'Sức khỏe' ngành sản xuất cải thiện sau 5 tháng

Ngọc Quỳnh (TTXVN) 15:10 | 14/02/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo báo cáo nghiên cứu thị trường của S&P Global - Tập đoàn đa quốc gia tổ chức các hoạt động trong lĩnh vực cung cấp thông tin và dữ liệu tài chính, chỉ số quản trị mua hàng của ngành sản xuất Việt Nam (PMI) đã ghi nhận sự tăng trưởng trở lại vào đầu năm 2024, do tình hình kinh tế cải thiện khiến số lượng đơn đặt hàng mới tăng trở lại.

Hoạt động sản xuất đầu năm tại Công ty TNHH Apparel Far Eastern (Việt Nam) đóng Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore, thành phố Thuận An (Bình Dương). Ảnh: TTXVN phát

Trong tháng đầu tiên của năm 2024, chỉ số PMI của Việt Nam quay trở lại trên ngưỡng 50 điểm, lên mức 50,3 điểm so với 48,9 điểm của tháng 12/2023. Kết quả chỉ số cho thấy, sức khỏe của ngành sản xuất cải thiện lần đầu tiên sau 5 tháng.

Các nhà sản xuất Việt Nam cũng ghi nhận sự tăng trưởng trở lại vào đầu năm 2024, khi những dấu hiệu ban đầu cho thấy nhu cầu cải thiện giúp số lượng đơn đặt hàng mới và sản lượng tăng trở lại.

Ông Gabor Fluit, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham Việt Nam) nhận định: sự phục hồi kinh tế của Việt Nam đang đúng hướng. Để tiếp tục duy trì đà tăng trường này, cần tập trung đổi mới, xây dựng quan hệ thương mại mạnh mẽ hơn với các thị trường xuất khẩu trọng điểm và nâng cao giá trị xuất khẩu thông qua chế biến.

TS Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Vietnam lạc quan, nền kinh tế toàn cầu đang có những dấu hiệu phục hồi, đặc biệt là các nền kinh tế lớn là những thị trường xuất khẩu hàng hoá, dịch vụ của Việt Nam đã phục hồi tích cực. Ngoại trừ Liên minh châu Âu (EU) thì các nền kinh tế khác như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, Australia, các nước ASEAN đang phục hồi mạnh mẽ cho thấy nhu cầu đang tăng trưởng ổn định.

Giám đốc điều hành Economica Vietnam cho rằng, với sự ổn định kinh tế vĩ mô được duy trì cùng các thành tích ổn định khác trong năm 2023 là nền tảng để tiếp tục duy trì và thúc đẩy niềm tin của doanh nghiệp trong và ngoài nước, cũng như người tiêu dùng. Qua đó, gia tăng triển vọng đầu tư, thị trường bán lẻ và tình hình tiêu dùng trong nước.

Ông Bình cũng nhấn mạnh: Các con số gần đây đang cho thấy, rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm tới thị trường Việt Nam, đặc biệt trong hoạt động chuyển dịch các chuỗi cung ứng mới. Điều này hứa hẹn đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục gia tăng và đầu tư tư nhân trong nước cũng tốt hơn so với năm trước, đây là yếu tố đóng góp trực tiếp cho tổng cầu nền kinh tế. Không những thế, các chỉ báo đều cho thấy xuất khẩu, tiêu dùng và đầu tư đều gia tăng. Đây là các yếu tố thúc đẩy tổng cầu sẽ tăng trưởng tốt và niềm tin tưởng trong năm 2024 sẽ tích cực hơn so với năm trước.

Song song đó, với tinh thần quyết liệt và chủ trương của Chính phủ, năm 2024 sẽ tiếp tục có nhiều cải cách mạnh mẽ hơn về môi trường đầu tư kinh doanh, từ đó kỳ vọng đầu tư tư nhân, đặc biệt là đầu tư tư nhân từ nước ngoài tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2024.