Sếp FPT: Chủ nhà cho thuê mặt bằng có vai trò rất quan trọng với các chuỗi bán lẻ
Vừa qua, xuất hiện với vai trò khách mời trong chương trình CafeTalk số 4: Làm dâu trăm họ, ông Ngô Quốc Bảo – Giám đốc Trải nghiệm khách hàng và Marketing của FPT Retail đã có những chia sẻ về doanh nghiệp trong năm 2021.
Năm 2021 là một năm nhiều biến động với các doanh nghiệp. Dịch bệnh COVID-19 bùng phát trên diện rộng gây ảnh hưởng không nhỏ tới các công ty, trong đó bao gồm FPT Retail. Ông Bảo cho biết FPT Retail hiện tại được coi là may mắn khi đã thích ứng an toàn với dịch bệnh, mọi hoạt động kinh doanh về cơ bản đã trở lại bình thường.
"Giống như nhiều nơi khác, trong những tháng đỉnh dịch, công ty của chúng tôi cũng ghi nhận nhiều ca F0. Rất may là không có ca F0 nào gặp phải tình huống xấu nhất. Chính vì vậy, tình hình kinh doanh cơ bản chúng tôi đánh giá tương đối thành công", ông Bảo chia sẻ.
Trong dịch, mặt bằng đã trở thành vấn đề với nhiều ông lớn bán lẻ. Theo chia sẻ từ lãnh đạo FPT Retail, đơn vị cũng không tránh khỏi những nỗi lo lắng này.
"Tất cả các chuỗi đều như thế. Không chỉ tiền mặt bằng mà tất cả mọi loại chi phí. Tinh thần chung là làm thế nào, đặc biệt là khi khủng hoảng xảy ra, tiết giảm được càng nhiều chi phí càng tốt.
Tuy nhiên, tinh thần này phải dựa trên cơ sở hợp tình hợp lý, mối quan hệ win – win đi đường dài cùng nhau", ông Bảo chia sẻ.
Trong thời gian đỉnh dịch, FPT Retail đã phải đóng cửa tạm dừng kinh doanh hơn 50% số lượng cửa hàng theo quy định của các cơ quan chức năng. "Nghe đóng cửa thì rất đơn giản, nhưng tiền mặt bằng chúng tôi vẫn phải trả.
Ngoài ra, còn các vấn đề khác như công ăn việc làm cho nhân viên vì chúng tôi có hơn 8.800 người trên toàn quốc. Đấy là một bài toán nghe có vẻ đơn giản nhưng giải quyết rất phức tạp", lãnh đạo FPT Retail cho biết.
Thực chất, các chủ nhà đều biết chi tiết những cửa hàng của FPT Retail phải tạm dừng kinh doanh. "Chúng tôi không thể nói dối là các cửa hàng đóng cửa rồi, mong các anh chị chủ nhà giúp đỡ. Họ biết tất cả những nơi đóng cửa. Thay vào đó, FPT Retail thực hiện trao đổi, thương lượng, tìm sự hỗ trợ từ phía chủ nhà trên cơ sở thông cảm lẫn nhau", ông Bảo nhấn mạnh.
Đồng thời, ông nói thêm rằng đối với FPT Retail, chủ nhà giống như stakeholder (các bên liên quan) cực kỳ quan trọng trong bất kỳ mảng kinh doanh nào, đặc biệt trong mảng bán lẻ.
"Chúng tôi tìm sự thông cảm, có rất nhiều chủ nhà đã đồng ý giảm giá, mặc dù mức giảm có thể nhiều hoặc ít tùy mỗi người. Chúng tôi rất vui mừng về điều này vì chủ nhà cũng chia sẻ với khó khăn của công ty để đi đường dài với nhau", ông Bảo cho biết.
Mức giảm mà FPT Retail được hưởng không được xác định cụ thể. Ví dụ, có những địa điểm FPT Retail vẫn kinh doanh bình thường và doanh số vẫn tăng, nhưng xét trên toàn công ty thì doanh thu vẫn giảm. Thực tế, công ty vẫn nhờ chủ nhà hỗ trợ, nhưng nếu địa điểm đó vẫn kinh doanh được thì chủ nhà sẽ đồng ý mức giảm ít hơn.
Ngược lại, với những địa điểm phải đóng cửa hoàn toàn, chủ nhà đồng ý giảm rất nhiều, thậm chí có những tháng không lấy tiền thuê mặt bằng. Việc giảm chi phí thuê mặt bằng tại FPT Retail không có công thức chung, đồng thời cũng không yêu cầu các giám đốc vùng phải đi nói chuyện theo một công thức chung nào khác.
Trong trường hợp chủ nhà không đồng ý giảm tiền, FPT Retail sẽ xét đến hai tình huống: Thứ nhất là mặt bằng đó có kinh doanh tiếp được hay không, thứ hai là nếu kinh doanh tiếp được và với chi phí như thế, FPT Retail có đủ khả năng chi trả hay không.
"Với bất kỳ chuỗi bán lẻ nào, khi chi phí cao hơn doanh thu, tất cả đều phải cân nhắc chuyển đến địa điểm khác. Nói chính xác hơn là đóng cửa. Rất may mắn FPT Retail không phải đóng bất kỳ cửa hàng nào vì chủ nhà trong mùa dịch.
Chủ nhà rất quan trọng với các chuỗi bán lẻ mặt bằng và bản thân FPT Retail xác định rất biết ơn các chủ nhà. Chúng tôi phải làm hài hòa trong các mối quan hệ, ví dụ như với khách hàng, chủ nhà,,… Nôm na là dựa trên cơ sở win – win ", ông Bảo khẳng định.
Tính đến thời điểm hiện tại, FPT Retail có hơn 700 cửa hàng FPT Shop và 400 cửa hàng Dược phẩm Long Châu trên toàn quốc