Siết chặt thị trường sim kích hoạt sẵn: Dấu chấm hết cho 6,8 triệu sim rác?
Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) vừa yêu cầu lực lượng quản lý thị trường các địa phương hỗ trợ triển khai kiểm tra hoạt động mua bán SIM kích hoạt sẵn trên thị trường.
Cục QLTT các địa phương cũng sẽ kiểm tra việc mua, bán, cung cấp sim thuê bao di động cho các cá nhân, tổ chức tại các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông được các doanh nghiệp viễn thông ủy quyền (theo quy định việc bán sim được thực hiện ở ba nơi: Điểm ủy quyền, cửa hàng giao dịch của nhà mạng và điểm bán lưu động của chính nhà mạng).
Theo báo cáo của Bộ TT&TT, hiện ước tính có khoảng 6,8 triệu sim nghi vấn có thông tin không chính xác đang lưu thông (chiếm dưới 5% tổng số thuê bao đang hoạt động).
Ảnh: Dân trí
Đại diện Thanh tra Bộ Thông tin và truyền thông cho biết, tình trạng SIM kích hoạt sẵn hay còn gọi là SIM "rác" vẫn tồn tại bởi nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, do các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông ủy quyền thực chất trước đây là các hộ kinh doanh bán SIM, thẻ cào, điện thoại di động,... được một doanh nghiệp khác thiết lập thành địa điểm kinh doanh trực thuộc.
Ngoài ra, các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông này đã lợi dụng "kẽ hở" của nghị định số 49/2017/NĐ-CP ngày 24/4/2017 của Chính phủ không quy định hạn chế số lượng SIM để đăng ký sử dụng nhiều thuê bao.
Hiện, tổng số thuê bao của 5 doanh nghiệp viễn thông tại Việt Nam là hơn 129 triệu. Trong đó, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) có hơn 31,7 triệu thuê bao, Viettel có hơn 67,4 triệu thuê bao; Mobifone có hơn 26 triệu thuê bao; Vietnamobile có hơn 4,4 triệu thuê bao; công ty CP viễn thông di động toàn cầu Gtel có 229.977 thuê bao.
Trong đợt thanh tra diện rộng thông tin thuê bao di động mới đây, lực lượng chức năng đã xử phạt hành chính tổng cộng 777 triệu, đồng thời tịch thu 6.900 sim được đăng ký thông tin thuê bao, kích hoạt sẵn dịch vụ.
Nhằm hạn chế tình trạng SIM rác và tin nhắn rác gây phiền toái cho người dân, từ ngày 1/6/2020, cả ba nhà mạng lớn tuyên bố chính thức ngừng bán bộ hòa mạng (hay còn gọi là KIT) tại các đại lý ủy quyền. Đặc biệt, các nhà mạng dừng quyền đấu nối số thuê bao (tức kích hoạt SIM của các đại lý) và nhà mạng chỉ tập trung việc bán SIM, đăng ký thông tin thuê bao tại các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông của chính nhà mạng.
Tuy nhiên, theo Pháp luật TP.HCM khi được hỏi về việc vẫn còn tình trạng SIM kích hoạt sẵn bán tràn lan trên thị trường, nhà mạng VinaPhone giải thích đây có thể là những SIM đã được kích hoạt trước ngày 1-6. “Hiện tại chúng tôi đã dừng cung cấp SIM mới cho các đại lý ủy quyền. Song các đại lý vẫn được bán SIM cũ đến hết ngày 31-12-2020” - đại diện VinaPhone giải thích.
Đại diện nhà mạng Viettel, MobiFone cũng thừa nhận dù đã dừng cấp SIM mới qua các kênh ủy quyền và đại lý nhưng trên thị trường vẫn còn số lượng không nhỏ SIM đã cung cấp cho điểm đại lý và ủy quyền trước đó. Mặt khác, dù qua quá trình rà soát, những SIM không đáp ứng theo yêu cầu của Nghị định 49/2017 đã bị khóa nhưng để giải quyết triệt để tình trạng SIM rác cần có hướng dẫn cụ thể từ cơ quan chức năng để có căn cứ thu hồi SIM.
Một điểm bán SIM-thẻ trên phố Kim Mã. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Liên quan đến vấn đề này, đại diện Cục Viễn thông thuộc Bộ TT&TT cho hay vừa qua các nhà mạng đã triển khai biện pháp mạnh hơn nhằm hạn chế SIM rác, trong đó có việc không phát hành SIM mới qua các kênh phân phối nhỏ lẻ. Tuy nhiên, trước đó các đại lý đã có sẵn một số lượng SIM tồn nên trên thị trường vẫn còn SIM để bán. Hiện tại các nhà mạng vẫn đang siết chặt vấn đề này.
“Cục đã yêu cầu các nhà mạng phải rà soát kỹ SIM để tiến hành các biện pháp thu hồi nếu vi phạm. Bên cạnh đó, tiến hành các đợt giám sát nội bộ, giám sát chéo cũng như rà soát trên hệ thống nhằm ngăn chặn SIM rác, thực hiện đúng kế hoạch đã triển khai” - đại diện Cục Viễn thông cho hay.
Ngoài sự vào cuộc của Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Đỗ Đình Rô, Trưởng phòng Thanh tra viễn thông và công nghệ thông tin, Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông cũng chia sẻ về giải pháp phối hợp liên ngành: “Chúng tôi đã kiến nghị Bộ Công Thương chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường phối hợp với các sở thông tin và truyền thông địa phương, kiểm tra, giám sát việc mua, bán SIM trên thị trường”.
Hải Yến