Sớm xúc tiến tiêm chủng vắc xin COVID-19 cho trẻ em

07:00 | 05/10/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa cho biết, sẽ có ý kiến để thúc đẩy các chính sách hỗ trợ cho người dân, trẻ em gặp khó khăn do COVID-19.

Chiều 4/10, tổ đại biểu Quốc hội đơn vị số 8 gồm bà Tô Thị Bích Châu - chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM, Thiếu tướng Đặng Văn Lẫm - phó Tư lệnh Quân khu 7, Luật sư Trương Trọng Nghĩa - phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM, đã tiếp xúc cử tri trực tuyến tại huyện Bình Chánh.

Đưa ý kiến tại buổi làm việc, cử tri Nguyễn Thị Việt Thùy (xã Phong Phú) đề nghị các đại biểu Quốc hội có ý kiến đẩy nhanh việc tiêm vắc xin cho người dưới 18 tuổi. Cử tri Thùy cho biết việc này sẽ đảm bảo sức khỏe để học sinh sớm trở lại học trực tiếp tại trường, khắc phục hạn chế của việc dạy học trực tuyến hiện nay.

Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa.

Đồng quan điểm với cử tri Thùy, cử tri Nguyễn Nhật Tỏa (xã Bình Hưng) cho rằng việc học trực tuyến gây khó khăn cho học sinh bậc tiểu học, nhất là trẻ em mới bước vào lớp 1. Các em học sinh chưa quen thao tác với máy tính, khi học phải có phụ huynh kèm cặp. Không chỉ vậy, nhiều em có hoàn cảnh khó khăn, không có công nghệ hỗ trợ ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học. Cử tri cũng cho rằng cần sớm tiêm vắc xin để các em sớm quay lại học đường.

Còn theo cử tri Phạm Minh Hoàng (thị trấn Tân Túc) cho biết, hiện nay nhiều học sinh có cha mẹ là người nhập cư đang gặp nhiều khó khăn do dịch COVID-19. Dù TP đang từng bước mở cửa nhưng việc phục hồi không thể "một sớm một chiều", khiến nhiều lao động thất nghiệp; kéo theo việc học sinh sẽ bỏ học vì kinh tế khó khăn hoặc gia đình bỏ về quê.

Cử tri Hoàng đề nghị Quốc hội cần có những quyết sách để hỗ trợ đời sống người nghèo, người khó khăn; tạo điều kiện cho các em học tập. Đồng thời, phải quan tâm và có chế độ hỗ trợ dài hạn cho trẻ em mồ côi do dịch COVID-19, không để các em bị tổn thương khi không có người thân chăm sóc.

Phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri, đại biểu Trương Trọng Nghĩa đã thay mặt tổ đại biểu chia buồn sâu sắc với những cử tri có người thân tử vong do COVID-19, nhất là trẻ em rơi vào hoàn cảnh mồ côi do COVID-19. Theo ông Nghĩa, đại biểu Quốc hội sẽ có ý kiến để thúc đẩy các chính sách hỗ trợ cho người dân, trẻ em gặp khó khăn do COVID-19.

Ông Nghĩa cho biết các đại biểu sẽ ghi nhận đầy đủ ý kiến của cử tri. Trong đó, có các ý kiến nêu khó khăn về cơ sở vật chất trong việc dạy và học trực tuyến… để đề xuất các chính sách hỗ trợ kịp thời.

Về việc tiêm vắc xin cho trẻ em, ông Nghĩa cho biết hiện nay nhiều quốc gia cũng đang đặt vấn đề này. Theo ông Nghĩa, hiện nay nhiều nước chưa tiêm vắc xin có một phần nguyên nhân là trẻ em là đối tượng gặp ít nguy cơ hơn với dịch COVID-19.

Tuy nhiên, vừa qua, số ca nhiễm COVID-19 là trẻ em đang gia tăng đặt vấn đề "cũng đã đến lúc chúng ta phải chăm lo vắc xin cho lứa tuổi này". Tuy nhiên, việc tiêm vắc xin cho người dưới 18 tuổi phải kỹ lưỡng và phải có loại vắc xin phù hợp.

Việt Nam đã đặt 20 triệu liều Vắc xin Pfizer cho trẻ em.

Trước đó, ngày 14/7/2021, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã có cuộc làm việc trực tuyến với ông John Paul Pullicino- Tổng giám đốc Công ty TNHH Pfizer Việt Nam.

Tại cuộc họp, Bộ Y tế đã thoả thuận, đàm phán ban đầu với Pfizer về việc cung ứng, bổ sung cho Việt Nam 20 triệu liều vaccine COVID-19 để tiêm chủng cho trẻ em từ 12 -18 tuổi. Việt Nam hiện có khoảng 9 triệu trẻ em trong độ tuổi này.

Phía Pfizer cam kết đảm bảo cung ứng 20 triệu liều vaccine này trong quý IV/2021 để Việt Nam kịp thời triển khai tiêm chủng. Bộ Y tế đánh giá đây là tín hiệu tốt trong tình hình hiện nay.

Thông tin từ cuộc họp cũng cho biết, dự kiến Pfizer sẽ cung ứng cho Việt Nam khoảng 1 triệu liều vaccine COVID-19 trong tháng 7; 3,4 triệu liều trong 2 tháng 8 và 9. Tiếp đó, khoảng 27 triệu liều vaccine còn lại sẽ được cung ứng trong quý IV/2021.

Như vậy, cùng với 20 triệu liều vaccine COVID-19 bổ sung để tiêm cho trẻ em, tổng cộng trong quý IV/2021, Pfizer sẽ cung ứng khoảng 47 triệu liều vaccine COVID-19 cho Việt Nam.

Với lượng vaccine COVID-19 cung ứng nhiều trong quý IV rất lớn, Bộ Y tế đề nghị Pfizer sớm cung ứng đủ 31 triệu liều vaccine trong hợp đồng đã ký kết ngay trong quý III/2021 để đáp ứng nhu cầu hiện nay, đồng thời giảm tải cho công tác tiêm chủng vaccine COVID-19 trong quý IV/2021.

Cũng tại cuộc họp, hai bên đã trao đổi về dự kiến kế hoạch cung ứng vaccine COVID-19 của Pfizer trong năm 2022 và vấn đề chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine cho Việt Nam hoặc đặt nhà máy sản xuất vaccine COVID-19 tại Việt Nam.

Đại diện Pfizer cam kết sẽ tiếp tục nỗ lực để sớm có vaccine COVID-19 ưu tiên cung ứng cho Việt Nam trong bối cảnh khan hiếm vaccine trên toàn cầu theo đúng tiến độ trong thoả thuận đã ký kết; tiếp tục nghiên cứu về sử dụng vaccine COVID-19 cho trẻ ở lứa tuổi nhỏ hơn và phụ nữ có thai. Hai bên cũng phối hợp chặt chẽ trong việc đảm bảo vaccine COVID-19 được sử dụng hiệu quả nhất tại Việt Nam.

Tới ngày 17/9, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định về kinh phí mua bổ sung 19.998.810 liều vắc xin phòng COVID-19 BNT162 của Pfizer.

Theo đó, Chính phủ đồng ý sử dụng hơn 2.652 tỉ đồng từ nguồn Quỹ vắc xin phòng COVID-19 Việt Nam để mua số vắc xin trên của Hãng Pfizer, cũng như chi thực hiện các hoạt động phục vụ công tác tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 theo đề nghị của Bộ Y tế.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính xuất quỹ theo quy định. Bộ Y tế, Bộ Tài chính chịu trách nhiệm về nội dung và số liệu báo cáo. Việc quản lý, sử dụng, thanh quyết toán số kinh phí nêu trên thực hiện theo đúng quy định, đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả, công khai, minh bạch.

Trước đó, Chính phủ ban hành nghị quyết số 90 về mua bổ sung vắc xin ngừa COVID-19 BNT162 của Pfizer. Đây là số vắc xin mà Bộ Y tế và Pfizer thỏa thuận dành cho trẻ vị thành niên 12-17 tuổi.