Startup Việt làm gì để gỡ khó khi tiếp cận các quỹ đầu tư?
Nhiều startup Việt hiện chưa biết cách tiếp cận các quỹ đầu tư hoặc yếu về kỹ năng đàm phán nên quá trình gọi vốn vẫn gặp khó khăn…
Theo số liệu của Văn Phòng Hệ sinh thái KNĐMST (Đề án 844), Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), trong hệ sinh thái KNĐMST Việt Nam hiện có khoảng gần 100 quỹ đầu tư mạo hiểm hoạt động, trong đó có khoảng 20 quỹ nội. Quỹ nội và quỹ ngoại đang có xu hướng kết hợp nguồn lực với nhau để cùng đầu tư cho startup Việt Nam. Đây là cơ hội lớn cho các startup thu hút nguồn vốn đầu tư.
Trong năm 2020, tổng giá trị các thương vụ đầu tư vào startup Việt Nam đạt 290,43 triệu USD; số lượng thương vụ đầu tư đạt 56 thương vụ (trong đó có 34 thương vụ đầu tư được công bố giá trị). Cụ thể, các lĩnh vực thu hút được nhiều vốn đầu tư (xếp theo thứ tự tổng số thương vụ giảm dần): Công nghệ tài chính (12 thương vụ, tổng cộng 61,2 triệu USD); thương mại điện tử (8 thương vụ, tổng cộng 143,85 triệu USD); HR-Quản trị nguồn nhân lực (6 thương vụ, tổng cộng 36,88 triệu USD).
Tuy nhiên nhiều startup Việt hiện chưa biết cách tiếp cận các quỹ đầu tư hoặc yếu về kỹ năng đàm phán nên quá trình gọi vốn vẫn gặp khó khăn…
Nhiều startup Việt hiện chưa biết cách tiếp cận các quỹ đầu tư hoặc yếu về kỹ năng đàm phán
Theo tờ Kinhtedothi, nhiều startup mặc dù có ý tưởng tốt song bế tắc bởi không có vốn để khởi sự doanh nghiệp. Câu chuyện của Founder & Leader Tổ chức Recsorts Việt Nam Nguyễn Phương Tùng là một ví dụ. Là đơn vị đầu tiên đưa môn thể thao giải trí về Việt Nam, Recsorts Việt Nam có tham vọng đưa thể thao giải trí vào tất cả các địa điểm du lịch, vui chơi, giải trí. Mặc dù ý tưởng rất tiềm năng nhưng do thiếu nguồn lực tài chính nên doanh nghiệp vẫn ì ạch ở vạch xuất phát sau hơn 2 năm hoạt động. “Bản thân doanh nghiệp của tôi rất cần vốn, nhưng chưa được bên nào rót vốn đầu tư” - ông Tùng bộc bạch.
Ở góc độ một nhà đầu tư, Chủ tịch Công ty Cinnamon - Hajime Hotta chia sẻ, điểm mạnh của các startup Việt Nam là chăm chỉ và học rất nhanh. Tuy nhiên, điểm yếu là chưa tạo ra được những ý tưởng thật sự đổi mới. Bên cạnh đó, nhiều người khởi nghiệp vẫn thiếu các kiến thức về tài chính và huy động vốn; chưa thể hiện đầy đủ tiềm năng của mình trước nhà đầu tư, do đó thường gặp khó khăn trong quá trình gọi vốn.
Là một quỹ nội hỗ trợ tích cực cho các startup Việt, Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo BestB hiện có tổng mức đầu tư 15 triệu USD. Giám đốc Quỹ Nguyễn Anh Cường cho biết, các quỹ ngoại thường nhắm vào những startup có quy mô lớn, thuần công nghệ, trong khi ở Việt Nam có tới 90% doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động theo kiểu truyền thống. Do vậy, các doanh nghiệp này không chỉ khó tiếp cận được vốn ngoại, bản thân các startup Việt Nam cũng gặp nhiều khó khăn trong việc thuyết phục các quỹ nội đầu tư.
Ông Cường thẳng thắn chỉ ra 3 nguyên nhân chính khiến startup Việt chưa gọi vốn thành công. Trước hết, các startup đều thiếu kỹ năng đàm phán và tiếp cận các quỹ. Thứ hai, thường viển vông với ý tưởng sáng tạo, do đó không xác định được vị trí của mình đang ở đâu để kêu gọi vốn đầu tư phù hợp. Thứ ba là vận hành doanh nghiệp thiếu chuyên nghiệp, thường theo kiểu gia đình, thiếu tính minh bạch.
Nghiên cứu, chuẩn bị kỹ về sản phẩm và thị trường trước khi gọi vốn
Sau hơn một năm ra mắt, SpaceShare đã thực hiện 2 lần gọi vốn từ quỹ đầu tư Nhật Bản. Chu Dương Hải Anh, đồng sáng lập SpaceShare cho biết: “Để gọi được vốn, hai yếu tố quan trọng mà nhà khởi nghiệp cần phải xác định, đó là sự khác biệt của sản phẩm và giá trị mà sản phẩm có thể mang lại, như vậy nhà đầu tư mới có thể bỏ tiền cho bạn. Trước khi gọi vốn, bạn phải nghiên cứu kỹ thị trường, sản phẩm, xây dựng quy trình nhân sự, đào tạo, công nghệ…”.
Cũng là một DN gọi vốn thành công từ một quỹ đầu tư nước ngoài, nhà sáng lập Công ty CP Lozi Việt Nam Nguyễn Hoàng Trung chia sẻ, các startup cần chủ động, linh hoạt và sẵn sàng thích ứng trong mọi hoàn cảnh, xác định rõ mục tiêu gọi vốn. Bên cạnh đó, tập trung phát triển hoạt động, bảo đảm công việc kinh doanh không bị gián đoạn, mở rộng quy mô sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm. “Mỗi startup cần phải gây ấn tượng với câu chuyện của mình. Mặt khác, cần có sự chuẩn bị kỹ càng về số liệu so sánh, bảng biểu và sự am hiểu về thị trường vĩ mô để giải đáp câu hỏi của nhà đầu tư” – ông Trung nhấn mạnh.
CEO YellowBlocks Đoàn Kiều My – Trưởng làng Tiên phong tại Techfest 2020 chia sẻ, khi bắt đầu gọi vốn, các startup cần phải biết mình đang ở đâu, DN mình đang ở tầm nào, để từ đó có thể tiếp cận các quỹ hợp lý. Bên cạnh ý tưởng, chiến lược kinh doanh thì con người là yếu tố được nhiều nhà đầu tư quan tâm nhất. Đặc biệt, với những trường hợp startup gọi vốn ở giai đoạn đầu, chưa có báo cáo tài chính hay doanh số bán hàng rõ nét để chứng minh năng lực với nhà đầu tư.
“Các nhà đầu tư quan tâm đến mô hình kinh doanh của startup nhưng cái họ nhìn là profile (hồ sơ lý lịch) của các founder. Trong quá trình đi vào thị trường, startup sẽ có sự thay đổi liên tục, vì vậy tiềm năng của founder là điều họ nhìn vào để đánh giá” – CEO Kiều My nhìn nhận.
Startup Việt cần chuẩn bị tâm thế sẵn sàng để đón nhận làn sóng đầu tư mới trong thời gian tới
Đưa ra lời khuyên cho startup Việt, tờ qdnd.vn dẫn lời ông Nguyễn Xuân Đông, đồng sáng lập Công ty TNHH Ecomobi Media cho rằng, các startup cần luôn chủ động, linh hoạt và sẵn sàng thích ứng trong mọi hoàn cảnh, xác định rõ mục tiêu gọi vốn, tập trung phát triển hoạt động, bảo đảm công việc kinh doanh không bị gián đoạn, mở rộng quy mô sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm. Startup Việt Nam cần chuẩn bị tâm thế sẵn sàng để đón nhận làn sóng đầu tư mới trong thời gian tới.
Chia sẻ về kinh nghiệm phát triển, ông Nguyễn Hoàng Trung, người sáng lập Lozi cho biết, các startup cần nhìn ra cơ hội trong khó khăn để tận dụng thời cơ, mở rộng quy mô, thị trường doanh nghiệp. Vòng gọi vốn từ Quỹ đầu tư Vulpes Investment Management được thực hiện đúng thời điểm mảng giao hàng ở Việt Nam tăng trưởng khi dịch COVID-19 khiến nhiều đơn vị kinh doanh ăn uống phải dịch chuyển lên các nền tảng số. Với số tiền đầu tư mới, Lozi đang lên kế hoạch mở rộng mảng giao hàng giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp cho đối tượng khách hàng là doanh nghiệp nhỏ.
Về vấn đề pháp lý, ông Hoàng Minh Đức, Luật sư cấp cao tại công ty luật TNHH Duane Morris Việt Nam khẳng định, các startup cần nắm rõ các vấn đề về Luật Doanh nghiệp, đồng thời phải hiểu nội hàm, hiểu bản chất của điều khoản trong hợp đồng, từ đó có định hướng nhất định để xử lý nếu có vấn đề phát sinh. Tuy nhiên, chi phí để thuê luật sư đồng hành trong các thương vụ gọi vốn là điều không phải startup nào cũng có khả năng chi trả. Vì vậy, các startup cần tích cực tìm hiểu thông tin trên mạng, đồng thời có thể tranh thủ đến những hội thảo chuyên môn để trao đổi thông tin và nhận được tư vấn từ các luật sư.
Tăng kết nối và tính cộng đồng mạnh mẽ để tạo lợi thế cạnh tranh
Baodautu.vn nhận định: Trước làn sóng hội nhập, các start-up Việt cần tăng kết nối, tạo nên một cộng đồng mạnh mẽ để tạo lợi thế cạnh tranh, tránh tình trạng thua ngay trên “sân nhà”.
TS. Vũ Duy Thức, Giám đốc đầu tư Quỹ Do Ventures đánh giá, một trong những điểm yếu của hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam chính là thiếu kết nối. Dù đã có không ít start-up Việt thành công, nhưng các start-up lại chưa biết liên kết cùng nhau nhằm tạo ra một cộng đồng mạnh.
Ông Thức kỳ vọng tạo thêm nhiều cơ hội kết nối các tài năng Việt, các chuyên gia hàng đầu trên thế giới để xây dựng đội ngũ, đẩy nhanh phát triển sản phẩm, hỗ trợ tài chính, kết nối với các start-up Việt với nhau để cộng hưởng sức mạnh.
Ông Richard Triều Phạm, Phó tổng giám đốc tài chính Tiki đánh giá, start-up Việt Nam còn thiếu kỹ năng, chuyên môn sâu về kỹ thuật, kinh doanh, khả năng tiếp cận nguồn vốn hạn chế, chưa có nhiều ý tưởng và sáng kiến để bứt phá.
Dù vậy, vị chuyên gia này lạc quan rằng, các start-up Việt Nam có nhiều cơ hội để phát triển nhanh hơn so với khu vực, vì Việt Nam là một trong những nền kinh tế có tốc độ phát triển nhanh nhất khu vực và thế giới. Còn rất nhiều cơ hội để start-up tiếp tục khám phá, tận dụng; đồng thời, sẽ có nhiều nguồn vốn tiếp tục được đầu tư vào các công ty khởi nghiệp công nghệ tại Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực trong vài năm tới.
Đồng qua điểm, ông Phạm Anh Cường, Chủ tịch Quỹ đầu tư BestB Capital phân tích, năm 2020 là một năm khó khăn với cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam, song với việc kiểm soát COVID-19 hiệu quả và những kết quả phát triển kinh tế - xã hội, Việt Nam vẫn được xem là điểm đến của dòng vốn đầu tư cho khởi nghiệp.
Minh Hoa