“Soi” năng lực của liên danh đang xin triển khai dự án tại 1283 Giải Phóng?

15:46 | 03/11/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Mập mờ trong hoạt động cho thuê và sử dụng, chủ đầu tư tại dự án Lakeview Tower Giải Phóng tại 1283 Giải Phóng có thực chất thực hiện theo đúng cam kết, hay là chiêu trò để che giấu những mục đích khác?

Như đã đưa tin trước đó tại bài viết “Ẩn khuất” đằng sau việc ôm đất vàng 1283 Giải Phóng?, lô đất 1283 Giải  Phóng hiện đã được cấp quyền sử dụng cho Công ty CP Bao Bì Việt Nam (tiền thân là Tổng công ty Bao bì Việt Nam) Lô đất này hiện đang được cho các đơn vị khác thuê hàng trăm m2 đất để kinh doanh, điển hình như Cửa hàng Điện máy xanh, Cửa hàng điện máy Trần Anh nhiều năm nay.

Hay mới đây là doanh nghiệp Công ty CP kỹ thuật điện Việt Nam – Đức. Số tiền phải thu từ doanh nghiệp Công ty CP Thế giới số Trần Anh trong năm 2019 là 1 tỷ 611 triệu đồng, đến cuối năm 2019 là 314 triệu đồng. Tuy nhiên đây là hoạt động không đúng với mục đích sử dụng đất của lô đất “vàng” 1283 Giải Phóng.

“Soi” năng lực của liên danh đang xin triển khai dự án tại 1283 Giải Phóng? - ảnh 1

Nhiều "ẩn khuất" đằng sau thương vụ 1283 Giải Phóng

Trong Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên ngày 7/11/2019 thông qua chủ trương phương án đầu tư dự án Lakeview Tower Giải Phóng tại số 1283 Giải Phóng với diện tích khu đất là 3.647,6m2 và tổng mức đầu tư dự kiến là 1200 tỷ đồng. Phía VPC khẳng định vẫn đang tiến hành thủ tục đi xin thực hiện dự án đầu tư này.

Tuy nhiên, phía sau lời khẳng định từ Ban lãnh đạo VPC trước Đại HĐCĐ có phải là sự thật, hay chỉ là nhằm mục đích cho thuê đất vàng thu lợi không đúng quy định và những ẩn khuất phía sau đó?

Trao đổi với Phóng viên, đại diện UBND phường Hoàng Liệt cho biết, lô đất 1283 Giải Phóng trước đây được Tổng công ty Bao Bì thuê thời hạn 50 năm với mục đích làm văn phòng làm việc, cơ sở dịch vụ sản xuất kinh doanh của công ty. Về sau, doanh nghiệp này có lập hồ sơ đề xuất để xây dựng dự án  "Tổ hợp Thương mại, căn hộ chung cư 1283 Giải Phóng" hay còn gọi là Lakeview Tower Giải Phóng. Tuy nhiên, hiện tại vẫn chỉ dừng ở việc xin phê duyệt dự án.

Ngoài ra, việc Tổng công ty Bao Bì cho Cửa hàng Điện máy xanh thì UBND phường không nắm được đây chi tiết bởi đây là thỏa thuận giữa 2 bên, không có báo cáo đến chính quyền phường.

Theo báo cáo tài chính của VPC nêu rõ, VPC đã thế chấp toàn bộ tài sản gắn liền với đất tại số 1283 Giải Phóng theo hợp đồng tín dụng hạn mức ngày 20/9/2018 với hạn mức 100 tỷ đồng. Điều này liệu có phù hợp với quy định pháp luật, bởi lẽ nguồn gốc lô đất 1283 Giải Phóng được thuê lại thời hạn 50 năm không phải tài sản của doanh nghiệp để thế chấp tài sản?

Liên danh năng lực yếu?

Được biết, tại lô đất số 1283 đường Giải Phóng có một dự án với sự hợp tác giữa Công ty Cổ phần Kinh doanh Dịch vụ cao cấp Dầu khí Việt Nam (PVR), Tổng công ty Bao bì Việt Nam và Công ty Cổ phần xây dựng Sông Hồng. 

Công ty Cổ phần Bao bì Việt Nam - VPC là doanh nghiệp được cổ phần hoá từ Doanh nghiệp nhà nước Công ty Xuất nhập khẩu và kỹ thuật Bao bì theo quyết định số 1551/2004QĐ-BTC ngày 27/10/2004 của Bộ Thương Mại (nay là Bộ Công thương).

Công ty Cổ phần Bao bì Việt Nam được thành lập và hoạt động theo Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu năm 2005 và đăng ký thay đổi ngày 22/4/2019 do Sở KHĐT Hà Nội cấp.

Theo Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2019 của Công ty Cổ phần Bao bì Việt Nam cho biết, hoạt động kinh doanh chính trong năm của Công ty là: Cho thuê mặt bằng kinh doanh. Cũng trong năm 2019, Công ty Cổ phần Bao bì Việt Nam đã thoái vốn tại 2 công ty con là Công ty Cổ phần In và Bao bì VPC và Công ty Cổ phần Bao bì Hùng Vương.

Doanh nghiệp khác trong liên danh xin thực hiện dự án tại 1283 Giải Phóng là Công ty Cổ phần Kinh doanh Dịch vụ cao cấp Dầu khí Việt Nam. Doanh nghiệp này được thành lập với tên ban đầu là Công ty Cổ phần Dầu khí Tản Viên, được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lần đầu ngày 17/11/2006. 

“Soi” năng lực của liên danh đang xin triển khai dự án tại 1283 Giải Phóng? - ảnh 2

Dự án "chết yểu" của PVCR tại Hà Đông

Đây cũng là chủ đầu tư của nhiều dự án “đắp chiếu” trên địa bàn Hà Nội. Có thể kể đến là Hà Nội Time Towers, dự án này được đầu tư xây dựng trên khu đất CT10 - 11, Khu đô thị Văn Phú, Hà Đông, Hà Nội. Dự án cũng tiệm cận với trục đường đôi Quang Trung, là trục đường trung tâm từ quận Hà Đông nối với tuyến đường Nguyễn Trãi ra Thành phố Hà Nội.

Hay dự án dự án Khu du lịch quốc tế Tản Viên, được giao cho PVCR từ năm 2008 với quy mô 1.024,8 ha và tổng mức đầu tư 4.690 tỷ đồng. Tuy nhiên, đã hơn 10 năm nay, dự án vẫn đang trong quá trình điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 và PVCR vẫn chưa tìm được đối tác để chuyển nhượng lại dự án.

Còn nữa

Hải Đăng

Xem thêm: Ẩn khuất” đằng sau việc ôm đất vàng 1283 Giải Phóng?