Sức mua nội địa mặt hàng gỗ sụt giảm mạnh do ảnh hưởng dịch bệnh

22:09 | 18/04/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Đại dịch COVID-19 đang tác động trực tiếp tới việc sản xuất và tiêu thụ các mặt hàng gỗ tại thị thường nội địa, làm giảm cầu tiêu dùng, co hẹp quy mô sản xuất và làm cho hàng chục nghìn người lao động tại các cơ sở chế biến tại làng nghề mất việc.

Hoạt động của các làng nghề gỗ sụt giảm nghiêm trọng

Trong những ngày qua, người tiêu dùng lo sợ về dịch bệnh, cùng với các biện pháp mạnh của Chính phủ nhằm ngăn chặn bệnh dịch đã làm cho toàn bộ hệ thống phân phối đồ gỗ theo cách truyền thống (qua kênh các cửa hàng) – kênh chủ yếu về tiêu thụ đồ gỗ tại thị trường nội địa dừng hoạt động. Điều này làm sụt giảm sức mua tại thị trường nội địa.

Ông Nguyễn Phi Chiến, Giám đốc Công ty TNHH Bách Việt, đơn vị chuyên sản xuất giường, tủ, bàn ghế cho thị trường nội địa thuộc làng nghề gỗ Liên Hà, huyện Đan Phượng cho biết: “Đơn hàng bị ảnh hưởng nhiều so với trước khi dịch xảy ra… do các cửa hàng đóng cửa và lệnh của Thủ tướng về cách ly xã hội.”

Sức mua nội địa mặt hàng gỗ sụt giảm mạnh do ảnh hưởng dịch bệnh - ảnh 1
 Nghề gỗ truyền thống gặp nhiều khó khăn trong đại dịch COVID-19.
Còn tại Đồng Kỵ thuộc huyện Từ Sơn (Bắc Ninh) một trong những làng nghề gỗ nổi tiếng nhất của cả nước với các loại sản phẩm như bàn, ghế, giường, tủ… được làm bằng gỗ tự nhiên, hiện hàng trăm cửa hàng trong phạm vi làng đã đóng cửa hoàn toàn. Không chỉ vậy, toàn bộ các cửa hàng, bao gồm cả hệ thống chợ gỗ cung cấp gỗ nguyên liệu cho cả Đồng Kỵ và các làng nghề gỗ gần với Đồng Kỵ hiện phải đóng cửa.
Không chỉ hoạt động của các làng nghề bị co hẹp nghiêm trọng mà đại dịch cũng làm cầu các mặt hàng gỗ xây dựng (ví dụ sàn gỗ, cầu thang, cửa…) tại các công trình dân sinh, khách sạn, khu đô thị… giảm mạnh. Theo ông Nguyễn Phúc Thắng, Giám đốc Công ty TNHH Nội thất Vàng Nam Á, đơn vị chuyên làm sàn gỗ cho các dự án nhà dân sinh, khách sạn…, các hoạt động tại các công trình nhà dân gần như đã bị dừng, vì người dân không dám cho Công ty thực hiện các hoạt động thi công trong thời gian cách ly xã hội. Một số hộ gia đình ngừng hoạt động mua sàn, hoặc mua nhưng chưa triển khai thi công, đợi đến hết giai đoạn dịch.
Đối diện và vượt qua thách thức để phát triển bền vững
 Trong bối cảnh đại dịch đang hoành hành, cộng đồng doanh nghiệp hết sức nỗ lực, cố gắng duy trì phần nào hoạt động sản xuất kinh doanh, để giảm thiểu tác động của dịch tới hoạt động của doanh nghiệp. Cộng đồng doanh nghiệp bắt đầu thực hiện các sáng kiến để tồn tại và chuẩn bị quay trở lại sau dịch.
Cụ thể, một số cơ sở kinh doanh hộ gia đình tại các làng nghề, với sản phẩm phục vụ thị trường nội địa, bắt đầu chuyển đổi sang hình thức bán hàng online. Hiệp hội gỗ Đồng Kỵ hiện nay đã thành lập nhóm trên zalo, viber và facebook, bao gồm các hộ gia đình sản xuất, hộ chuyên làm thương mại và hộ cung cấp nguyên liệu đầu vào, với ít nhất 179 thành viên đang tham gia vào các nhóm bán hàng này. Các thành viên trong nhóm thường xuyên chia sẻ các mặt hàng mà hộ mình làm ra, chào giá bán trên nhóm và nhờ các thành viên trong nhóm kết nối với người mua có nhu cầu.
Sức mua nội địa mặt hàng gỗ sụt giảm mạnh do ảnh hưởng dịch bệnh - ảnh 2
 Sức mua mặt hàng gỗ tại thị trường nội địa sụt giảm mạnh do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Bên cạnh đó, một số cơ sở sản xuất chuyển đổi cơ cấu mặt hàng, sản xuất các mặt hàng thay thế các mặt hàng trước đó được nhập khẩu. Việc đứt gãy các chuỗi cung, bao gồm cả các chuỗi cung nhập khẩu các mặt hàng gỗ từ nước ngoài, đặc biệt là từ Trung Quốc vào Việt Nam phục vụ tiêu dùng nội địa đã tạo ra khoảng trống về các mặt hàng này tại thị trường nội địa. Một số cơ sở sản xuất, bao gồm các hộ tại các làng nghề, nắm bắt cơ hội thị trường này, thực hiện chuyển đổi cơ cấu dòng sản phẩm của mình, nhằm sản xuất ra các sản phẩm lấp chỗ trống thị trường trong nước.
Đồng thời, nhiều doanh nghiệp tranh thủ cơ hội trong giai đoạn giảm quy mô hoạt động để tổ chức lại quy mô và năng lực sản xuất, nâng cao tay nghề cho công nhân, nâng cao năng suất lao động, sẵn sàng chuẩn bị cho các hoạt động sau dịch.
Bên cạnh đó, hiện nhiều doanh nghiệp và một số Hiệp hội đang tích cực thực hiện các hoạt động chuẩn bị về nguyên, vật liệu, tổ chức sản xuất, sẵn sàng cho việc quay lại sản xuất kinh doanh ngay sau khi đại dịch chấm dứt.
Tuy nhiên, theo Tổ chức Forest Trends việc phát triển thị trường nội địa đòi hỏi Chính phủ và các doanh nghiệp cần có cách hiểu chính xác về thực trạng và vai trò của thị trường nội địa, xu hướng cung – cầu tại thị trường này, và mối tương quan giữa thị trường này và thị trường xuất khẩu. Nghiên cứu về thị trường nội địa cần được thực hiện để tìm hiểu về cách khía cạnh này, từ đó giúp cho việc hình thành các cơ chế chính sách phù hợp để phát triển thị trường. Chính phủ cũng nên dành sự quan tâm xứng đáng cho các cơ sở chế biến quy mô nhỏ, hộ gia đình, đặc biệt là hệ thống các làng nghề gỗ trong cả nước, bởi đây là nhóm dễ bị tổn thương nhất.
Vì vậy, Tổ chức Forest Trends cho rằng để khuyến khích các doanh nghiệp tham gia phát triển thị trường nội địa, Chính phủ cần đóng vai trò dẫn dắt. Việc Chính phủ yêu cầu các sản phẩm gỗ theo hình thức đấu thầu trong mua sắm công phải đảm bảo tính hợp pháp có thể là một bước khởi đầu tốt để khuyến khích doanh nghiệp tham gia thị trường này. Đồng thời, Chính phủ nên tạo điều kiện ưu tiên cho các doanh nghiệp tham gia vào cung cấp các sản phẩm gỗ hợp pháp, đặc biệt là các sản phẩm có nguồn gốc từ gỗ rừng trồng của hộ gia đình, được sơ chế thông qua các xưởng xẻ quy mô hộ gia đình tại các vùng gỗ nguyên liệu rừng trồng.