Tái khởi động 'cỗ xe' TPDN: Doanh nghiệp cần nghiêm túc trả nợ, tạo niềm tin cho thị trường

TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu (ĐT&NC) BIDV 10:00 | 14/02/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Năm 2024, rủi ro lớn nhất với thị trường TPDN là giá trị đáo hạn kỷ lục. Vì vậy, doanh nghiệp cần chủ động bố trí mọi nguồn lực để thanh toán nợ gốc, lãi trái phiếu đến hạn cho nhà đầu tư theo đúng cam kết, nghiêm túc xem xét phương án bán tài sản.

 

2022 là năm nhiều biến cố, khó khăn nhất với thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN). Thị trường liên tiếp đón nhận những "cú sốc" lớn. Từ những sai phạm nghiêm trọng của một số doanh nghiệp bất động sản như vụ án Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát đến những quy định pháp lý mới như Nghị định 65.

Sau những cú sốc này, thị trường nhanh chóng bị tê liệt, gần như đóng băng, lượng doanh nghiệp phát hành mới vô cùng ít ỏi, nhà đầu tư cũng quay lưng với thị trường khi niềm tin sa sút. 

Sang năm 2023, thanh khoản thị trường có sự cải thiện đặc biệt là ở nửa cuối năm. Dựa trên những tín hiệu vĩ mô tích cực và nỗ lực Chính phủ, thị trường TPDN 2024 được kỳ vọng tiếp đà phục hồi. Song "cỗ xe" TPDN từng bị thắng gấp để tái khởi động lại cần cả một quá trình.

Một trong những giải pháp để "kéo" cỗ xe TPDN về tốc độ phát triển trước đây là những thay đổi về hành lang pháp lý. Chính phủ đã ban hành Nghị định 08 như một giải pháp tình thế phù hợp, giúp thị trường phục hồi khá tốt trong nửa cuối năm 2023.

Quy mô thị trường TPDN 2023 đạt 311.000 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2022. Nhiều doanh nghiệp chủ động mua lại trái phiếu trước hạn với tổng giá trị đạt hơn 231.000 tỷ đồng năm 2023, tăng 8,5% so với năm trước đó.

Ngân hàng là bên mua lại TPDN lớn nhất, chiếm gần một nửa tổng giá trị mua lại trước hạn. Cơ cấu nhà phát hành đa dạng hơn, nhưng chủ yếu vẫn là tổ chức tín dụng (chiếm 56,5% tổng lượng phát hành) doanh nghiệp bất động sản (chiếm 23,5%).

Quy mô và tăng trưởng phát hành TPDN qua các năm (không bao gồm TPDN phát hành ra thị trường quốc tế). (Nguồn: VBMA).

Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng đủ nguồn lực để mua lại TPDN trước hạn, ngày càng nhiều doanh nghiệp chậm/hoãn thanh toán trái phiếu.

Tính đến ngày 22/12/2023, đã có khoảng 103 doanh nghiệp thông báo về việc chậm/hoãn thanh toán gốc, lãi TPDN với giá trị khoảng 192.600 tỷ đồng, chiếm gần 19% tổng dư nợ TPDN. Trong đó, 70% nằm ở nhóm bất động sản.

Đây cũng là rủi ro lớn nhất với thị trường TPDN năm 2024 khi giá trị đáo hạn kỷ lục, khoảng 380.000 tỷ đồng, riêng nhóm bất động sản khoảng 110.000 tỷ đồng.Đây là nhóm được đánh giá có nguy cơ mất khả năng thanh toán trái phiếu rất cao.

Cơ cấu phát hành TPDN 2021 và 2022. (Nguồn: BSC, VBMA, Viện ĐT&NC tổng hợp).

Rủi ro khác của thị trường TPDN 2024 là việc một số quy định tạm hoãn trong Nghị định 08 đã được áp dụng như: Nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp; thời gian phân phối trái phiếu của từng đợt phát hành và xếp hạng tín nhiệm. Điều này sẽ ảnh hưởng tới khả năng phát hành trái phiếu của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, thị trường TPDN vẫn có triển vọng phát triển tích cực trong năm 2024 nhờ nhiều yếu tố hỗ trợ như: Tình hình kinh tế vĩ mô được dự báo khả quan hơn, mặt bằng lãi suất giữ ở mức thấp giúp giảm chi phí vốn từ phát hành trái phiếu; Sàn giao dịch trái phiếu riêng lẻ hay có thêm những doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ xếp hạng tín nhiệm.

Các điều khoản trong Nghị định 08/2023 về tạm ngưng hiệu lực của một số quy định tại Nghị định 65/2022 hết hạn từ ngày 1/1/2024, tuy sẽ gây ra một số khó khăn nhưng thị trường đã có hơn 8 tháng thời gian để chuẩn bị. Nhà đầu tư chứng khoán cá nhân cũng đã tích lũy đủ thời gian 180 ngày để đáp ứng tiêu chuẩn chuyên nghiệp.

 

Tuy nhiên, để thị trường TPDN tiếp tục đà phục hồi của nửa cuối năm 2023 vẫn cần có các biện pháp dài hạn, vĩ mô.

Chính phủ, Bộ Tài chính cần nhanh chóng cải cách thủ tục, điều kiện, rút gọn thời gian cấp phép phát hành để tạo điều kiện, có chính sách khuyến khích doanh nghiệp phát hành trái phiếu ra công chúng. Cũng như, bổ sung các chính sách khuyến khích định hạng tín nhiệm, công bố thông tin.

Cần sớm xem xét cấp phép thêm 2 - 3 công ty định hạng tín nhiệm có đủ năng lực, khuyến khích cả xếp hạng tín nhiệm quốc tế… Phát triển hạ tầng của thị trường TPDN như thị trường thứ cấp tập trung, cơ sở dữ liệu về trái phiếu, tài sản đảm bảo…cũng như hoàn thiện nhằm tăng thanh khoản, thu hút thêm dòng vốn đầu tư từ trong và ngoài nước.

Các hạ tầng hỗ trợ cho thị trường cũng cần được quan tâm, ví dụ như cơ sở dữ liệu về tài sản đảm bảo để hạn chế trường hợp sử dụng một tài sản cho nhiều khoản vay.

Với nhà đầu tư, cần cải thiện chất lượng nhà đầu tư cá nhân và khuyến khích các nhà đầu tư tổ chức. Ví dụ, với các quỹ mở, theo Thông tư 98 thì chỉ được đầu tư vào “trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ bởi tổ chức niêm yết có bảo lãnh thanh toán của tổ chức tín dụng hoặc cam kết mua lại của tổ chức phát hành…”.

Các điều kiện này khiến các quỹ mở sẽ khó có thể mua được TPDN phát hành riêng lẻ, do có rất ít được bảo lãnh thanh toán. Do đó, Bộ Tài chính có thể xem xét để sửa đổi điều khoản này.

Về phía doanh nghiệp phát hành, cần chủ động bố trí mọi nguồn lực để thanh toán nợ gốc, lãi trái phiếu đến hạn cho nhà đầu tư theo đúng cam kết. Một phương án cần được các doanh nghiệp nghiêm túc xem xét là bán tài sản, kể cả chấp nhận mức chiết khấu cao đến 30 - 40% (đặc biệt là các doanh nghiệp bất động sản) để tạo thanh khoản, bảo đảm thực hiện nghĩa vụ tài chính với trái chủ.

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần chủ động xếp hạng tín nhiệm và thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính, tăng cường công khai minh bạch… để lấy lại niềm tin của thị trường và nhà đầu tư.

Các trái chủ cũng cần xem xét, hỗ trợ các doanh nghiệp thông qua việc cho phép gia hạn hay nhận sản phẩm, tài sản để thanh toán khoản nợ trái phiếu. Phương pháp này sẽ có lợi cho cả hai bên. Các doanh nghiệp có thể tạm thoát khỏi rủi ro vỡ nợ trái phiếu, có thêm thời gian để phục hồi còn các trái chủ sẽ tránh tình trạng mất trắng tài sản khi doanh nghiệp vỡ nợ.