(DNVN) - Vào lúc 13h30 ngày 28/8/2019 tại trạm biến áp 500 kV Tân Uyên, Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Nam (SPMB) đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức nghiệm thu, đóng điện thành công 2 công trình đường dây (ĐD) 500kV Sông Mây – Tân Uyên và công trình trạm biến áp (TBA) 500kV Tân Uyên và đấu nối.
Hai dự án ĐD 500kV Sông Mây – Tân Uyên và dự án TBA 500kV Tân Uyên và đấu nối do Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) làm chủ đầu tư. EVNNPT giao SPMB thay mặt Tổng công ty điều hành quản lý dự án; Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng điện 2 và Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng điện 3 là đơn vị tư vấn thiết kế, giám sát; Liên danh Công ty TNHH MTV Xây lắp Điện 2 - Công ty Cổ phần Sông Đà 11 và Liên danh Tổng Công ty Cổ phần Xây dựng Điện Việt Nam và Công ty Cổ phần Xây lắp Điện 1 là nhà thầy thi công đường dây; Liên danh Công ty TNHH MTV Xây lắp Điện 2 - Tổng Công ty Cổ phần Xây dựng Điện Việt Nam là nhà thầu thi công Trạm; Công ty Truyền tải điện 3 và Công ty Truyền tải điện 4 là đơn vị tiếp nhận quản lý vận hành khi công trình hoàn thành.
Dự án ĐD 500kV Sông Mây – Tân Uyên mạch kép được sử dụng móng trụ bằng bê tông cốt thép đúc tại chỗ; cột 02 mạch 1 thân và 2 thân, bằng thép hình mạ kẽm nhúng nóng, liên kết bằng bu long. Có chiều dài 23,32 km đi qua địa phận tỉnh Bình Thuận, tỉnh Đồng Nai, tỉnh Bình Dương. Dự án TBA 500kV Tân Uyên (ấp Cây Da, xã Thạnh Phước, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) và đấu nối được lắp đặt MBA AT1 500kV-900 MVA và AT6 220 kV-250 MVA của hãng Toshiba Guangzhou cùng các thiết bị đồng bộ.
Để hoàn thành hai dự án quan trọng này, SPMB đã nhận được sự quan tâm, hỗ trợ, chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ ngành, EVN, EVNNPT, sự phối hợp của chính quyền các cấp tỉnh Bình Thuận, tỉnh Đồng Nai, tỉnh Bình Dương cùng các nhà thầu thi công. Việc đưa vào vận hành 2 công trình “ĐD 500kV Sông Mây – Tân Uyên” và “TBA 500kV Tân và đấu nối” đáp ứng mục tiêu quan trọng theo chỉ đạo của Chính phủ, nhằm giải tỏa công suất của Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, Vân Phong. Tăng cường cung cấp điện, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng phụ tải phục vụ quá trình phát triển kinh tế xã hội của khu vực miền Nam. Nâng cao tính ổn định, độ tin cậy, giảm tổn thất, chống quá tải và giảm tải các đường dây, máy biến áp truyền tải trong khu vực.