Startup Nhật Bản nghiên cứu phương pháp dự đoán và phát hiện sớm bệnh bằng ứng dụng công nghệ

Lê Thị Xuân Phương 06:45 | 13/06/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Mirtel và Đại học Hirosaki hợp tác để ứng dụng dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo trong việc kiểm tra sức khỏe nhằm đưa ra một phương pháp dự báo và phát hiện sớm bệnh với chi phí thấp hơn.

Mirtel, một công ty khởi nghiệp của Nhật Bản và các nhà nghiên cứu tại trường Đại học Hirosaki đã hợp tác trong một dự án nghiên cứu phát triển một mô hình dự báo và phát hiện sớm bệnh có độ chính xác cao dựa vào dữ liệu về các thuộc tính và lối sống của con người.

Công ty Mirtel có kế hoạch sử dụng công nghệ này để phát triển các xét nghiệm cho các bệnh nhân ung thư với giá kỳ vọng chỉ với vài trăm yên (vài USD). Qua đó, bệnh nhân có thể dễ dàng nhận biết và giảm thiểu các nguy cơ trước khi bị bệnh diễn biến tiêu cực hơn.

Dự án của Mirtel, công ty khởi nghiệp có trụ sở tại Hiroshima và các nhà nghiên cứu tại Đại học Hirosaki kết hợp sử dụng dữ liệu lớn y tế mà trường đại học đã tích lũy được thông qua kết quả kiểm tra sức khỏe và phương pháp phân tích di truyền của Mirtel.

Trường Y khoa Sau đại học của Đại học Hirosaki gần đây đã mở Khoa Khoa học Dữ liệu Sức khỏe. Công ty Mirtel cũng đã tiến hành các cuộc kiểm tra y tế nhằm đánh giá rủi ro khi bệnh bước vào trạng thái tiền triệu chứng. 

Theo các chuyên gia, những cấu trúc nằm ở đầu mút của nhiễm sắc thể được gọi là telomere sẽ trở nên ngắn hơn do lão hóa hoặc lối sống không lành mạnh. Bằng cách đo chiều dài của telomere, các xét nghiệm của Mirtel sẽ phân tích máu và dự đoán trạng thái tiền triệu chứng của các bệnh như ung thư. 

Trong dự án, các xét nghiệm này được kết hợp với dữ liệu mà Trung tâm Đổi mới Sức khỏe người cao tuổi (COI) của trường đại học Hirosaki đã tích lũy từ khoảng 1.000 cư dân của quận Iwaki, Hirosaki trong 17 năm qua. Dữ liệu được thu thập thông qua cuộc khảo sát hàng năm, ghi nhận 2.000 chỉ số sức khỏe, bao gồm huyết áp, mức độ béo phì, tần suất trò chuyện với các thành viên khác trong gia đình và môi trường làm việc.

Các thử nghiệm telomere thường tốn vài chục nghìn yên. Bằng cách kết hợp sử dụng dữ liệu, dự án này kỳ vọng sẽ giúp người bệnh tiết kiệm chi phí dự báo bệnh tật so với phép đo telemere. 

“Nếu phương pháp mới trở nên dễ dàng tiếp cận và sớm đưa vào sử dụng, nó sẽ giúp việc phòng chống bệnh tật hiệu quả hơn và kéo dài tuổi thọ của con người”, Chủ tịch Mirtel, ông Toshiya Kato cho biết.

Trong dự án, các nhà nghiên cứu cũng hướng đến việc sử dụng trí tuệ nhân tạo để phân tích dữ liệu do COI thu thập nhằm chẩn đoán cho những người kiểm tra sức khỏe lần đầu tiên. 

Ông Kato cho biết các dự báo về bệnh chỉ sử dụng xét nghiệm máu sẽ ít gây căng thẳng cho cơ thể hơn so với sinh thiết, đồng thời, nói thêm rằng: “Điều này cũng có thể giúp phát triển các mô hình chẩn đoán, dự báo bệnh bằng cách sử dụng nước bọt”.

COI đã cung cấp dữ liệu kiểm tra sức khỏe cho 12 trường đại học trên khắp Nhật Bản và tham gia vào các dự án nghiên cứu với gần 50 công ty, bao gồm Suntory, Kao và Lion, đồng thời dự kiến ​​sẽ mở rộng các dự án nghiên cứu hợp tác của mình.

Cộng đồng địa phương hiện đặt nhiều hy vọng vào những nỗ lực của COI trong việc thúc đẩy nền kinh tế khu vực. Phó Chủ tịch COI, ông Koichi Murashita nói rằng dữ liệu kiểm tra sức khỏe có tiềm năng mạnh mẽ trong việc tạo ra nhiều loại hình kinh doanh mới.