Sự thật phía sau những cây lan đột biến có giá hàng chục tỉ đồng

16:48 | 17/08/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Lan đột biến bán hàng tỉ đồng/cây thu hút hàng ngàn người bỏ tiền vào đầu tư đang ẩn chứa đầy rủi ro trước khả năng sụp đổ của thị trường, như đã từng xảy ra với cây xanh cách đây đúng 10 năm.
Sự thật phía sau những cây lan đột biến có giá hàng chục tỉ đồng - ảnh 1
Lan 5 cánh trắng Phú Thọ đang tạo nên cơn sốt trên thị trường - Ảnh: Tuổi Trẻ
 
Hàng loạt vụ mua bán lan 5 cánh trắng đột biến với giá trị lên đến hàng chục tỉ đồng/cây, một centimet lan đột biến được bán với giá 1-3 triệu đồng, kiếm lời tiền tỉ chỉ sau 1-2 tháng mua lan... được đưa lên mạng xã hội khiến hàng ngàn người bỏ tiền tỉ vào ngành này.
 
Nhiều kịch bản "thổi" giá
 
Mới đây, ông Nguyễn Anh Tuấn (Đồng Nai) vừa quyết định bán 50 chậu lan 5 cánh trắng Phú Thọ với tổng chiều dài 50m được 5 tỉ đồng. Sau đó, ông Tuấn nhanh chóng chuyển toàn bộ số tiền từ bán lan sang mua đất chứ không tái đầu tư vào lan như trước.
 
Ba năm trước, ông Tuấn mua một lô lan 5 cánh trắng Phú Thọ có tổng chiều dài 10m với giá 500 triệu đồng (lan đột biến thường bán theo ki (keiki), tức chồi non mọc ra từ cây mẹ, hoặc centimet nếu bán cả cây lớn). Sau gần 3 năm, số lan trên sinh trưởng gấp 5 lần ban đầu.
 
Giữa năm 2019, loại lan này được giao dịch trên thị trường với giá 120 triệu đồng/m nhưng đến cuối năm giảm chỉ còn 50 triệu đồng/m.
 
Bước qua năm 2020, do các chương trình quảng bá mạnh mẽ từ các nhà vườn lan trên mạng xã hội rằng lời tiền tỉ từ lan đột biến đã kéo theo nhiều người mới tham gia nên giá lan lại đẩy lên 100 triệu đồng/m.
 
"Giá lan bây giờ cao quá, không biết giá sụp lúc nào nên tôi rút bớt ra đầu tư vào đất cho an toàn" - ông Tuấn chia sẻ.
 
Trong khi đó, ông H. - đại gia chơi cây cảnh tại Củ Chi (TP.HCM) - cho rằng lan đột biến thời gian qua đã được "thổi" giá lên quá mức bởi một số đầu nậu lớn. Họ làm theo những kế hoạch bài bản để đánh vào lòng tham của nhiều người khi thấy kiếm tiền quá nhanh và quá dễ.
 
Ông H. kể giới chơi lan có máu mặt không nhiều và thường biết nhau rất rõ, họ sẽ lên kế hoạch để đẩy giá một loại lan nào đó. Nếu một loại lan có một vài cây thì người ra muốn rao giá bao nhiêu cũng được vì người bên ngoài không có cơ sở nào để so sánh giá đắt hay rẻ.
 
"Sau khi thỏa thuận với nhau, họ sẽ tiến hành mua bán hoặc cho người của mình đứng ra mua. Địa điểm tổ chức là tại nhà vườn có cây lan muốn "làm thị trường" hoặc thuê một khách sạn 3-4 sao tại các thành phố lớn làm sự kiện hoành tráng, mời rất đông khách và cả báo chí đến tham gia...
 
Họ đặt tiền mặt mệnh giá lớn đầy trên bàn, rồi livestream, chụp hình, quay phim để đưa lên mạng.
 
Sau đó một thời gian, các sự kiện mua bán chính cây lan đó lại được diễn ra với số tiền được công khai là cao hơn trước hàng tỉ, thậm chí hàng chục tỉ đồng chỉ sau vài ba tháng. Rất nhiều người sẽ đổ tiền vào với mộng làm giàu nhanh chóng" - ông H. chia sẻ.
 
Khi được hỏi nhiều người biết mức giá bán hàng chục hàng trăm tỉ là ảo sao vẫn chấp nhận bỏ tiền tỉ ra mua lan về trồng, ông H. cho rằng cũng giống như các trò đa cấp, tiền của người sau trả cho người trước. Chừng nào còn có người đổ tiền vào mua lan giống về trồng thì giá bán còn giữ mức cao.
 
Sự thật phía sau những cây lan đột biến có giá hàng chục tỉ đồng - ảnh 2

Lan 5 cánh trắng Phú Thọ đang tạo nên cơn sốt trên thị trường - Ảnh: Tuổi Trẻ

Ai bỏ tiền tỉ mua lan về ngắm?
 
Là người có thâm niên trồng và kinh doanh các loại lan cắt cành tại TP.HCM từ hơn 20 năm qua nhưng ông Phạm Anh Dũng - chủ tịch Hội Sinh vật cảnh Củ Chi - từ chối tham gia thị trường lan đột biến.
 
Bởi theo ông Dũng, một thị trường có bền vững hay không là do độ lớn và khả năng chi trả của người tiêu dùng sau cùng.
 
"Nếu người ta đánh giá cao lan đột biến vì vẻ đẹp, thế thì có mấy người tại VN dám bỏ tiền tỉ ra mua một giò lan để về ngắm? Cho nên thị trường lan đột biến hiện nay chủ yếu bị thổi giá" - ông Dũng nói.
 
Đem câu hỏi vì sao giá lan đột biến cao đến mức "đột biến" như vậy, các nhà vườn lan đều cho rằng giá đắt vì "nó đẹp và hiếm".
 
Nhưng ông Phạm Anh Dũng cho rằng lan denro 4-5 triệu một chậu hoa "ôm không hết" người ta còn không dám mua về chơi, lấy đâu ra tiền tỉ để chỉ mua hoa về mà ngắm.
 
"Nếu anh đầu tư vào vàng hay đất thì giá thị trường biến động lên xuống anh không mất vốn. Còn khi lan mà sụp thì mất trắng" - ông Dũng cảnh báo.
 
Theo ông Dũng, mua một mầm hoa về trồng 3-4 năm sau mới đủ lớn để ra hoa là quá rủi ro vì trong quá trình trồng và chăm sóc có thể bệnh, chết và ra hoa không như ý. Do đó, người không am hiểu về trồng và chăm sóc lan, chỉ nhìn lợi nhuận để tham gia là rất rủi ro.
 
Sự thật phía sau những cây lan đột biến có giá hàng chục tỉ đồng - ảnh 3
 

* Ông Dương Hoa Xô (giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM):

Sự sụp đổ thấy trước

Trong một quần thể lan có thể xuất hiện một cá thể lan khác màu hoặc màu đặc biệt so với phần còn lại.

Đây là hiện tượng đột biến, rất hiếm trong tự nhiên. Người trồng lan muốn chọn được một loại đột biến mới thì họ phải mua rất nhiều cây lan để hi vọng có một loại lan khác biệt.

Lan đột biến rất hiếm là đúng, nhưng mức giá quá cao như hiện nay là ảo. Phi điệp đột biến có nguồn gốc từ lan rừng và đối tượng chơi loại lan này rất hạn chế, chứ không phải là một thị trường rộng lớn như cắt cành cho trang trí, sự kiện...

Hoa lan đột biến có thể nhân giống bằng tự nhiên hoặc nhân tạo. Nguồn cung sẽ tăng lên theo thời gian, qua đó sẽ làm giảm giá trị của chính loại hoa đó.

Khi nguồn cung đủ lớn thì lan quý hiếm trở thành lan thông thường và giá từ vài tỉ đồng sẽ trở về mức vài triệu đồng. Sự sụp đổ này là điều thấy trước và người ôm lan sau cùng sẽ lĩnh trọn.


Người trồng lan tố lừa đảo

Vợ chồng nghệ nhân Nguyễn Văn Hiển và Phạm Thị Oanh (thành phố Hòa Bình) chia sẻ: dòng lan đột biến Hiển Oanh (giới chơi lan gọi tắt là HO) được vợ chồng chị tình cờ mua được ở huyện Kim Bôi (Hòa Bình) 15 năm trước.

Chăm sóc một thời gian, cây xổ hoa rất lạ, không giống như các loại phi điệp thông thường. Hoa có 2 cánh, trắng trong, mắt đỏ chứ không tím như phi điệp thường.

Những năm đầu anh Hiển nhân giống, tách mầm và tặng người cùng chơi lan. Khoảng hơn 2 năm trở lại đây, dòng lan HO bỗng nhiên sốt giá, mỗi mầm cây nhỏ như đốt tay đã có giá hơn chục triệu đồng.

Chị Oanh cho hay giò lan HO chị bán giá cao nhất gần 800 triệu đồng cho một người mê lan ở TP.HCM. Tuy nhiên, chị cũng băn khoăn khi chính những giò lan HO mà vợ chồng chị phát hiện và đặt tên lại có giá vài tỉ đồng.

Trên mạng xã hội, cũng có hàng chục tài khoản bán lan tự nhận là con, cháu của anh chị Hiển - Oanh. "Vợ chồng tôi chỉ có 2 đứa con gái, chẳng đứa nào bán lan cả mà sao nhiều người nhận là con của chồng tôi thế không biết?" - chị Oanh nói.

Theo chị Oanh, gần như mọi tài khoản tự nhận là con, cháu đều là bán hàng lừa đảo. Người mới chơi lan rất khó nhận biết lan đột biến với lan thường, chỉ khi nào cây xổ hoa mới biết.


 

Tiền tỉ có nguy cơ đổ bỏ

Từ đầu năm trở lại đây, hàng chục cuộc giao dịch lan đột biến hàng chục tỉ khiến nhiều người ngỡ ngàng. Nhiều người chưa bao giờ trồng lan lao theo, bỏ cả đống tiền để mua lan đột biến với hi vọng đầu tư.

Những nhà vườn trồng lan, công an khẳng định cơn sốt lan đột biến đang ảo, tiềm ẩn nguy cơ lớn khi hàng loạt người lao vào đầu tư.


Giá hoa lan sốt hơn nhà đất

Ở Tuyên Quang, ngay trong tháng 6, một nhà vườn bán 2 giò lan với giá gần 5 tỉ đồng. Anh Nông Quốc Lịch - một người chơi lan ở huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang) - cho hay: "Giao dịch tiền tỉ là có thật. Bản thân tôi chứng kiến từ đầu đến cuối, sự kiện tổ chức công khai, người mua chuyển khoản thành công, người bán giao hàng, cam kết bảo hành chuẩn hoa, chuẩn giống...".

Anh Lịch cũng là người mới chơi lan được gần 2 năm nay, hiện tại vườn của anh chủ yếu là dòng lan đột biến. Dòng lan này đang có giá trị cao ngất ngưởng.

Chủ vườn Tống A Ly (ở xã Thái Sơn, huyện Hàm Yên, Tuyên Quang) cũng phất lên nhanh chóng từ cây lan đột biến. Ông chủ vườn trẻ tuổi này mới đổi hơn 70 "ki" (chồi non) lan 5 cánh trắng Hiển Oanh để tậu một chiếc xe Ford Everest tiền tỉ.

Một chủ vườn khác cũng ở Hàm Yên (xin được giấu tên) bán hơn trăm mầm lan đột biến để tậu chung cư gần 4 tỉ đồng ở Hà Nội.

Những giống lan đột biến đang "sốt" ở miền Bắc hiện nay là 5 cánh trắng Hiển Oanh (Hòa Bình), 5 cánh trắng Phú Thọ, Hồng Tam Bảo... Giá bình quân cây trưởng thành là 4 - 5 triệu đồng mỗi centimet. Giá mỗi mầm cũng khoảng 15 triệu đồng.

Theo những người chơi lan, giá lan càng cao thì càng nhiều người lao vào vì muốn đầu tư để "làm kinh tế".

Sự thật phía sau những cây lan đột biến có giá hàng chục tỉ đồng - ảnh 4

Một người dân ở khu phố Phú Tân, phường Tân Phú, thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước đầu tư hơn 200 triệu đồng xây dựng nhà trồng lan đột biến - Ảnh: Tuổi Trẻ

 

Chênh lệch vô lý

Anh Vi Hồng Trọng, chủ vườn lan Sinh Viên (thành phố Việt Trì, Phú Thọ), cho hay chính anh là người đã gắn bó với cây lan hơn 30 năm nhưng không thể hiểu được phía sau các giao dịch tiền tỉ là gì?

Ngay cả giò lan 5 cánh trắng Phú Thọ đang được các chủ vườn khác giao dịch hàng tỉ đồng thì ở vườn lan của anh Trọng chỉ bán với giá 250 triệu đồng.

"Hoa lan không phải là loại cây chữa được bệnh nan y, nếu ai thấy đẹp, thấy thích thì muốn sở hữu một nhánh. Từ những nhánh này rồi dần dần ai cũng có. Giá trị thật của cây lan không đến mức khủng khiếp đến vậy" - anh Trọng cảnh báo.

Ông chủ vườn lan cũng chia sẻ chính những người chơi lan lâu năm, những vườn lớn, nhiều giống như anh lại có thu nhập không bằng các vườn "ăn xổi". Giá lan đột biến liên tục bị đẩy lên cao để nhiều người lao vào.



 

Theo Tuổi Trẻ


ĐỌC NHIỀU