan điểm với ông Giang, ông Nguyễn Thanh Phúc - Giám đốc Quan hệ Đối ngoại công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Việt Nam (Heineken Việt Nam), dẫn báo cáo nghiên cứu thị trường cho thấy thương mại bất hợp pháp ngành đồ uống có cồn gây thất thoát 11.000 tỷ đồng khi người tiêu dùng chuyển sang dùng những sản phẩm giá rẻ không rõ nguồn gốc.
Ông Thanh Phúc nói: “Bản thân các doanh nghiệp vốn chịu chi phí đầu vào cao từ nguyên vật liệu, vận chuyển,… nếu tăng thuế thì chi phí bán càng tăng lên, giá bán tăng. Chi phí bán tăng vượt ngưỡng của nhà đầu tư thì họ phải cân nhắc.
Thay vì trước đây doanh nghiệp tập trung đầu tư vốn tăng thiết bị, nâng cao công nghệ, nâng cao chất lượng thì nay việc đó bị hạn chế hơn. Tăng thuế cao, giá sản phẩm tăng lên, người tiêu dùng sẽ tính toán điều kiện thu nhập chuyển sang sản phẩm hàng hoá phi thương mại, không đóng thuế, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, rủi ro đến ngân sách nhà nước, thất thoát nguồn thu rất lớn”.
Đại diện Heineken - đơn vị có thị phần số 1 ngành bia Việt Nam cho biết trong năm ngoái, họ tạo ra hơn 335.000 việc làm trực tiếp, và hơn 172.000 việc làm gián tiếp trong toàn chuỗi cung ứng. Trong gián tiếp, riêng lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, ước tính Heineken tạo ra 54.000 việc làm.
Heineken Việt Nam đóng góp tương đương tổng 0,5% GDP của Việt Nam, đóng góp ngân sách chiếm khoảng 2,1% tổng đóng góp ngân sách cho quốc gia tương đương hơn 33.000 tỷ đồng.
Trước đó cuối tháng 6, Heineken Việt Nam cho biết đã tạm dừng hoạt động dự án nhà máy bia chi nhánh Quảng Nam. Nguyên nhân được đưa ra là thị trường bia Việt Nam đã chứng kiến sự sụt giảm hai con số trong năm 2023 và tiếp tục sụt giảm một con số từ đầu năm đến nay. Do đó, “để có thể thích ứng tình hình hiện tại và tiếp tục phát triển, đơn vị cần tối ưu hóa hoạt động sản xuất, kinh doanh. Heineken cần tinh giản hoạt động để tiếp tục đầu tư và phát triển tại thị trường Việt Nam”.
Theo kế hoạch, dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) sẽ được thảo luận và cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa 15 đang diễn ra. Đây là một trong số 13 dự án luật được chính thức cho ý kiến trong kỳ họp quốc hội lần này.