Shipper ở TP.HCM sẽ được xét nghiệm miễn phí cho đến hết ngày 15/9

06:00 | 08/09/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
UBND TP HCM đã chấp thuận đề nghị của Sở Công Thương TP HCM về việc gia hạn xét nghiệm nhanh miễn phí cho lực lượng shipper.

UBND TP.HCM cho biết chấp thuận theo báo cáo, đề xuất của Sở Công Thương về việc gia hạn xét nghiệm nhanh, miễn phí COVID-19 cho lực lượng shipper (giao hàng) trên địa bàn TP.

Cụ thể, TP đồng ý gia hạn đến hết ngày 15/9 cho việc tổ chức xét nghiệm nhanh, miễn phí cho lực lượng shipper trên toàn TP quy định tại Công văn số 2925 của UBND TP.HCM về việc lưu thông trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16.

Shipper tại các quận, huyện vùng đỏ phải xét nghiệm mỗi ngày

TP giao Sở Công Thương, Sở Y tế, UBND TP Đức và các quận, huyện cùng đơn vị, cá nhân có liên quan tổ chức thực hiện chỉ đạo này.

Cũng trong ngày 7-9, nhiều shipper than phiền vì gặp khó trong việc đi xét nghiệm COVID-19. Trong đó, nhiều điểm xét nghiệm lưu động tạm ngừng xét nghiệm cho shipper khiến họ không thể làm việc trong ngày hôm nay.

Trao đổi với PV PLO, Grab Việt Nam cho biết đơn vị có nhận được phản ánh của các tài xế. Tuy nhiên, Grab cũng chưa nhận được văn bản, hướng dẫn cụ thể từ cơ quan chức năng.

Trước đó, sáng 30-8, lãnh đạo Sở Công Thương cho hay chủ trương của TP.HCM là xét nghiệm miễn phí cho các shipper, triển khai ngay trong sáng 30-8.

Trước đó UBND TP đã ban hành công văn 2925 ngày 29/8 cho phép các shipper được lưu thông trong phạm vi từng quận, huyện, TP.Thủ Đức và phải có xét nghiệm âm tính. Ông Phạm Đức Hải cho biết, việc xét nghiệm cho các đối tượng shipper được miễn phí 100%, thời gian xét nghiệm từ 5h – 6h sáng tại hơn 400 trạm y tế lưu động và 312 trạm y tế phường xã. "Đội ngũ shipper đang ở địa bàn quận huyện nào thì đến địa điểm xét nghiệm tại quận huyện đó để làm xét nghiệm, Sở Y tế cam kết sẽ cố gắng, đảm bảo phục vụ cho việc xét nghiệm cho tốt", ông Hải nói.

Tiến độ giao hàng đã cải thiện đáng kể

Theo báo Người Lao Động thông tin cho biết thống kê của các quận, huyện, TP Thủ Đức gửi về Sở Công Thương TP HCM trong ngày 2-9 cho thấy sau cao điểm ngày 30-8 với gần 177.000 đơn hàng "đi chợ hộ" được đăng ký, lượng đơn hàng người dân gửi về các lực lượng hỗ trợ ở địa phương đã giảm về mức trung bình của những ngày trước đó, khoảng 90.000 - 100.000 đơn hàng. Tiến độ xử lý, giao hàng đã được cải thiện nhiều trong 2 ngày trở lại đây.

Theo Sở Công Thương, diễn biến trên là hợp lý bởi các hệ thống phân phối bán lẻ đã được tăng cường thêm nhân sự làm việc tại điểm bán lẫn giao hàng; cùng với đó, lực lượng shipper cũng đang tham gia tích cực vào việc vận chuyển hàng hóa từ điểm bán đến khách hàng. "Sau hơn 3 ngày được hoạt động trở lại trong điều kiện có rất nhiều hạn chế, ràng buộc, số lượng shipper tham gia chỉ mới ở quanh mức 10.000 nhưng số đơn hàng vận chuyển cao gấp hàng chục lần.

Nhiều hãng shipper được hoạt động trở lại giúp việc giao hàng, đi chợ hộ cải thiện đáng kể.

Cụ thể, chỉ riêng ngày 1-9 đã vận chuyển được 196.000 đơn hàng, vượt tổng đơn hàng toàn bộ lực lượng "đi chợ hộ" của cả thành phố thực hiện ở thời điểm cao nhất (ngày 30-8 với gần 177.000 đơn hàng). Việc khai thác lực lượng này đã giúp giảm tải rất nhiều cho địa phương trong hoạt động "đi chợ hộ" và đáp ứng kịp thời nhu cầu đa dạng của người dân" - ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, cho biết.

Theo một chuyên gia kinh tế, việc cho phép shipper chuyên nghiệp hoạt động sẽ giúp giảm gánh nặng cho lực lượng địa phương đang "đi chợ hộ" người dân, quan trọng hơn là bảo đảm hàng hóa, thực phẩm đến tay người tiêu dùng kịp thời trong điều kiện "ai ở đâu, ở yên đó". "Thành phố cần xem xét cho phép shipper được hoạt động liên quận để dòng chảy hàng hóa được thông suốt hơn, hàng hóa đến tay người tiêu dùng phong phú, đa dạng hơn" - vị chuyên gia nêu ý kiến.

Cho phép siêu thị, shipper hoạt động từ 6 đến 21 giờ

Sở Công Thương đề xuất UBND TP.HCM cho phép hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng thực phẩm... được mở rộng thời gian hoạt động trở lại từ 6 giờ đến 21 giờ hàng ngày.

Cụ thể, nhằm đảm bảo cung ứng hàng hóa cho người dân trên cơ sở phát huy các hệ thống phân phối hiện có của TP và đội ngũ shipper để phân phối hàng hóa cho người dân được kịp thời, Sở Công Thương đề xuất UBND TP.HCM nghiên cứu cho phép hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng thực phẩm được mở rộng thời gian và phương thức hoạt động trở lại từ 6 giờ đến 21 giờ hàng ngày.

Sở Công Thương TP.HCM đề xuất cho các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng thực phẩm mở cửa từ 6 - 21h hàng ngày.

Đồng thời, cho phép đội ngũ giao nhận hàng hóa hoạt động theo phạm vi một quận, huyện, Thành phố Thủ Đức từ 6 giờ đến 21 giờ hàng ngày tương ứng để hỗ trợ phân phối hàng hóa kịp thời đến người dân.

Theo Sở Công Thương TP.HCM, sau hai tuần triển khai hình thức đi chợ hộ, tính từ ngày 23-8 đến ngày 6-9 tổng số hộ đã đăng ký “đi chợ hộ” là 1.343.656 hộ, chiếm 53,39% tổng số hộ dân sinh sống trên địa bàn.

Thực tế tỷ lệ hộ đăng ký có thể cao hơn, do có khoảng 20% - 30% số hộ thực hiện đăng ký ghép để “mua hộ” cho gia đình và người thân, họ hàng. Tổng số hộ đã được cung ứng hàng hóa là 1.275.708 hộ, tỷ lệ giải quyết đơn hàng đạt 94,9% so với nhu cầu đăng ký.

Sở Công Thương cho biết, các khó khăn trong những ngày đầu triển khai chương trình như việc chuyển chở thực phẩm từ các tỉnh khác về tập kết chậm do thủ tục, thiếu nhân sự trong khâu soạn hàng; giao hàng... đã dần được khắc phục.

Số đơn hàng đăng ký chuyển các hệ thống phân phối đã tăng dần trong những ngày gần đây đã tăng lên 104.178 hộ đăng ký/ngày. Trong khi trong tuần đầu triển khai chương trình đơn hàng bình quân 87.773 hộ đăng ký/ngày.

Bên cạnh đó, năng lực đáp ứng “đi chợ hộ” cho người dân cũng ngày càng tăng lên, tỉ lệ giải quyết đơn hàng kịp thời đạt bình quân 94,9% so với nhu cầu đăng ký. Qua theo dõi số liệu, tỉ lệ đáp ứng tăng kể từ ngày 31-8 trở lại đây.
Sở Công Thương cho biết nắm bắt khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai tại các địa bàn, Sở đã chỉ đạo các hệ thống phân phối chủ động dự trữ, tăng cường nguồn hàng cung ứng lương thực thực phẩm (LTTP).

Đồng thời bố trí bổ sung nhân sự soạn hàng, giao hàng để đáp ứng nhu cầu cơ bản cho người dân. Một số địa bàn như quận 5... đã bổ sung chi viện của lực lượng Thanh niên Xung phong hỗ trợ soạn hàng nên tình hình được cải thiện đáng kể.

Song song với phương thức “đi chợ hộ”, Sở đã triển khai nhiều biện pháp bổ trợ khác, cơ bản đã đáp ứng nhu cầu của người dân.