“Tác động của phim ảnh bạo lực đến tâm lý con người là có thật”

14:00 | 15/09/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Nhà văn Đào Trung Hiếu (Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam) cho rằng, tác động của phim ảnh bạo lực, đồi trụy đến tâm lý con người đã được chứng minh là có thực. Tuy nhiên, việc đánh giá tác động của một bộ phim cụ thể nào đó đối với xã hội là điều khó khăn và khá khiên cưỡng.

Nhân bàn về Luật Điện ảnh, tôi xin có vài ý sau: 

Thứ nhất, tác động tiêu cực từ phim ảnh bạo lực, đồi trụy đến quá trình hình thành các đặc điểm tâm lý tiêu cực của con người đã được chứng minh là có thật, nhất là với người trẻ đang trong quá trình định hình nhân cách.

Nguyên nhân sâu xa của mọi tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác, đều bắt nguồn từ sự xuống cấp về văn hoá, băng hoại đạo đức xã hội.

Nhà văn Đào Trung Hiếu. Ảnh Zing.vn

Thứ hai, các hành vi ứng xử lệch chuẩn, bạo lực, lối sống vị kỷ, bất tuân luật pháp, vi phạm đạo đức và các chuẩn mực của đời sống chung… của nhân vật trên phim ảnh, có thể lây nhiễm sang những khán giả chưa hoàn thiện về nhận thức, non kém về trình độ thẩm mỹ, thị hiếu văn hoá, khả năng “đề kháng” với các hiện tượng tiêu cực trong đời sống còn giới hạn. Bởi vì khi mến mộ, thần tượng một vai diễn nào đó, người xem có xu hướng bắt chước, làm theo cách nghĩ, cử chỉ, hành động trên phim của họ.

Nếu nội dung phim quá bạo lực, phản ánh quá đậm đặc đời sống trong thế giới ngầm, với những ứng xử vô nhân tính, vô tình tạo ra những khuôn mẫu ứng xử cho số khán giả nói trên.

Do đó, tôi thấy việc đề xuất cơ chế tiền kiểm, hậu kiểm đối với các ấn phẩm điện ảnh, nhất là phim truyền hình chiếu rộng rãi cho quảng đại quần chúng xem là có căn cứ. Các bộ phim có nhiều cảnh bạo lực hoặc nhạy cảm…cần yêu cầu tiết chế, điều chỉnh, cắt bỏ.

Thứ ba, trong lúc nhấn mạnh yêu cầu xây dựng một nền văn hoá lành mạnh, loại trừ các yếu tố tiêu cực có thể gây ảnh hưởng trong cộng đồng, rất cần sự khách quan, công tâm và dựa trên các tiêu chí cụ thể khi đánh giá một tác phẩm nào đó. Vì mọi sự nhìn nhận phiến diện, cực tả, có thể thủ tiêu sự sáng tạo. Hậu quả là sẽ không còn những tác phẩm mang hơi thở của đời sống, phản ánh các vấn đề nổi cộm để cảnh báo cộng đồng, đấu tranh phê phán cái xấu…

Thiên chức của nhà văn hay biên kịch phim là thư ký của thời đại. Trách nhiệm của họ phản ánh trong tác phẩm văn học hay điện ảnh những thứ đang diễn ra ngoài xã hội.

Nếu ngòi bút không được tả chân những chuyện có tính thời sự của đời sống, sẽ không thuyết phục được ai. Chẳng hạn như việc mô tả một cuộc chiến đấu chính - tà nào đó, mà cái “tà” không được gọi tên tương đối đến nơi, đến chốn như vốn dĩ, thì sẽ không ai tin. Khi đó, việc ấn phẩm bị khán giả quay lưng là điều dễ hiểu.

Khán giả hiện nay có quá nhiều sự lựa chọn, nếu phim Việt không kể được về các vấn đề thời sự, họ sẽ xem phim nước ngoài, vì trình độ điện ảnh của họ ở một đẳng cấp hơn hẳn. Hậu quả là điện ảnh Việt sẽ thua ngay trên sân nhà.

 

Theo Tuổi Trẻ, ngày 14/9, tại cuộc họp góp ý cho dự thảo Luật điện ảnh (sửa đổi), phát ngôn về phim Người phán xử của thiếu tướng Lê Tấn Tới - chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội - gây chú ý trên mạng xã hội.

Ông Tới phát biểu: "Điều 11, về nội dung và hành vi nghiêm cấm trong hoạt động điện ảnh. Hiện một số bộ phim có tình tiết cổ xúy cho hành vi vi phạm pháp luật, ví dụ phạm tội nhưng ko bị xử lý, lối sống ích kỷ, một số phim phản ánh quá chân thực, quá chi tiết về sự tự diễn biến, tự chuyển hóa, vô hình trung làm cho người xem nhận thức sai và bắt chước làm theo.

Nhà văn Đào Trung Hiếu (Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam)

ĐỌC NHIỀU