Tài sản của nhà sáng lập Huawei “bốc hơi” 10% bởi lệnh cấm vận từ Mỹ
Tài sản của người sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi đã “bốc hơi” 10% so với năm ngoái, xuống còn 2,8 tỷ USD do ảnh hưởng bởi các lệnh cấm của Mỹ.
Theo bảng xếp hạng người giàu Trung Quốc vừa được Hurun công bố, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi đứng thứ 277, tụt 100 bậc so với năm 2019.
Tập đoàn Huawei, có trụ sở tại Thâm Quyến, là một trong những nạn nhân lớn nhất của cuộc chiến thương mại và công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc. Năm ngoái, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa Huawei vào "danh sách đen" thương mại. Mỹ cũng gây áp lực khiến một số đồng minh như Anh loại Huawei khỏi mạng lưới 5G đang được triển khai ở nước này.
Khác với người sáng lập Huawei, tài sản của các tỷ phủ công nghệ khác của Trung Quốc đều tăng trưởng ấn tượng.
Xếp hạng trong Hurun China Rich của ông Nhậm Chính Phi cũng giảm từ vị trí 162 năm ngoái xuống 277 của năm nay.
Nhà sáng lập Xiaomi Lei Jun đã chứng kiến khối tài sản tăng gấp đôi, từ 75 tỷ NDT lên 170 tỷ NDT.
Nhà sáng lập Vivo Shen Wei, nhà sáng lập Oppo Chen Mingyong, lần lượt nắm trong tay 18 triệu NDT và 17,5 triệu NDT.
Jack Ma, ông chủ sáng lập hãng thương mại trực tuyến Alibaba, cùng gia đình vẫn giữ chắc vị trí số một với tài sản ròng 58,8 tỷ USD, tăng tới 45% so với năm ngoái. Đáng chú ý là Alibaba đã nhảy sang cả lĩnh vực truyền thông khi hiện sở hữu tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng đặt tại Hong Kong.
Theo sau đó là Pony Ma, nhà sáng lập gã khổng lồ công nghệ Tencent. Hurun ước tính khối tài sản của ông tăng 50% so với năm 2019, lên 57,4 tỷ USD.
Theo Danh sách tỷ phú Hurun vừa được công bố, người nào có tài sản từ 2 tỷ nhân dân tệ (300 triệu USD) trở lên mới được xếp hạng. Riêng nhóm siêu giàu trong danh sách Hurun đã có tổng tài sản đạt 1.500 tỷ USD, ngang với tổng sản lượng cả nền kinh tế Liên bang Nga năm ngoái. Còn tính cả danh sách Hurun, tổng tài sản đạt 4.000 tỷ USD, vượt GDP của Đức - nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới.
“Danh sách Hurun chỉ tập hợp tài sản hình thành trong năm tài chính 2020 (tính đến ngày 28/8) thay vì tính tổng chu kỳ 5 năm gần đây, điều đó cho thấy cơ cấu nền kinh tế Trung Quốc đã thay đổi, tách khỏi hai yếu tố cơ sở lâu nay là bất động sản và công nghiệp sản xuất, đó là sự tiến hóa sang một nền kinh tế mới”, Rupert Hoogewerf - Chủ tịch và Trưởng nhóm nghiên cứu của Báo cáo Hurun nhận xét.
Hải An (t/h)