Tai nạn đường sắt – Tiếp tục gióng hồi chuông cảnh báo

Minh Thư 14:12 | 08/09/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Liên tiếp những vụ tai nạn giao thông (TNGT) liên quan đến đường sắt xảy ra thời gian gần đây với diễn biến ngày càng phức tạp tiếp tục gióng những hồi chuông báo động đối với những người tham gia giao thông, nhất là tại các khu vực đường ngang lối mở, nút giao cắt giữa đường sắt và khu dân sinh...

Liên tiếp xảy ra các vụ TNGT đường sắt

Chiều 3/9, tàu sắt D19E-940 chạy hướng Bắc - Nam đang đi ngang đường Trung Tâm - Hưng Lộc để vào ga Dầu Giây (huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai) bất ngờ va chạm với xe máy do một nam giới điều khiển chở theo một phụ nữ. Cú tông mạnh, trực diện khiến hai người đi xe máy tử vong tại chỗ.

Trước đó, vào tối ngày 29/8/2023 khi một người đàn ông cố băng qua đường ray đã bị tàu hỏa tông tử vong... Vụ tai nạn xảy ra tại đường ngang thuộc địa phận xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Thời điểm xảy ra tai nạn, tàu hàng di chuyển theo hướng Nam - Bắc đã va chạm với xe máy do một người đàn ông điều khiển lưu thông theo hướng từ Trạm kiểm dịch động vật ra quốc lộ 1. Vụ tai nạn nạn khiến người đàn ông tử vong tại chỗ, chiếc xe máy văng ra xa, biến dạng.

Cũng trong ngày 24/8, tàu khách SE đang di chuyển theo hướng từ TP.HCM - Hà Nội đã va chạm với xe mô tô đi từ ngõ 210 ra hướng đường Ngọc Hồi. Hậu quả, khiến 2 nữ sinh (quê quán tại Ninh Bình), 1 tử vong tại chỗ, 1 tử vong trên đường đi cấp cứu.

Trước đó một ngày, tối 27/8, một chiếc ô tô chở 9 người vượt lối đi dân sinh qua đường sắt khu vực chợ Quán Ngà, xã Tân Tiến, huyện An Dương (Hải Phòng) đã bị tàu hỏa chạy tuyến Hà Nội - Hải Phòng đâm trực diện. Cú tông khiến ôtô lật ngang, văng ngang ra bụi cỏ cách đường sắt vài mét. Chiếc xe hư hỏng nặng, nhiều phần bị bẹp dúm. Người dân cùng lực lượng chức năng đã đưa 4 người lớn và 5 trẻ em đến bệnh viện cấp cứu. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do lái ôtô thiếu quan sát khi băng qua đường sắt. Cũng tại điểm giao này, vào tháng 5 - 6, cũng đã xảy ra một số vụ tàu hỏa va chạm với xe máy, xe ba bánh làm hai người chết.

Trên đây chỉ là một vài vụ TNGT liên quan đến đường sắt mới xảy ra thời gian gần đây trong vô số các vụ TNGT nghiêm trọng khác đã xảy ra từ đầu năm đến nay và các năm trước đó. Thực trạng này tiếp tục gióng những hồi chuông cảnh báo đến tất cả những người tham gia giao thông trước những tiềm ẩn khó lường về TNGT đường sắt.

  Ảnh: Một vụ TNGT đường sắt xảy ra trong năm 2023 (Ảnh: Internet) 

Cần những giải pháp quyết liệt

Theo thống kê của ngành đường sắt, tai nạn giao thông liên quan xảy ra tại các lối đi tự mở vẫn chiếm tỷ lệ khá lớn, từ 70 - 80%. Trong khi đó, mạng lưới đường sắt quốc gia hiện vẫn còn hơn 3.600 lối đi tự mở, trong đó có rất nhiều đường ngang vào làng xã, khu dân cư với hàng nghìn hộ dân sinh sống. Điều này tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT là rất lớn.

Thống kê của Cục Ðường sắt Việt Nam cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2023, tai nạn giao thông tiếp tục được kiềm chế và kéo giảm sâu trên cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ năm 2022, tuy nhiên, TNGT đường sắt tăng cao hơn cùng kỳ năm trước. Chưa tính hàng loạt vụ tại nạn xảy ra trong mấy tháng gần đây, số liệu thống kê đến tháng 6 cho thấy cả nước đã xảy ra 68 vụ, làm chết 34 người, bị thương 13 người, so với cùng kỳ năm trước tăng 6 vụ (14,29%), tăng 4 người chết (13,33%), tăng 2 người bị thương (18,18%). Địa điểm xảy ra tai nạn đường sắt chủ yếu xảy ra tại lối đi tự mở, ngoài ra là các đường ngang cảnh báo tự động, và dọc đường sắt…

Theo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), nguyên nhân của các vụ TNGT dường sắt một phần đến từ việc người tham gia giao thông không chú ý quan sát khi lưu thông qua đường ngang giao cắt với đường sắt cho dù có tín hiệu cảnh báo nguy hiểm. Nhiều người, mặc dù khi có tàu đến, nhân viên gác trực ra kéo barie, ngăn các phương tiện băng qua đường tàu nhưng vẫn cố tình băng qua đường sắt, bất chấp nguy hiểm. Hiện nay, cả nước còn lại 3.606 lối đi tự mở, trong số này có rất nhiều đường ngang vào làng xã, khu dân cư với hàng nghìn hộ dân sinh sống, nếu xóa bỏ hẳn thì dân sẽ không có lối đi.

Để đảm bảo an toàn giao thông đường bộ, đường sắt và không để xảy ra vụ tai nạn tương tự, VNR kiến nghị các địa phương cần tổ chức kiểm tra, rà soát và đưa ra các giải pháp đảm bảo an toàn phù hợp với từng lối đi tự mở có nguy cơ cao xảy ra tai nạn. Nhất là các lối đi tự mở có chiều rộng lớn hơn 3m, có đường bộ chạy song song với đường sắt và lưu lượng xe cơ giới đường bộ có tải trọng lớn qua lại. Cùng với đó, hạn chế phương tiện giao thông qua các giao cắt này, chỉ cho phép xe ôtô dưới 9 chỗ ngồi, xe tải có trọng tải dưới 2,5 tấn qua lại.

Đại tá Nguyễn Quang Nhật - Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền pháp luật về trật tự ATGT, Cục CSGT, để đảm bảo an toàn giao thông đường sắt, trách nhiệm phải từ nhiều phía trong đó có cả người tham giao thông cũng như các đơn vị chức năng. Việc rà soát lại những đường ngang, lối mở cũng như kiểm tra hệ thống cảnh báo, gác chắn, nâng cao hơn ý thức trách nhiệm của các cán bộ, công nhân viên gác chắn, lái xe, người dân sinh sống ở dọc các tuyến nơi có đoàn tàu đi qua là rất quan trọng.

“Giải pháp bền vững giảm tai nạn giao thông đường sắt là phải cương quyết chấm dứt việc để phát sinh đường ngang trái phép. Đồng thời xử lý trách nhiệm người đứng đầu đơn vị, địa phương có liên quan nếu để phát sinh đường ngang dân sinh trái phép. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương phải phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan như Ban An toàn giao thông địa phương, Cục Đường sắt và Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam để có phương án bảo đảm an toàn giao thông đường sắt cho người dân…”, ông Nhật nhấn mạnh.