'Soi' bức tranh lợi nhuận doanh nghiệp dịch vụ hàng không quý II/2023
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2023, CTCP Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (Sasco - UPCoM: SAS) đạt doanh thu gấp đôi cùng kỳ năm ngoái, nhưng lợi nhuận vẫn đi lùi do chi phí và thuế tăng đáng kể.
Cụ thể, SAS ghi nhận gần 606 tỷ đồng doanh thu trong quý, tăng mạnh 105% so với cùng kỳ (svck) năm trước. Trong đó, doanh thu hàng hoá tại cửa hàng miễn thuế đạt 216 tỷ đồng. Doanh thu hoạt động phòng chờ 133 tỷ. Doanh thu hàng hoá tại trung tâm thương mại và chi nhánh khác là 68 tỷ đồng.
Chi phí tài chính vượt lên gần 1,2 tỷ đồng, không có chi phí lãi vay trong khi cùng kỳ âm 2,8 tỷ đồng và lãi vay hơn 28 triệu đồng.
Các chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp cũng gấp 2,5 lần và 2,3 lần svck lần lượt đạt 204 tỷ đồng và 62 tỷ đồng.
Kết thúc quý II, lãi ròng SAS đạt 74 tỷ đồng, giảm 11,7% so với quý II/2022.
Theo giải trình từ công ty, lãi ròng giảm do chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) hiện hành. Trong quý có khoản lỗ tính thuế năm 2021 chuyển qua năm 2022.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, SAS ghi nhận doanh thu thuần 1.173 tỷ đồng, gấp gần 3 so với cùng kỳ năm 2022. Tổng lợi nhuận trước thuế đạt gần 131 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế tăng 29% lên 110 tỷ đồng.
Năm 2023, SAS đặt mục tiêu doanh thu thuần đạt 2.252 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt gần 274 tỷ đồng, lần lượt tăng 61% và 19% so với kết quả đạt được năm 2022. Với kết quả kinh doanh nửa đầu năm qua, công ty đã hoàn thành 52% chỉ tiêu doanh thu và xấp xỉ 48% kế hoạch lợi nhuận.
Tiếp theo, CTCP Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn (HOSE: SCS) thu về 172 tỷ đồng doanh thu thuần trong quý II, giảm 17,3% svck năm ngoái, lãi ròng giảm khoảng 15% còn 129 tỷ đồng. Tuy chưa phục hồi về mức cùng kỳ 2022, nhưng doanh thu và lãi ròng trong quý này của công ty đã có cải thiện so với quý trước với mức tăng lần lượt là 6,2% và 14,2%.
Trong kỳ, doanh thu và chi phí tài chính đều tăng đáng kể lần lượt 92,3% và 32,4% svck 2022. Chi phí quản lý doanh nghiệp giảm từ gần 15 tỷ đồng xuống 11 tỷ đồng. Công ty không đề cập đến chi phí bán hàng.
Lũy kế 6 tháng, doanh thu thuần của SCS đạt 334 tỷ đồng, giảm 26,4% svck, lãi ròng giảm 28,8% còn 242 tỷ đồng. Như vậy, đã hết nửa năm nhưng SCS mới chỉ hoàn thành 39% doanh thu kế hoạch cả năm 2023.
Công ty chia sẻ, do ảnh hưởng chung về suy giảm nhu cầu hàng hóa kinh tế thế giới và Việt Nam, thông tin từ Cục Hàng không Việt Nam cũng cho thấy tổng thị trường hàng hóa hàng không 6 tháng đầu năm của nước ta ước đạt 483 nghìn tấn, giảm 26% svck, trong đó hàng hóa quốc tế đạt 405 nghìn tấn, giảm 30%; hàng hóa nội địa đạt 77,6 nghìn tấn, tăng 10% cùng kỳ năm ngoái. Từ đó, tổng sản lượng hàng hóa quốc tế trong quý này của SCS giảm 25,2% svck, cũng với doanh thu dịch vụ trong quý giảm 17,4% dẫn đến sự sụt giảm về lợi nhuận của công ty.
Phân tích về thông lượng hàng hóa của SCS, CTCK Vietcap (VCSC) trong báo cáo ngày 24/7 cho rằng thông lượng hàng hóa quốc tế nửa đầu năm 2023 giảm 36% svck năm trước, nhưng tăng 8% so với từng quý trong quý II. Mặc dù thông lượng hàng hóa trong nước tăng 20% cùng kỳ trong nửa đầu năm nay, nhưng không thể bù đắp cho mức giảm của thông lượng hàng hóa quốc tế. Nhóm phân tích kỳ vọng các hoạt động thương mại sẽ dần phục hồi trong thời gian tới, đặc biệt là đối với hàng điện tử xuất khẩu của Việt Nam.
Trước đó, phía CTCK Rồng Việt ở báo cáo ngày 21/7 đã dự báo dự báo sản lượng xuất nhập khẩu của SCS giảm 23% svck trong năm nay, trước khi phục hồi 10% trong năm 2024 khi lạm phát hạ nhiệt và sự đảo chiều trong chính sách tiền tệ của Fed và ECB có thể diễn ra giúp kích thích tiêu dùng.
Phía CTCP Dịch vụ Hàng hóa Nội Bài (HOSE: NCT) cũng ghi nhận doanh thu thuần quý II đạt 155,7 tỷ đồng, giảm 13,8% svck, lãi ròng đạt 50,8 tỷ đồng, giảm nhẹ 5,4% cùng kỳ. So với quý đầu năm nay, 2 chỉ tiêu này có ghi nhận mức tăng lần lượt 3,9% và 12,3%.
Lãi gộp trong quý đạt 79 tỷ đồng, giảm hơn 8% svck. Biên lãi gộp cũng giảm từ 50,9% xuống 47,7% quý này.
Doanh thu tài chính đạt 5,2 tỷ đồng, chi phí tài chính đạt 12 triệu đồng, đều tăng lần lượt 73,3% và 9,09% svck.
Chi phí bán hàng của công ty đạt 1,7 tỷ đồng, giảm 63%, bên cạnh chi phí quản lý doanh nghiệp tăng nhẹ 3,3% đạt 18,5 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, doanh thu thuần của NCT đạt 305 tỷ đồng, giảm gần 18% cùng kỳ năm ngoái, lãi ròng giảm 15,6% xuống 96 tỷ đồng. So với kế hoạch cả năm 2023, công ty đã hoàn thành 45% chỉ tiêu doanh thu và 49% chỉ tiêu lợi nhuận ròng sau 6 tháng.
CTCP Dịch vụ Hàng không Sân bay Đà Nẵng (HNX: MAS) lại ghi nhận kết quả khá tích cực trong quý vừa qua. Cụ thể, doanh thu thuần trong quý của công ty đạt 34,95 tỷ đồng, tăng 37,19% svck, lãi ròng tăng mạnh xấp xỉ 500% lên 1,23 tỷ đồng (so với mức nền thấp cùng kỳ do khó khăn chung sau đại dịch).
Trong kỳ, doanh thu và chi phí hoạt động tài chính đều tăng lần lượt 68,6% và 10,3% cùng kỳ năm ngoái. Các khoản chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp ghi nhận phát sinh thêm svck, tăng lần lượt 54,5% và 27,3%.
Trừ thuế, công ty đạt lãi ròng quý II là 1,23 tỷ đồng, gấp hơn 6 lần cùng kỳ năm ngoái.
Lũy kế 6 tháng, MAS thu về hơn 65 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng gần 57% svck, lãi ròng đạt 1,4 tỷ đồng trong khi cùng kỳ âm 1,4 tỷ đồng.
Ngày 24/7, tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm/ 2023, ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam đánh giá thị trường vận chuyển hàng không nội địa 6 tháng đầu năm 2023 mặc dù giảm nhẹ so cùng kỳ 2021 tuy nhiên vẫn tăng trên 8% so cùng kỳ năm 2019 (thời điểm trước dịch Covid-19).
Cho năm 2023, Cục trưởng đặt chỉ tiêu thận trọng cho thị trường vận tải hàng không năm 2023 đạt xấp xỉ 1,1 triệu tấn hàng hóa (giảm 3% so với năm 2022 và giảm 12% so với cùng thời điểm trước dịch Covid-19 năm 2019).