Sốc phản vệ trên nền cơ địa dị ứng non steroid khiến nữ y tá tử vong sau tiêm vaccine COVID19 là gì?

21:46 | 07/05/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Một nữ nhân viên y tế 35 tuổi đang công tác tại Bệnh viện đa khoa khu vực Tân Châu, An Giang đã tử vong do sốc phản vệ sau tiêm chủng vaccine Covid-19 của AstraZeneca.

Tối ngày 7/5, Báo Sức khỏe và Đời sống dẫn nguồn tin từ  Bác sỹ Từ Quốc Tuấn, Giám đốc Sở Y tế An Giang cho biết, ngày 7/5 trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận một trường hợp tử vong do sốc phản vệ sau tiêm chủng vaccine COVID-19 của AstraZeneca.

Người tử vong là nữ nhân viên y tế 35 tuổi đang công tác tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Tân Châu.

Trước khi tiêm vaccine tại điểm tiêm ở Bệnh viện đa khoa khu vực Tân Châu sáng 6/5, nữ nhân viên y tế này đã được khám sàng lọc và giải thích về các phản ứng sau tiêm.

Ca tử vong sau khi tiêm vaccine COVID-19

Nguyên nhân tử vong là sốc phản vệ trên nền cơ địa dị ứng non steroid

Sau khi tiêm, bệnh nhân có phản ứng sốc và đã được Bệnh viện Đa khoa khu vực Tân Châu xử lý theo đúng phác đồ. Bệnh viện Đa khoa khu vực Tân Châu đã kết nối hội chẩn trực tuyến với Bệnh viện Đa khoa tỉnh An Giang và Bệnh viện Chợ Rẫy để kịp thời được tư vấn xử lý.

Ngay sau đó bệnh nhân được chuyển về tới Bệnh viện Đa khoa tỉnh An Giang, Bộ Y tế đã chỉ đạo Bệnh viện Chợ Rẫy cử các chuyên gia hồi sức tích cực đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh An Giang để hỗ trợ cấp cứu. Tuy nhiên, bệnh nhân đã tử vong ngày 7/5/2021.

Theo kết luận của Hội đồng chuyên môn của Sở Y tế An Giang, nguyên nhân dẫn đến tử vong là sốc phản vệ trên nền cơ địa dị ứng non steroid (giảm đau kháng viêm). Đây là trường hợp rất hiếm gặp trong thực tế tiêm chủng vaccine phòng COVID-19.

Theo ThS. BS Phạm Hải Đăng – Khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện TW Quân đội 108): Sốc phản vệ là tai biến dị ứng nghiêm trọng, gây tử vong nếu không được chẩn đoán và xử lý kịp thời. Các triệu chứng xuất hiện nhanh, ngay lập tức hoặc 30 phút sau khi dùng thuốc, thử test, bị ong đốt hoặc sau khi ăn một loại thức ăn lạ. Các đường đưa thuốc vào cơ thể: Tĩnh mạch, tiêm bắp, dưới da, trong da, uống, xông, bôi ngoài da, nhỏ mắt, đặt âm đạo…đều có thể gây sốc phản vệ.

Tuy nhiên, đường tiêm tĩnh mạch là nguy hiểm nhất. Các loại thuốc, nhất là các thuốc kháng sinh là nguyên nhân chính gây sốc phản vệ. Vì vậy, sốc phản vệ là một cấp cứu cần được xử trí nhanh, kịp thời vì dễ dẫn đến tử vong do suy hô hấp cấp và tụt huyết áp.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đã gọi điện chia sẻ nỗi đau mất mát với gia đình, người thân của nữ nhân viên y tế và lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch y tế tỉnh An Giang.

H.A

Xem thêm: Việt Nam đã sẵn sàng thử nghiệm vaccine COVID-19 vào ngày 10/12